Bom không nổ trong cuộc điều trần cựu Giám đốc FBI

09/06/2017 - 11:34

PNO - Cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey không “nổ như một trái bom” như báo giới Mỹ trông đợi, và không có kẻ thắng người thua tuyệt đối trong cuộc phân xử này.

Comey tiết lộ những gì?

Trong gần 3 giờ đồng hồ hỏi đáp gay cấn tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hôm 8/6 “trái bom” Comey đã tiết lộ điều gì?

Bom khong no trong cuoc dieu tran cuu Giam doc FBI
Cựu Giám đốc FBI tại phiên điều trần ngày 8/6 - Ảnh: WXXI News

Thượng nghị sĩ Richard Burr, chủ tọa phiên điều trần, hỏi ông Comey về bản lời khai công bố trước vào ngày 7/6, ông Comey khẳng định không có gì thay đổi. 

Nhưng Cựu lãnh đạo FBI có nhiều điều để nói thêm, ngoài báo cáo dài 7 trang giấy công bố trước đó.  

Ông Comey xác nhận ông “không nghi ngờ gì” về việc Nga gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ.

Ông Comey coi cuộc trao đổi của Tổng thống với ông về việc điều tra cựu Cố vấn an ninh quốc gia Flynn là đáng ngại, nhưng “không phải là một nỗ lực để cản trở công lý”.

Nói về ý kiến ông bị mất tín nhiệm trong nội bộ FBI, Comey nói “đó là những lời dối trá, nếu nói một cách giản dị và đơn giản".

Ông khẳng định: "Tôi không làm gì sai ở FBI” và tuyên bố FBI “sẽ ổn” nếu không có ông, sứ mệnh của tổ chức này sẽ tiếp tục bền lâu sau khi ông ra đi. Cựu Giám đốc Comey nói “FBI là một cơ quan trung thực, mạnh mẽ và độc lập”.

Bom khong no trong cuoc dieu tran cuu Giam doc FBI
Ông Comey coi cuộc trao đổi của Tổng thống với ông về việc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia là đáng ngại, nhưng “không phải là một nỗ lực để cản trở công lý” - Ảnh: Getty Images

Công chúng Mỹ đánh giá thế nào về các nhân vật chính của cuộc điều trần?

Theo kết quả thăm dò do ABC News/Washington Post tiến hành, được công bố ngày 7/6, ông Trump ít được tin tưởng hơn Comey, nhưng đa số người được hỏi đều không tin cả hai nhân vật này.

Đáng chú ý, 55% người trả lời cho rằng lời ông Comey nói về sự can thiệp của Nga chỉ đúng “vài phần” hay “hoàn toàn không đúng”.

Trong khi đó, 72% hoàn toàn không tin ông Trump hay chỉ tin phần nào những gì Tổng thống nói về “sự thông đồng” với Nga.

Người thắng kẻ thua

Theo đánh giá của kênh CNN, “người thắng” trong cuộc điều trần tại Capitol Hill ngày 8/6 là James Comey, những người tổ chức điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện và TNS Angus King tiểu bang Maine, người có những câu hỏi hay nhất.

Nếu bạn không ưa Comey trước phiên điều trần, cảm giác sau đó chắc không có gì thay đổi. Nhưng đối với những người lưỡng lự nhiều hơn về ông và về vai trò của ông trong cuộc bầu cử năm 2016 và thời gian sau đó, thì Comey đã làm khá tốt, ít nhất ông ta cũng không gây thiệt hại nào cho bản thân.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr (Cộng hòa) và Phó chủ tịch đảng Dân chủ Mark Warner, cùng chủ trì phiên điều trần. Cách điều hành của họ được đánh giá là mẫu mực khi xử lý những câu hỏi khó từ cả hai đảng dành cho Comey.

Lắng nghe tuyên bố khai mạc, tuyên bố bế mạc và những câu hỏi họ đưa ra, người nghe khó có thể biết vị nào là Dân chủ, vị nào là Cộng hòa.

Người thắng thứ ba là TNS Angus King từ tiểu bang Maine. Chính khách độc lập này có những câu hỏi hay nhất đối với cả hai đảng, khi ông xoáy vào các câu trả lời thực chất và nhiều thông tin về các cuộc gặp Comey-Trump, cũng như 3 lần ông Comey nói rằng ông Trump đã không nói thật về các cuộc gặp này.

Và “người thua”, theo CNN, không ai khác là Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions.

Comey nhiều lần nói Tổng thống “nói dối”, và mặc dù các cáo buộc đưa ra không phải là những đòn chí mạng, nhưng nếu cựu Giám đốc FBI tự bảo vệ được mình tại phiên điều trần, giành được một sự tín nhiệm nhất định, thì đó là thất bại của ông Trump – trong vấn đề can thiệp của Nga và trong việc sa thải ông Comey.

"Người thua" thứ hai là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Tuần qua là một tuần tồi tệ với ông Sessions.

Đầu tiên là những câu chuyện ám chỉ việc ông bị thất sủng đối với Tổng thống Trump và thậm chí đã đề nghị từ chức nếu được cho phép. Tiếp theo là lời khai của Comey liên quan đến cuộc gặp riêng với Tổng thống mà ông có biết nhưng không thể nói điều gì.

Bài học đắt giá

Bom khong no trong cuoc dieu tran cuu Giam doc FBI
"Trái bom" Comey đã nổ, và cái đọng lại là những bài học đắt giá dành cho Tổng thống Donald Trump - Ảnh: CNN

Cuộc điều trần ngày 8/6 là một sự kiện mang tính lịch sử, khi lần đầu tiên một cựu Giám đốc FBI đưa lời khai trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về một vị Tổng thống.

Truyền thông Mỹ đã tốn nhiều thời gian chuẩn bị cho thời điểm bùng nổ của trái bom Comey, và sau cuộc điều trần được chờ đợi nhất này, người ta cũng học hỏi được nhiều điều.

Tuy nhiên, bài học quan trọng nhất có lẽ là Tổng thống không nên can thiệp vào hoạt động của các cơ quan độc lập như FBI.

Điển hình như vụ ông Trump tìm cách bảo vệ cựu Cố vấn an ninh quốc gia Flynn, và Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch thời Obama muốn giảm nhẹ tội sử dụng máy chủ email cá nhân cho bà Hillary Clinton khi can thiệp đòi FBI sử dụng từ “vấn đề”, thay cho từ “cuộc điều tra”.  

Tô Châu (Theo CNN, Fox News, Time) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI