Bốn ông bố & chín đứa trẻ

05/03/2015 - 06:51

PNO - PN - Không vợ, không con nhưng những “ông bố” ấy đã chăm sóc chín đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ lần lượt lớn khôn, được ăn học đàng hoàng, khỏe mạnh, lễ phép. Bốn người đàn ông, mỗi người mỗi cảnh nhưng cùng một mục tiêu:...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bon ong bo & chin dua tre

Anh Hạnh và những đứa trẻ trong căn nhà đặc biệt - Ảnh: H.N.

Ngôi nhà đặc biệt

5g sáng, khi mọi người còn ngon giấc, chín đứa trẻ đều là nam được bố Hạnh đánh thức để vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đến trường. Dù còn ngái ngủ nhưng tất cả đều răm rắp ngồi dậy. Vệ sinh xong, chúng ngồi ngay ngắn chờ bữa sáng dọn ra. Mỗi đứa phải ăn hết phần mới được rời khỏi bàn, hôm nay là bún tươi nấu thịt bò thay vì phở, hủ tíu hoặc xúp như những hôm trước.

Tất cả do một tay bố Hạnh nấu. Ăn xong, đúng 6g15, bố Toản sẽ chở chúng đi học và không quên một hộp sữa tươi cho những đứa dưới tám tuổi. Đó là kỷ luật và nền nếp trong ngôi nhà đặc biệt chỉ toàn đàn ông mà chúng tôi đã chứng kiến khi đến đây.

Ngôi nhà nằm trong con hẻm nhỏ dưới chân Cầu Dừa (thuộc xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM). Ở đây có bốn “ông bố” và chín đứa trẻ, đứa lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất mới ba tuổi. Người phụ trách chính là anh Nguyễn Hữu Hạnh (45 tuổi).

Các anh không ai bảo ai, mỗi người một việc cùng chung tay chăm sóc, nuôi dưỡng các bé. Dù khác nhau về hoàn cảnh nhưng tất cả các “ông bố” ở đây đều độc thân, không con cái và tự nguyện đến với các em bằng tình thương. Bố Hạnh quản lý chung mọi khâu, từ việc lo giấy khai sinh, chăm sóc sức khỏe, tìm trường lớp, dạy dỗ kỷ luật đến lo từng bữa ăn cho các bé. Bố Toản, bố Quyền, bố Quốc thay nhau chở các bé đi học, lấy cơm từ thiện và kiêm luôn dạy kèm các môn học vào buổi tối.

Hôm chúng tôi đến đúng lúc các bé đang ăn cơm. Không vương vãi, không ồn ào, rất nghiêm túc, các bé vừa ăn vừa nghe bố Hạnh hỏi chuyện: Hải, Hiếu hôm nay có bài tập về nhà không? Bé Nam không được lấy tay chùi miệng - lở hết bây giờ, còn A Sun - ăn thêm miếng thịt gà vào…

Anh quay sang tôi giải thích: bọn trẻ rất ham chơi, nếu không uốn nắn thì không vào nền nếp. Mỗi bữa ăn tôi phải ngồi ăn cùng để “đe” chúng, đứa nào cũng lười ăn thịt, không có mình thì không ăn hoặc ăn ít lắm. Cả việc vệ sinh cá nhân, có đứa phải quất vào mông vài lần mới chịu đánh răng. Rồi chuyện học hành, lơ là một chút là sa sút ngay.

Bon ong bo & chin dua tre

Anh Hạnh, anh Quyền và những đứa trẻ trong căn nhà đặc biệt - Ảnh: H.N.

Yêu thương cho xương rồng trổ hoa

Nhiều ngày đến đây, chúng tôi luôn đặt câu hỏi “họ làm gì để nuôi bọn trẻ?”, anh Hạnh chia sẻ: chúng tôi có đến bốn người và cả những Mạnh Thường Quân yêu thương bọn trẻ góp sức. May mắn là mỗi anh em đều có chuyên môn, tôi là bác sĩ chuyên châm cứu, cậu Quyền, cậu Quốc đều là y sĩ, anh Toản có khiếu nấu ăn. Ban ngày chăm lo bọn trẻ, tối đến chúng tôi cộng tác với các cơ sở khám bệnh kiếm tiền trang trải, rồi gia đình tôi hỗ trợ thêm mỗi tháng. Quan trọng hơn là các Mạnh Thường Quân, người góp mắm, gạo, đường, sữa, người hỗ trợ cơm từ thiện…

Bon ong bo & chin dua tre

Hoa xương rồng - Ảnh: Ngọc Hồ.

“Chăm sóc các bé dù vất vả nhưng không đáng lo bằng chuyện dạy dỗ, vì mỗi đứa mỗi tính, có đứa mồ côi từ nhỏ không ai uốn nắn nên cứ như cây cỏ hoang, bướng bỉnh và thường nói dối để nghỉ học. Mỗi lúc như thế chúng tôi cũng đau đầu, đôi lúc không tránh khỏi cảnh la rầy hay đòn roi để các bé rèn tính kỷ luật”, anh Hạnh tâm sự.

Nói về cơ duyên nhận nuôi các bé, anh Hạnh kể: anh làm công tác thiện nguyện từ năm 2005, chủ yếu là nuôi dưỡng những người nam cơ nhỡ có HIV vì nghiện ma túy. Chứng kiến nhiều đứa trẻ bơ vơ khi cha mẹ mất hoặc những đứa trẻ do cha mẹ mang đến xin tá túc để họ được ngắm nhìn, nựng nịu con đến phút cuối đời, anh đã không cầm lòng được.

Năm 2007, anh chính thức nhận nuôi bé Huy (một tuổi) có cha mất vì AIDS, mẹ không có khả năng nuôi. Đến nay Huy đã 10 tuổi, học lớp 4. Lần lượt, nhiều đứa trẻ khác cũng được cha mẹ gửi gắm khi nhắm mắt xuôi tay.

“Có trường hợp gửi lại khi bé tròn hai tháng, lúc ẵm bé tay chân cứ lóng ngóng, chúng tôi thay nhau thức đêm cho bé bú rồi lên mạng học cách pha sữa, nấu cháo, thay tã nhưng do nhiễm bệnh nên bé đã ra đi”, anh Hạnh buồn bã nói.

Cũng có bé không rõ cha mẹ như A Sun (dân tộc Stiêng) do một người mang đến nhờ cưu mang. Lúc đến đây, cậu bé cứ khóc nhè, gầy tong vì nhớ nhà. Nhưng hôm nay, nhìn cậu bé mũm mĩm, gương mặt tinh khôi với đôi mắt đen láy, chúng tôi thầm thán phục sự hy sinh tận tụy của các anh.

Càng thán phục hơn khi tất cả các “ông bố” này có ý định gắn bó lâu dài với các em, trong đó có những người rất trẻ như Nguyễn Anh Quốc (23 tuổi) - bốn năm gắn bó với mái ấm. Quốc chia sẻ: “Tình cờ theo mẹ đến thăm mái ấm, tôi bị cuốn hút bởi ánh mắt trong trẻo, hồn nhiên của các bé và ý muốn thôi thúc phải làm gì góp phần chăm sóc những hoa xương rồng này. Thế là tôi ở lại đây luôn”.

Gắn bó với nơi đây từ thời còn trai trẻ, anh Trần Nhân Quyền (44 tuổi) cười tươi: “Chắc phải gắn bó lâu dài rồi, ở lâu mến tay mến chân tụi nhỏ lắm!”.

Khi đi một vòng tham quan phòng ngủ, phòng vệ sinh và góc học tập của các bé nằm ngăn nắp trong căn nhà hơn 100m2, chúng tôi chú ý một góc nhỏ vô cùng đặc biệt treo đầy giấy khen học sinh giỏi, giấy khen vở sạch chữ đẹp cấp trường của các bé. Nhờ tình yêu thương mà xương rồng đã trổ hoa.

 HỒNG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI