PNO - Chạy suốt cả bốn mùa, thí sinh và phụ huynh toàn quay cuồng với những quận này phường kia tuyến nọ, với điểm chuẩn điểm sàn, với ghi nguyện vọng và canh chừng điểm để thay đổi nguyện vọng.
Bốn mùa này diễn ra vào mỗi đầu cấp. Mùa thứ nhất: tuyển sinh vào lớp 1, đầu cấp tiểu học. Mùa thứ hai: vào lớp 6, đầu cấp phổ thông cơ sở. Mùa thứ ba: thi tuyển vào lớp 10, đầu cấp phổ thông trung học. Và mùa thứ tư: thi và xét tuyển đại học, cao đẳng. Cứ coi như cho con vào được đại học là yên lòng cha mẹ, thì bốn mùa này là bốn cột mốc, coi vậy tới liền liền, trường lớp đổi xà quần, xoay vần khiến không chỉ con trẻ mà phụ huynh chạy lòng vòng theo cũng vô cùng mệt mỏi.
Mùa thứ nhất, cấp tiểu học, trường chia theo địa bàn cư trú. Trẻ học từ trường mầm non nhận giấy báo từ phường, nhưng cứ đến các phòng giáo dục trong khoảng tháng Sáu, tháng Bảy thì thấy, nhiều cha mẹ nháo nhác đi xin trường cho con, vì nhà ở phường này, trẻ lại được xếp học phường khác, hoặc trường gần sát bên nhà thì lại không được học, đi học mãi tận trường xa. Dù sao thì, qua nhiều năm thay đổi, khởi đầu của hành trình tiểu học cũng chưa phải là thi cử, điểm số.
Mùa thứ hai đã hơi tréo ngoe. Cấp tiểu học đã thôi không đánh giá kết quả học tập bằng bằng điểm thi, đã chuyển sang xếp loại, nhận xét học trò, nhưng thực tế hơn 3.300 học sinh giỏi năm nay trượt trong kỳ thi vào lớp 6 trường chuyên của TP.HCM khiến người ta không khỏi suy nghĩ. Số lượng sĩ tử hỏng thi này đã nhiều năm nay năm nào cũng gần gần cỡ vậy. Những học sinh lớp 6 khác được phân theo tuyến, câu chuyện trái tuyến hồi lớp 1 tái diễn, cộng thêm vào đó là chuyện cha mẹ đã đầu tư cho con trong suốt 5 năm học, biết học lực của con em mình, mong muốn được học lớp tiếng Anh tăng cường, lớp tiếng Anh tích hợp.
Nhưng “đúng tuyến” đã là quy định bất di bất dịch, các nguyện vọng trái tuyến được nhìn bằng con mắt rất “tiêu cực”. Mỗi địa phương có phương án phân tuyến khác nhau, và đều “nghiêm cấm các trường không được phép tổ chức bất kỳ hình thức thi tuyển nào”. Điều này vô hình trung đã tạo một áp lực, một mặt là quá đông học trò lớp 5 phải tham gia thi tuyển vào trường chuyên, rồi con trẻ chắc chắn hứng chịu một trải nghiệm thi rớt đau đớn; mặt khác triệt tiêu luôn các con đường phấn đấu bằng học lực, bằng thi cử để vào trường theo nguyện vọng của mình.
Nói rõ, bốn mùa này không phải là xuân hạ thu đông, mà là bốn mùa chạy trường chạy lớp trong suốt hành trình đi học của trẻ. Có thể hình dung bức tranh: hoặc rất xuất sắc (và rất ít) để đậu vô trường chuyên, hoặc ngồi yên đó, theo trường phân tuyến! Yêu cầu phân loại học sinh, kết quả của 5 năm tiểu học, xem ra chẳng có mấy giá trị.
Đến mùa thứ ba, học sinh lớp 9 phải đương đầu với bài tính nguyện vọng và điểm thi. Vấn đề của học trò cấp III là đậu vô lớp 10 công lập hay không. Theo số liệu, năm nay TP.HCM có khoảng 81.000 học sinh tốt nghiệp THCS, hệ thống các trường trung học công lập sẽ đủ chỗ cho khoảng 63.000 học sinh, vậy sẽ có trên dưới 18.000 em khác rớt, chuyển sang học tư thục, học nghề, giáo dục thường xuyên. Vậy là ở đây, học lực, điểm thi, và tính toán đặt nguyện vọng... trở thành quyết định. Nhiều thí sinh có điểm thi tốt nhưng không vào được trường mà các em mong muốn, do đăng ký nguyện vọng (mà kinh nghiệm đăng ký nguyện vọng là rất mơ hồ).
Câu chuyện này sẽ được tiếp tục ở mùa thứ tư theo cách đăng ký nguyện vọng và điểm thi. Đây vẫn đang là câu chuyện đau đầu đối với các trường đại học và Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ đăng ký đến chỉnh sửa, đến điểm sàn, đến lọc ảo, đến xét tuyển đợt 1, xét tuyển đợt bổ sung, và cả xét tuyển bằng học bạ.
Thật cũng không quá nếu nói như các nhà bình luận, rằng tinh thần hướng nghiệp của hệ thống giáo dục đã gần như phá sản. Chạy suốt cả bốn mùa, thí sinh và phụ huynh toàn quay cuồng với những quận này phường kia tuyến nọ, với điểm chuẩn điểm sàn, với ghi nguyện vọng và canh chừng điểm để thay đổi nguyện vọng. Hệ thống lẽ ra nên định hướng cho trẻ và gia đình sẽ đi theo hướng nào, căn cứ vào năng lực, vào tính cách, vào mục tiêu đào tạo của từng trường để chọn lựa nghề nghiệp, rẽ hướng phù hợp với điều kiện và năng lực, quyết định học nghề hay học đại học.
Điều đáng buồn là hệ thống còn tạo ra tâm lý ganh đua để đậu vô trường top, hoặc an phận mặc cho sự đời đưa đẩy theo tuyến, chẳng phấn đấu làm gì cho mệt. Trong khi, trẻ lẽ ra được giáo dục để phát hiện năng lực của mình, chọn một nghề nghiệp thích hợp, phấn đấu làm việc để trở thành người giỏi nghề - đóng góp hiệu quả của giáo dục thực sự nằm trong con người, chính là điều này.
Nhìn từ một hướng khác, cũng còn “may” là cha mẹ học sinh đã không yên phận trong hệ thống mà con em họ đã được đặt vào. Chuyện cha mẹ động viên những đứa trẻ 10 tuổi đi thi, mặc dù biết tỷ lệ chọi của kỳ thi là 1/7; chuyện chạy trường, mua “suất” trái tuyến, cũng cần được nhìn nhận như một nhu cầu chính đáng của xã hội: nhu cầu vươn lên, tiếp cận với môi trường học tập tốt hơn.
Trong một câu chuyện dài 18 năm như câu chuyện giáo dục một đứa trẻ, sẽ tốt biết bao nếu Nhà nước huy động được sự chia sẻ, hợp tác tích cực của người dân. Giáo dục đang dần trở thành khoản đầu tư lớn của mỗi gia đình, xin hãy lắng nghe họ, lắng nghe nguyện vọng của phụ huynh, và tôn trọng quyền được điều chỉnh của học sinh và cha mẹ, ngay cả khi “trái tuyến”.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.