“Bom hóa chất” chực chờ gây họa trong khu dân cư

25/07/2022 - 06:19

PNO - Từ căn nhà của chị Mỹ Ngọc (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM) đến nhà kho của Công ty TNHH An Minh Thức chỉ vài chục bước chân. Nhưng chị Ngọc không thể biết rằng mình đang sống cạnh một “quả bom hóa chất”. Cho đến tối 9/7, khi còn đang say giấc, chị nghe nhiều tiếng nổ lớn kèm theo tiếng la thất thanh của những người hàng xóm.

Nỗi ám ảnh sau tai họa

Biết có chuyện chẳng lành, chị Ngọc vùng dậy ôm cậu con trai rồi lần mò trong đêm, chạy ra phía đường lớn để thoát thân. “Lúc đó, xung quanh toàn mùi khét lẹt rất khó chịu. Trong lúc tháo chạy, tôi bị ngã mấy lần nhưng vẫn cố bồng con chạy càng xa đám lửa càng tốt. Trong đêm kinh hoàng đó, ai hít nhiều khí độc sẽ bị ho dai dẳng, bị khan tiếng nhiều ngày. Bây giờ, nghĩ đến cảnh đó, tôi còn nổi da gà” - chị Mỹ Ngọc nhớ lại.

Clip: Người khó thở, cây cối chết trơ do hoá chất từ vụ cháy nhà máy hoá chất

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kho hàng của Công ty TNHH An Minh Thức trước đây đặt ở Q.12, mới dời về xã Lê Minh Xuân cách đây chưa lâu. Khuôn viên nơi xảy ra vụ cháy rộng khoảng 1.000m2, vị trí cháy là xưởng chứa thức ăn chăn nuôi và hóa chất xử lý nước. Khoảng một tuần sau vụ cháy, bên trong nhà xưởng, khói vẫn bốc ra nghi ngút, là do các loại hóa chất như clo, natri, vôi tiếp xúc với nhau, tạo phản ứng hóa học.

Bà Phạm Thị Sương - 73 tuổi, ở xã Lê Minh Xuân - cho biết khu vực có đám cháy là một khu dân cư trong hẻm đường Trần Đại Nghĩa, gồm 160 hộ dân. Vụ cháy suýt nữa đã tạo ra thảm họa về nhân mạng do ngộ độc hóa chất. Nhà bà Sương ở cách kho chứa hóa chất một bức tường. Do khuôn viên của nhà kho này được rào kín nên bà không biết người ta làm gì, chứa gì bên trong. Hôm xảy ra vụ cháy, bà nghe nhiều tiếng nổ lớn, thùng phuy đựng hóa chất bị nổ văng qua trước cửa nhà bà. Lúc đó, bà Sương và bốn thành viên khác trong gia đình chỉ biết hô nhau chạy thoát thân.

Khung cảnh hoang tàn sau vụ cháy kho chứa hóa chất ở xã Lê Minh Xuân
Khung cảnh hoang tàn sau vụ cháy kho chứa hóa chất ở xã Lê Minh Xuân

Nửa tháng sau vụ cháy, anh L. vẫn chưa thể thu dọn hết đống đổ nát trong ngôi nhà mình. Tuy nhiên, anh L. không chỉ lo đồ đạc bị hư hỏng mà còn lo sức khỏe của mọi người bị ảnh hưởng về lâu dài. Anh L. chỉ tay về phía những hàng cây đang chết khô: “Sau vụ cháy, từ nhà xưởng đổ ra 100m, cây cối đều bị chết sạch. Loại nước màu vàng đục xuất hiện sau vụ cháy giờ đã ngấm vào đất. Tôi không biết đó là loại hóa chất gì nhưng tin chắc là độc hại. Bây giờ, tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp tẩy độc xung quanh khu vực cháy và sớm điều tra nguyên nhân cháy, làm rõ tại sao lại chứa một lượng lớn hóa chất trong khu dân cư”.

Kho hóa chất “núp bóng” văn phòng

Theo thống kê của Sở Công thương TPHCM, tính đến cuối tháng 6/2022, TPHCM có 510 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp phép, trong đó có bốn cơ sở sản xuất. Trong sáu tháng đầu năm 2022, các cơ sở này thực hiện trên 10.500 lượt nhập khẩu và 54 lượt xuất khẩu các hóa chất là tiền chất công nghiệp. 

Kho hàng của Công ty TNHH An Minh Thức tan hoang sau vụ cháy, nổ ngày 9/7
Kho hàng của Công ty TNHH An Minh Thức tan hoang sau vụ cháy, nổ ngày 9/7

Một trong những nơi kinh doanh hóa chất công khai, dễ thấy nhất là chợ Kim Biên, quận 5. Từ lâu, khu chợ này đã được các chuyên gia cảnh báo là “kho bom hóa chất” giữa lòng thành phố. Sau vụ cháy ở xã Lê Minh Xuân vài ngày, ghé chợ Kim Biên, chúng tôi thấy rất nhiều thùng phuy, can nhựa chứa hóa chất nằm la liệt cả trong lẫn ngoài các cửa tiệm.

Tại một cơ sở kinh doanh hóa chất trên đường Lê Quang Sung, hóa chất được đựng trong các can nhựa, nhiều người đến đây mua hóa chất và chở về bằng xe máy. Bên trong các cửa tiệm, người bán vẫn bày nhiều can nhựa trong không gian chật hẹp, rất dễ xảy ra cháy, nổ.

Chị Thu Hà (phường 6, quận 6) cho biết: “Gần chỗ tôi ở, có rất nhiều điểm kinh doanh hóa chất. Theo nguyên tắc, đây chỉ là nơi giao dịch trên giấy tờ, không được chứa, trưng bày hóa chất, nhưng họ vẫn lén lút mang về để tiện buôn bán. Thỉnh thoảng, mùi hóa chất xộc vô mũi, rất khó chịu. Ở đây chủ yếu là nhà ống, nếu xảy ra cháy nổ thì hậu quả sẽ rất thảm khốc”.

Thời gian gần đây, không ít cơ sở kinh doanh hóa chất không đúng địa điểm. Theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 19/7 vừa qua, Công an TPHCM đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Thương mại Tân Trung Nam 85 triệu đồng do các vi phạm trong lĩnh vực hóa chất. Tân Trung Nam có cơ sở chính ở đường Lê Quang Sung, quận 6 và chi nhánh ở đường số 14, quận Bình Tân. Khi kiểm tra hai cơ sở của Tân Trung Nam, lực lượng chức năng ghi nhận, cả hai cơ sở này đều sản xuất, kinh doanh không đúng địa điểm, quy mô, chủng loại hóa chất trong giấy phép.

Ngoài ra, tại cơ sở ở quận Bình Tân, Công ty Tân Trung Nam không chứa hóa chất trong kho để tồn trữ, bảo quản. Trước đó, Công ty TNHH Thương mại hóa chất Nam Bình, huyện Hóc Môn cũng bị phạt 58 triệu đồng về hành vi tương tự.

Theo giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia về môi trường - hiện nay, TPHCM có 18 kho hóa chất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất, được đặt trong các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, các đơn vị thường đặt hóa chất ở văn phòng giao dịch thay vì ở nhà kho. Đây là hiện tượng “kho hóa chất núp bóng văn phòng”. Theo quy định hiện hành, văn phòng giao dịch của các công ty hóa chất có thể được đặt trong khu dân cư, nhưng kho hóa chất phải tuân thủ nghiêm ngặt “quy định về điều kiện an toàn đối với nhà xưởng sản xuất, kho chứa hóa chất nguy hiểm”, phải có khoảng cách với khu dân cư, nguồn nước.

“Do muốn bán hàng ngay tại chỗ, đỡ công vận chuyển, một số cơ sở lén để hóa chất ở văn phòng kinh doanh thay vì kho chứa. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho các khu dân cư quanh văn phòng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để xử lý nghiêm hiện tượng này nhằm tránh hậu họa” - ông Lê Huy Bá nói.

Theo Sở Công thương TPHCM, trong sáu tháng đầu năm 2022, sở đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định hoạt động hóa chất đối với 34 cơ sở, đã xử phạt 19 cơ sở về hành vi kinh doanh hóa chất không đúng địa điểm, quy mô ghi trong giấy phép và kinh doanh hóa chất không phép.

Một cán bộ Sở Công thương TPHCM cho biết, do cơ sở kinh doanh đăng ký chứa hóa chất ở nơi khác, trụ sở ở nơi khác nên khi cơ quan chức năng kiểm tra, họ chỉ xuất trình danh mục, hóa đơn, chứng từ kinh doanh hóa chất dưới dạng tên thương mại. Các giấy tờ này không thể hiện thông tin về thành phần hóa chất và không đính kèm thông tin an toàn bằng tiếng Việt nên các cơ quan chức năng gặp khó về mặt nhận diện, phân loại hóa chất nguy hiểm.

Cấp bách quy hoạch khu sản xuất, kinh doanh hóa chất

Theo giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá, những sự cố hóa chất gây thiệt hại lớn về người và tài sản những năm gần đây cho thấy, việc quy hoạch liên quan đến khu vực sản xuất, kinh doanh hóa chất ở TPHCM đang khá lộn xộn. Vẫn còn các kho chứa, điểm bán hóa chất nằm trong khu dân cư hoặc gần khu dân cư. Đây là những “quả bom hóa chất” chực chờ gây họa. Thực tế, các sự cố cháy, nổ liên quan đến hóa chất luôn gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường. 

Sau vụ cháy, cây cối ở nhà người dân cách kho hóa chất bị cháy khoảng 100m cũng bị héo khô - ẢNH: TAM NGUYÊN
Sau vụ cháy, cây cối ở nhà người dân cách kho hóa chất bị cháy khoảng 100m cũng bị héo khô - Ảnh: Tam Nguyên

Ông nói: “Chợ Kim Biên là một “quả bom hóa chất” nằm ngay trung tâm TPHCM. Nhiều năm trước, tôi đã tham gia đoàn của cơ quan chức năng khảo sát và đóng góp ý kiến cho UBND TPHCM về việc di dời chợ Kim Biên. Năm 2016, UBND thành phố đã có chủ trương di dời khu chợ này trong năm 2017, nhưng đến nay, chợ Kim Biên vẫn là chợ Kim Biên, người dân vẫn đến đây mua hóa chất”.

Cũng theo ông Lê Huy Bá, không phải bây giờ người ta mới bàn về giải pháp quy hoạch khu vực được phép kinh doanh, sản xuất hóa chất ở TPHCM: “Quy định, quy chuẩn về kho bãi để tồn trữ hóa chất thì có, nhưng đó là trên lý thuyết. Có rất nhiều vụ việc, khi xảy ra cháy nổ, người ta mới biết hóa chất bị lén lút tồn trữ trong khu dân cư hoặc kho chứa không đảm bảo, để hóa chất gặp nước. Theo tôi, chúng ta cần thận trọng ở khâu cấp phép kinh doanh và cần giám sát, kiểm soát chặt sau khi cấp phép”.

Tiến sĩ Đặng Chí Hiền - chuyên gia hóa học - cho biết năm 2016, UBND TPHCM đã ra Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND, quy định khá rõ ràng về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển các loại hóa chất nguy hiểm. Tuy nhiên, có nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng hóa chất đang cố tình vi phạm quy định này. Ông nói: “Có nhiều loại hóa chất rất nguy hiểm, đặc biệt là những hóa chất liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, chất dễ cháy nổ dưới dạng phân bón. Những chất này rất dễ gây nổ khi cháy, nhưng người kinh doanh còn rất chủ quan”.

Theo ông, kinh doanh, sản xuất hay mua bán hóa chất là một nhu cầu tất yếu, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh hóa chất phải được tổ chức, quản lý bài bản. Ông nói: “Chúng ta không thể cấm mua bán hóa chất nguy hiểm, bởi nhiều hoạt động của đời sống cần đến các loại hóa chất. Tuy nhiên, phải quy định rõ ràng. Những hóa chất độc hại, nguy hiểm, dễ cháy nổ thì cần kiểm soát chặt, buộc phải tránh xa khu dân cư. Theo tôi, cần soát chặt ở khâu cấp phép và khâu tổ chức việc kinh doanh hóa chất”.

Tiến sĩ Đặng Chí Hiền cho rằng, việc quy hoạch thiếu đồng bộ ở TPHCM có tính “lịch sử”. Để thay đổi, cần một quá trình và cần sự quyết liệt nhưng nhất thiết phải làm, nhất là quy hoạch liên quan đến kinh doanh, sản xuất hóa chất. Nên quy hoạch một khu vực dành cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất và chuyển dần các cơ sở ra khỏi khu dân cư theo lộ trình. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI