|
Con cái chúng ta hầu hết đều thích trở thành YouTube, TikToker, gamer. Tại sao thế nhỉ? (Ảnh minh họa) |
Lâu lâu mới có dịp tụ họp, mấy chị em cười nói lao xao đủ chuyện trên đời. Đang bàn về quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, chị Dung đổi đề tài hướng đến bọn trẻ. Chị kể có lần hỏi lớn lên thích làm nghề gì, con gái chị nói ngay: “Con thích làm YouTuber”. Vài bữa sau con bé thêm: “Làm TikToker cũng giàu lắm đó mẹ”.
Các chị trong hội phá lên cười, sao bọn nhỏ bây giờ giống nhau đến thế. Mấy đứa trẻ nhà các chị cũng toàn mơ mộng “TikToker”, “YouTuber”, “gamer”. Các chị thuộc thế hệ cuối 8X, vốn xem kết nối mạng là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống mỗi ngày. Vậy mà khi nghe ước mơ nghề nghiệp của con, nhiều chị giật mình tự hỏi: Làm mấy cái nghề ấy thực sự là làm gì?
Con gái chị Dung hào hứng bảo rằng rất dễ, chỉ cần có một chiếc điện thoại xịn để quay phim chụp ảnh. Con sẽ tạo các video hấp dẫn đăng lên mạng, càng nhiều người vào xem thì con càng kiếm được nhiều tiền. Các YouTuber, TikToker nổi tiếng đều kiếm tiền nhàn hạ như thế. Chị bàn sâu cho con hiểu, muốn làm được vậy con phải nhạy bén, có kiến thức và óc sáng tạo mới có thể tạo sự thu hút.
Năm ngoái con lặng im khi nghe mẹ nói vậy, năm nay con đã biết lý luận: “Mấy video kiến thức sáng tạo ít người quan tâm lắm. Mọi người chỉ thích giải trí hài hước, giật gân, chuyện lạ, chuyện sốc”.
Để chứng minh, con mở cho chị xem một kênh mới nổi lên gần đây trên YouTube. Chủ nhân của kênh là một cô gái thực hiện các video ghi lại quá trình cô bày biện và ăn mọi thứ trên đời kèm với ớt. Hoa lá cỏ cây, hải sản sống, thịt tươi chấm nước mắm ớt. Để kích thích sự hiếu kỳ từ người xem, cô gái còn ăn cả đôi dép Lào với ớt! Khủng khiếp hơn, ở một video khác, cô biểu diễn ăn món lòng bò tươi còn dính đầy phân. Những video ăn uống vừa dơ bẩn rùng rợn vừa phản khoa học của cô thu hút hàng chục ngàn người xem, với hàng ngàn bình luận, hàng ngàn lượt chia sẻ.
Chị Dung lướt mắt qua rồi rùng mình, không ngờ chỉ vì muốn kiếm tiền mà người ta có thể bất chấp mọi thứ. Hậu quả ra sao nếu trẻ con bắt chước làm theo các video này, thật không dám tưởng tượng! Lần đầu tiên chị nghĩ đến chuyện đã cho con giải trí với điện thoại mà chưa từng kiểm tra chúng xem gì. Chị hỏi tại sao con đăng ký kênh của người kia, con dự định sẽ làm video nội dung gì. Con mơ màng nói tại thấy video chị ấy ăn mấy thứ rùng rợn nên tò mò. Con chưa biết sẽ làm video thế nào, làm gì cũng được, miễn là có nhiều người coi.
Giấc mơ YouTuber của con khiến chị Dung băn khoăn, chưa biết cách nào có thể hướng được sở thích của con đến những điều tích cực. Đó là lý do chị đã nhắc đến con cái với các chị bạn. Một chị trấn an, bảo không sao, lớn thêm một chút bọn trẻ sẽ thay đổi.
Rồi chị kể “ông con” nhà chị rảnh là vùi đầu vào game online. Vì mê game nên con luôn tranh thủ làm bài tập về nhà nhanh lẹ gọn. Con bảo lớn lên sẽ là một gamer chuyên nghiệp. Vợ chồng chị coi điều đó viển vông nhưng không muốn nói ra vì tin rằng mơ ước của con sẽ thay đổi theo thời gian.
Các chị trong hội đều phản ứng không đồng tình với phụ huynh của “game thủ”. Vẫn biết các con sẽ dần trưởng thành hơn nhưng việc “thả” chúng tự do rong chơi trên mạng thật sự nguy hiểm. Như chị Hải, một bà mẹ đơn thân, từ sáu tháng tuổi con gái chị đã ở nhà với ông bà ngoại. Chiều cháu, ông bà cho xem điện thoại từ rất sớm mặc dù chị phàn nàn. Bà ngoại nói nhà chỉ có mỗi mình con, không có ai chơi chung, cấm xem điện thoại nữa thì biết lấy gì làm niềm vui.
Năm nay con học lớp Ba, thích xem các clip hài hước ngộ nghĩnh rồi ngồi cười ha ha một mình. Tuần rồi hai mẹ con đi biển Vũng Tàu. Trên xe có một bạn nhỏ hơn con vài tuổi. Hai đứa ngồi cạnh nhau, làm quen, chơi chung rồi nảy sinh mâu thuẫn. Con trỏ tay thẳng vào mặt bạn: “Tao cho mày 15 phút. Trong vòng 15 phút mày biến khỏi xe cho tao!”. Mọi người đang cười nói vui vẻ bỗng im bặt, sững sờ. Không ai ngờ đứa con gái xinh đẹp nhút nhát của chị lại có lúc ăn nói “giang hồ” như thế.
Chị thẹn với bạn, vội nghiêm giọng mắng con: “Người xuống xe là con đó. Con đang đi nhờ xe của nhà bạn, biết chưa?”. Kể từ lúc đó, mọi người trên xe ngầm giữ một khoảng cách nhất định với con. Người bạn thân thầm thì vào tai chị: “Để ý dạy dỗ con, kẻo nó hư”.
Sau chuyến đi, chị nghĩ mãi, không biết con học ở đâu thứ ngôn ngữ “chợ búa” đó. Cuối cùng chị mới biết cái điện thoại của ông bà ngoại là nguyên nhân. Để thu hút khán giả, người ta ăn nói bạt mạng và chửi thề như hát trong các clip con đã xem.
Chị phạt con bằng cách cấm đụng đến điện thoại một tuần, sau đó sẽ dùng với giới hạn thời gian và chịu sự giám sát của mẹ. Thói quen bị cắt đứt đột ngột, con thẫn thờ như người mất hồn. Chị vừa giận vừa thương, tự trách bản thân, trách luôn cha mẹ. Cả ba người đều vô tâm, còn tỏ ra khuyến khích khi hơn một lần con nói sau này lớn lên sẽ làm youtuber kiếm tiền nuôi cả nhà.
|
Một YouTuber có thể ăn mọi thứ với ớt |
Giấc mộng youtuber, tiktoker dường như ngày càng phổ biến trong suy nghĩ của trẻ em. Bên cạnh số bát nháo lệch lạc, thực tế có rất nhiều người đã xem việc sáng tạo video phục vụ cộng đồng là một nghề chân chính. Vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, họ kiếm được thu nhập tốt từ những thước phim mang lại nhiều lợi ích cho mọi người.
Vì vậy đừng vội chê bai, xem thường hay cấm đoán khi con trẻ bộc bạch sở thích, ước mơ. Thay vào đó, phụ huynh có thể quan tâm hơn việc các con đã xem những gì trên các mạng xã hội. Nó đơn giản giống như việc dặn dò con kết thân với người tốt, tránh xa các bạn xấu tính.
Đối phó với clip xấu tràn lan, có nhà quy định giới hạn thời gian được sử dụng internet trong ngày, có nhà lén kiểm tra con xem gì, cũng có nhà “cấm tiệt” bọn trẻ đụng đến điện thoại. Giải pháp nào cũng chỉ mang tính tương đối, không thể vẹn toàn. Việc trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội là điều dường như ngày càng không thể tránh.
Trong khi chưa có một tiêu chuẩn chung đối phó với thói quen giải trí trên mạng của các con, cha mẹ có thể dành thời gian lướt mạng cùng trẻ, gợi mở cho con cách tìm kiếm những nội dung phù hợp.
Nếu cha mẹ viện cớ bận rộn, bỏ mặc con trên mạng, đứa trẻ sẽ rất dễ lạc bước trong thế giới mạng tốt xấu lẫn lộn.
Việt Quỳnh