Bốn năm giành sự sống cho con

10/11/2015 - 08:03

PNO - Từ lúc 18 ngày tuổi đến nay được bốn tuổi, bé Đinh Đan dường như “đăng ký hộ khẩu” ở BV. Sức đề kháng của bé rất yếu...

Về đến phòng bệnh nhiễm, Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình, vội vã thay chiếc áo dính đầy cát bụi, nước sơn từ công trình xây dựng, anh Nguyễn Trường Đức liền phụ vợ đút con ăn.

Chị Nguyễn Thị Yến, vợ anh Đức tay vỗ vỗ xoa xoa con, tay kề muỗng cháo, hết lời dỗ ngọt để bé há miệng. Bé Nguyễn Kim Đinh Đan nguầy nguậy lắc đầu, khóc rưng rức, mím chặt môi. Vớ phải vật dụng nào, bé ném tung tóe rồi cơ thể còm nhom cứ giãy giụa, búng, đá liên hồi trên chiếc giường hẹp. Nước mắt nhạt nhòa trên gương mặt tái xanh. Dịu dàng, kiên nhẫn, anh Đức cười, gọi tên con gái rồi bắt đầu kể chuyện cổ tích "tự biên" quen thuộc.

Bon nam gianh su song cho con
Anh Trường Đức chăm sóc bé Đinh Đan tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM

Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, xưa ơi là xưa, có em bé kia ngoan lắm, ngặt nỗi bé không chịu ăn nên ốm nhom, bệnh hoài. Một ngày nọ, sắp đến bữa ăn, bé lại trốn ba mẹ đi ra khỏi nhà.

Con ma thấy bé đi một mình bèn bắt về động ma và buộc bé quét dọn, rửa chén khiến bé vô cùng mệt mỏi, càng nhớ thương ba mẹ và hối hận việc mình đã làm. Ba mẹ phát hiện bé mất tích đã trèo đèo lội suối đi tìm, cuối cùng lần đến động ma và đánh đuổi con ma, giải thoát cho bé. Từ đó, bé luôn ngoan ngoãn bên ba mẹ, đặc biệt hễ ba mẹ đút ăn là bé liền há miệng, ùm…

Trước đây, nghe chuyện cổ tích này, gương mặt bé dãn ra, bật cười ở những chi tiết đắt, tròn xoe mắt hỏi “rồi sao nữa ba, rồi em bé có bị sao không ba?”, ba mẹ bé tranh thủ đút được vài muỗng cháo… Nhưng giờ đây, câu chuyện cổ tích được người cha thợ hồ vắt nặn từ con tim và lòng hy vọng dường như đã hết phép.

Chúng không còn xoa dịu được cơn đau, cảm giác bức bối, bứt rứt ở bé. Không đủ kiên nhẫn để nghe hết đoạn kết, bé lại quăng ném, búng, đá, gào: “Ba đừng kể nữa, con mệt lắm, con sợ con ma lắm!”. Bữa ăn nhiều lúc kết thúc khi chưa bắt đầu, anh Đức, chị Yến tựa vào thanh giường bệnh, nghèn nghẹn nuốt những muỗng cháo lạnh tanh.

Sau khi bé chợp mắt được đôi chút, vợ chồng anh Đức lại vào “cuộc chiến” mới với việc rửa vết thương, cho uống thuốc, đút sữa, lau khăn nóng cho con hạ sốt… Những khi con sốt miên man, câu chuyện cổ tích vẫn rầm rì bên giường bệnh, để tiếp thêm hơi ấm, để khi con tỉnh dậy biết ngay có ba mẹ bên mình.

Từ lúc 18 ngày tuổi đến nay được bốn tuổi, bé Đinh Đan dường như “đăng ký hộ khẩu” ở BV. Sức đề kháng của bé rất yếu, đến nỗi một cơn gió, một hạt mưa cũng có thể quật ngã bé với những căn bệnh hô hấp, truyền nhiễm. Do hội chứng suy giảm miễn dịch không rõ nguyên nhân, dù bé có vết thương rất nhỏ, dù chỉ do côn trùng cắn đốt cũng khó lành, cứ thế ăn ruồng, hoại tử.

Các BV ở Cần Thơ chào thua, ba năm nay, vợ chồng anh Đức ôm con lên Q.8, TP.HCM thuê trọ và lập nghiệp để thuận tiện điều trị khi ở BV Truyền máu huyết học, Hòa Hảo, khi ở BV Nhi Đồng 1, Chấn thương chỉnh hình... Biết căn bệnh của con, chị Yến trông giữ bé cẩn thận nhưng bé vẫn bị con gì đó cắn ở lòng bàn chân vào tháng 9/2014.

Chạy chữa mãi mà vết thương vẫn không liền miệng, lần lượt cướp mất của bé một, hai rồi ba ngón chân. Mới đây, bác sĩ phải phẫu thuật lạng đi bàn chân bé để kịp giữ những gì còn lại.

Chưa hết sốc vì con gái bé bỏng hóa tật nguyền, vợ chồng anh Đức như trút hết sinh lực trước những diễn biến xấu ở bé: bị sưng phù, thiếu máu, gan to, lách to… phải điều trị dai dẳng và chi phí quá khả năng của gia đình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI