Bồn bồn xào tép bạc

25/07/2023 - 20:13

PNO - Tép bạc luộc, rang nước cốt dừa, nướng trên bếp than hồng… món nào cũng ngon. Độc đáo hơn là tép bạc xào bồn bồn.

Buổi chợ đương đông con cá lòng tong anh chê lạt

Buổi chợ tan rồi, con tép bạc khen ngon (Ca dao)

Không biết tự bao giờ lời hát ngọt ngào ấy đã ru bao thế hệ trẻ thơ đi vào giấc ngủ. Trong thực tế, nhiều người cho rằng tép bạc ngon ngọt hơn cá lòng tong! Đây có thể là một cách nói ngược để thể hiện một thái độ nào đó của tác giả dân gian mà thôi.

Vị ngọt đậm đà của tép bạc hòa quyện với vị ngọt thanh của bồn bồn khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi
Vị ngọt đậm đà của tép bạc hòa quyện với vị ngọt thanh của bồn bồn khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi

Tép bạc sống ở vùng nước lợ. Tép cỡ ngón tay người lớn, hình dạng giống tôm, nhưng đôi càng biến hóa nhỏ, gần như chân tép. Tép bạc vỏ màu trắng bạc, có loại trắng trong (dân gian có người còn kêu loại này là tép đất). Tép bạc có đặc tính đi ngược dòng nước chảy. Ở miền quê, ven theo những con rạch, con sông nhỏ người ta thường hay ven đăng, đặt nò để bắt tép.

Nò làm bằng tre, miệng nò hứng dòng nước chảy. Nò được đặt lúc chạng vạng tối. Người ta còn treo chiếc đèn dầu tòn ten trong lòng nò. Tép men theo đăng, thấy ánh sáng leo lét của chiếc đèn dọi xuống nước theo… chun vào. Nước trong, tép chạy nò nổi đỏ râu. Người đặt nò ngồi trên xuồng, trên cầu nò vừa coi tép chạy vừa nghe nước chảy giữa đêm vắng cũng là một thú vui ở miền quê tĩnh lặng. Người dỡ nò lên, đổ trút tép ra thau, thúng… Rồi lại cho tép vô giỏ tre để rọng tép nơi dòng nước chảy.

Tép bạc luộc, rang nước cốt dừa, nướng trên bếp than hồng… món nào cũng ngon. Độc đáo hơn là tép bạc xào bồn bồn.

Bồn bồn thường mọc hoang ở vùng đất thấp như bưng, biền hay các đìa lạng, có nhiều phèn mặn. Bồn bồn thuộc họ lau sậy, mọc trên nước, rễ thả nổi như rau muống, lá dài giống sả, có khả năng chịu ngập sâu. Loài cây mọc hoang này một thời gian làm vướng bước chân của những người mở đất, bởi nó cùng với cỏ năn lác thay nhau mọc… cạnh tranh sự sống quyết liệt với lúa, nếp. Muốn có đất trồng lúa, những người xuôi phương Nam về vùng tận cùng của tổ quốc phải dùng phảng chế bỏ bồn bồn. Loại cây ngày nay vẫn còn mọc nhiều ở Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu…

Tình cảnh của người dân quê ngày xưa dường như còn phảng phất trong câu hát quê mùa:

Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng

Thương em một đời dãi nắng dầm mưa.

Người ta sử dụng bồn bồn để chế biến thức ăn từ phần non của thân cây, người bình dân kêu là củ hủ. Hễ vào mùa nước nổi mênh mông trên đồng cũng là lúc người ta chống xuồng đi nhổ bồn bồn. Việc hái bồn bồn cũng đơn giản, chỉ cần cầm ngọn rồi tước phần lá ở ngoài, bẻ lõi màu trắng bên trong cho vào rổ. Có thể chẻ cọng bồn bồn ra làm hai, làm ba, rửa sạch, để ráo.

Tép bạc để sống lột sạch vỏ cho vô tô, chén mà không cần rửa lại. Bắc chảo lên bếp, phi tỏi mỡ cho thơm rồi trút tép vào xào sơ qua, nếm nước mắm, bột ngọt vừa ăn thì trút bồn bồn bồn vào. Cũng có người xào bồn bồn trước, khi bồn bồn gần chín mới trút tép vào. Chờ tép ngả màu đỏ thì nhắc chảo khỏi bếp và múc ra dĩa. Rắc thêm lên ít tiêu xay, ớt xắt lát và mấy cọng ngò rí để món ăn được thơm hơn, ngọt hơn.

Bồn bồn xào tép bạc chấm nước tương hoặc nước mắm ngon ăn cùng cơm nóng. Món ăn dân dã ấy đã để lại hương vị rất riêng biệt và đặc trưng khiến ai đã thưởng thức rồi dù đã xa quê vẫn nhớ mãi hồn quê.

Đến đây, người viết chợt nhớ đến mấy câu thơ trong lời bài ca vọng cổ Bông bồn bồn rụng trắng của nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh, xin mượn nó để thay cho lời kết:

Tưởng anh đi xa rồi anh mau quay trở lại

Để em bán bồn bồn em bỏ ống em chờ anh.

Túy Phượng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI