'Bom xịt’ trong khoa học - Bài 1: Trở thành người hùng nhờ thành tựu ảo

05/12/2018 - 09:22

PNO - Nhắc đến tai tiếng chấn động ngành khoa học thế giới, có lẽ người Hàn Quốc không thể quên "trái đắng" Hwang Woo-suk, người từng “bỏ bom” cả thế giới với những tuyên bố động trời trong lĩnh vực y sinh.

Thành tựu ảo

'Bom xit’ trong khoa hoc - Bai 1: Tro thanh nguoi hung nho thanh tuu ao
Hwang Woo-suk từng được giới khoa học Hàn Quốc trọng vọng.

Hwang Woo-suk sinh năm 1953, xuất thân là một cậu bé chăn bò và sau đó tốt nghiệp đại học chuyên ngành thú y. Ông trở thành thạc sĩ rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, được Đại học Quốc gia Seoul phong tặng Giáo sư.

Năm 1999, Hwang Woo-suk gây tiếng vang khi tuyên bố nhân bản vô tính một con bò sữa (Yeongrong-i) và một con bò Hàn Quốc (Jin-i). Dù không đưa ra được bất kỳ chứng cứ khoa học nào nhưng Hwang Woo-suk vẫn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận Hàn Quốc. Ông còn gieo vào đầu mọi người hi vọng sẽ tạo ra đàn gia súc vô tính đặc biệt lai giữa bò và lợn nhằm sinh lợi chưa từng có.

Sau đó, ông tuyên bố nhân bản vô tính loài hổ Siberia và chó Snuppy. Chú chó sau đó được cho là đã kiểm tra gen từ vài cơ sở khoa học độc lập và xác nhận đây là ca sinh sản vô tính thành công, tuy nhiên, chứng cứ khoa học lại không được công khai.

Năm 2004 và 2005, Hwang Woo-suk đăng hai bài nghiên cứu quan trọng trên tạp chí Science mô tả về việc tạo ra 30 phôi người thành công bằng phương pháp nhân bản vô tính chuyển nhân tế bào soma. Hwang cho biết, ông đã hủy phôi trong 10 ngày để tránh vi phạm vào vấn đề đạo đức.

Những tuyên bố này đều không thể kiểm chứng vào thời điểm đó, nên dư luận mặc nhiên cho rằng Hwang Woo-suk nói thật. Thậm chí, công trình này còn được xếp thứ 3 trong 10 thành công khoa học lớn nhất năm 2004.

'Bom xit’ trong khoa hoc - Bai 1: Tro thanh nguoi hung nho thanh tuu ao
Hwang Woo-suk (bìa phải) cùng một số nhà khoa học trong lễ công bố nhân bản vô tính thành công một loài động vật hoang dã.

“Nhà khoa học thượng hạng”

Tháng 5/2005, nhóm nghiên cứu của Hwang Woo-suk công bố tạo ra 11 tế bào gốc của 11 bệnh nhân từ tế bào da và trứng của người tình nguyện. Trong nhóm nghiên cứu có cả Giáo sư Đại học người Mỹ Gerald Schatten thuộc Đại học Pittsburg – nơi hợp tác với Đại học Seoul bảo trợ nghiên cứu trên.

Người ta kỳ vọng thành tựu trên sẽ mở ra vô vàn cơ hội sống cho các bệnh nhân mắc bệnh nan y cũng như bệnh về di truyền khó chữa. Đó cũng là lúc người Hàn Quốc tự hào với nhà khoa học đưa trình độ y sinh của châu Á vượt trội hơn cả các quốc gia phương Tây.

Tháng 6/2005, ông Hwang Woo-suk được Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc trao danh hiệu “Nhà khoa học thượng hạng” cùng phần thưởng lên đến 15 triệu USD tiền mặt. Trong năm 2005, tính tổng cộng số tiền mà Hwang Woo-suk nhận được là 27 triệu USD.

Ông đồng thời cũng được chỉ định làm Giám đốc của Trung tâm tế bào gốc Hàn Quốc – trung tâm ra đời với tham vọng sẽ là nguồn cung cấp tế bào gốc cho khu vực và thế giới. Giới khoa học cho rằng Hwang Woo-suk chỉ còn đợi đến ngày nhận giải Nobel mà thôi. 

'Bom xit’ trong khoa hoc - Bai 1: Tro thanh nguoi hung nho thanh tuu ao
Hwang Woo-suk nổi tiếng với hình ảnh chú chó Snuppy được cho là nhân bản vô tính.

Trắng tay khi sự thật phơi bày

“Ngôi sao may mắn” của Hwang Woo-suk tắt lịm khi Giáo sư Gerald Schatten bất ngờ rút tên ra khỏi nhóm nghiên cứu của ông Hwang ngay trước ngày ông công bố thành công với 11 tế bào gốc. Giáo sư Gerald Schatten cũng đặt vấn đề về tính trung thực của các nghiên cứu và yêu cầu cần có sự kiểm tra đối chiếu.

Hàng loạt nhà khoa học lúc ấy mới đồng loạt lên tiếng về sự hồ nghi mà họ giữ kín bấy lâu, cũng vì sự ủng hộ của dư luận dành cho Hwang Woo-suk quá lớn nên trước đó họ đành im lặng.

Một số nhà khoa học có tên trong nghiên cứu thừa nhận sự gian dối trong việc đưa ra những con số báo cáo. Thậm chí, thông tin thu thập trứng từ người tình nguyện cũng là giả vì đó là số trứng họ phải bỏ tiền ra mua.

'Bom xit’ trong khoa hoc - Bai 1: Tro thanh nguoi hung nho thanh tuu ao
Hwang Woo-suk phải đối mặt với cơn bão chỉ trích khi sự thật phơi bày.

Vụ bê bối được phơi bày trước dư luận, Đại học Seoul và Đại học Pittsburg phải tiến hành những cuộc điều tra độc lập. Hwang Woo-suk không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào, ông biện hộ rằng người ta tố cáo ông là vì đố kị.

Tháng 12/2005, vụ điều tra khép lại với kết luận khiến ai từng đặt niềm tin vào Hwang Woo-suk phải bẽ bàng. Dù nói lời xin lỗi nhưng Hwang Woo-suk vẫn khăng khăng không chịu nhận lỗi, ông nói rằng bị cấp dưới lừa dối và không hề biết có chuyện mua trứng.

Tháng 5/2006, Hwang Woo-suk bị khởi tố về tội tham ô và gian dối trong nghiên cứu. Mãi đến tháng 10/2009, Hwang Woo-suk mới bị kết án 2 năm tù treo. Sau đó, ông bị đuổi khỏi Đại học Seoul và trở về một phòng thí nghiệm địa phương tiếp tục nghiên cứu tế bào gốc.

'Bom xit’ trong khoa hoc - Bai 1: Tro thanh nguoi hung nho thanh tuu ao
Đến cuối cùng, Hwang Woo-suk vẫn cương quyết cho rằng mình không có lỗi, tất cả chỉ vì ông bị lừa.

Vụ bê bối này xuất phát từ lòng tham danh tiếng của một nhà khoa học, nhưng chính niềm tin thiếu cơ sở của công chúng và cơ quan chức năng đã khiến sự việc đi quá xa. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc lúc đó đứng ra nhận trách nhiệm vì quá chủ quan, sau đó từ chức.

Uy tín của ngành y sinh Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Phe đối lập còn nhân sự kiện này đã chỉ trích chính phủ quá dễ dãi trong việc cấp tiền cho những nghiên cứu “bom xịt” như thế.

Bê bối xảy ra dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun. Bản thân ông Roh Moo-hyun cũng muốn tin rằng ông Hwang Woo-suk vô tội, nhưng mọi lời bào chữa, bênh vực đều vô hiệu.

Minh Khôi (Theo asianscientist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI