Bốn năm đỏ lửa mỗi ngày

25/04/2020 - 06:00

PNO - Bốn năm với hơn 1.400 ngày, ngày nào cũng thức khuya dậy sớm, tất bật với công việc bếp núc thì chắc hẳn chị phải có niềm vui với công việc đang làm và niềm hạnh phúc khi nhìn thấy người nghèo khó nhận được những hộp cơm ngon.

Chưa tới 7g sáng, chị Nguyễn Thị Mai Phương cùng chồng là anh Đỗ Hoàng Minh đã chuẩn bị sẵn sàng 100 phần cơm và bánh mì ngọt cho những người lao động khó khăn. 

Để có những phần cơm nóng hổi vào sáng sớm, vợ chồng chị Phương phải thức dậy từ 3g sáng. Chồng vo gạo, nấu cơm, còn vợ bắt tay chế biến các món mặn, xào, canh… Một số nguyên liệu, chị cùng các chị em, bạn bè tranh thủ làm từ chiều hôm trước. 

Chị Phương kể, cách đây 28 năm, chị có cơ duyên được tham gia các nhóm nấu ăn thiện nguyện tại nhà thờ và các bệnh viện, và thỉnh thoảng chị cũng góp gạo, góp tiền. Cũng có lúc chị xin về vài chục phần để tặng những hoàn cảnh thật sự khó khăn. Từ bốn năm nay, nhà thờ Tân Định - nơi chị tham gia nhóm nấu cơm thiện nguyện - không còn duy trì, thương cho những phận nghèo, già yếu, không nơi nương tựa, hai vợ chồng chị đã mở bếp cơm tại nhà mình, 86/34 Phan Tây Hồ, P.7, Q.Phú Nhuận.

Chị Phương cùng các chị chuẩn bị làm dưa món cho bữa cơm ngày mai
Chị Phương cùng các chị chuẩn bị làm dưa món cho bữa cơm ngày mai

Chị cho biết: “Lúc đầu cũng suy nghĩ dữ lắm, nhiều đêm thao thức, chỉ sợ mình không duy trì được”. Nhưng may mắn, việc làm của vợ chồng chị đã được anh chị em hai bên gia đình và bạn bè quen biết từ khi chị tham gia các bếp ăn tình thương tin tưởng và ủng hộ. Họ đã góp tiền, góp gạo, dầu ăn… Các chợ Nguyễn Đình Chiểu, Bà Chiểu thỉnh thoảng lại cho rau, thịt, cá… Với sự góp sức ấy, chị tự tính toán nấu nướng sao cho cân đối, hợp lý. Thực đơn được thay đổi khá thường xuyên và luôn đảm bảo có các món mặn, canh, xào như bữa cơm gia đình. Thỉnh thoảng chị còn làm bánh ướt, bún chả giò…

Những hoàn cảnh được chị hỗ trợ bữa ăn là những người chị đã biết từ khi còn nấu bếp cơm từ thiện ở nhà thờ và một số trường hợp được mọi người giới thiệu. Anh Phạm Minh Thành, Tổ trưởng tổ dân phố 41, P.7, Q.Phú Nhuận và ba bốn thành viên là anh em, con cháu và người quen của chị Phương tình nguyện chuyển cơm canh đến với người nghèo, lang thang cơ nhỡ và các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện. Anh Thành kể, mới đầu chị Phương nấu vài chục phần, nhưng khi có nhiều người, nhiều cảnh đời cần giúp đỡ thì các phần cơm cũng nhiều lên. Đi tới đâu, hễ nghe có người khổ thì anh em tìm hiểu, chụp hình về báo với chị để ngày mai xin thêm suất cơm cho họ. 

Cho đến nay, trung bình mỗi ngày vợ chồng chị Phương nấu khoảng 100 suất ăn với chi phí khoảng 2 triệu đồng. Kinh phí cho bếp đỏ lửa đều do người trong gia đình và bạn bè của chị Phương đóng góp. Đáng nể là bếp đã duy trì hoạt động suốt bốn năm qua không nghỉ ngày nào, thậm chí ngày Tết chị Phương còn làm bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt để tặng người nghèo. Ngoài bếp cơm yêu thương của mình, chị Phương còn tham gia các nhóm nấu ăn thiện nguyện khác. 

Vì sao chị có thể gắn bó và bền bỉ duy trì được công việc như vậy? Chị Phương cho rằng vợ chồng chị có một sạp tạp hóa nhỏ tại nhà, ba đứa con đều đã lớn, không giàu có nhưng kinh tế gia đình ổn định, nên chị có điều kiện để dành nhiều thời gian chia sẻ với người nghèo khó hơn mình. Ngoài ra, “tôi còn may mắn có gia đình và bạn bè tin tưởng và góp sức. Tôi cứ nghĩ, mình làm được tất cả là nhờ có duyên, để các ân nhân góp sức”. Thế nhưng, chúng tôi thì nghĩ rằng, suốt bốn năm với hơn 1.400 ngày, ngày nào cũng thức khuya dậy sớm, tất bật với công việc bếp núc thì chắc hẳn chị phải có niềm vui với công việc đang làm và niềm hạnh phúc khi nhìn thấy người nghèo khó nhận được những hộp cơm ngon. 

Thiên Ân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI