Không lẽ chịu thua "bọn bom hàng"?

04/10/2020 - 06:54

PNO - Niềm vui thú gì ở đây khi vô tâm "bom" hàng, cười trên nỗi đau của người khác?

Chuyện cô C.T.U. (TP. Điện Biên) đặt 150 mâm cưới rồi "bom" hàng để lại "dư chấn" trong cộng đồng từ mấy hôm nay. Gõ từ khóa "cô dâu bom hàng", cho ra khoảng 38 triệu kết quả trong khoảng 0.45 giây. Đó là chưa kể mức độ quan tâm, bình luận trên mạng xã hội. 

Vụ việc rất nhanh được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Từ việc nói dối, chối bỏ trách nhiệm đến biến mất, rồi khai nhận "muốn chiếm đoạt tài sản" của C.T.U. là một quá trình gian dối quanh co. Đến thời điểm này, hành vi của "cô dâu" ảo này được xác định là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ việc đã thuộc thẩm quyền xử lý của pháp luật.

Cô dâu C.T.U với một vụ bom hàng có một không hai
"Cô dâu" C.T.U. với một vụ "bom" hàng có một không hai

Tuy nhiên, từ sự việc gây chấn động lần này, nhìn lại câu chuyện "bom" hàng của không ít người. Lại thấy vấn đề không phải lúc nào cũng là hành vi "lừa đảo tinh vi có tính toán" - như nhiều nhận định dành cho C.T.U; mà đơn giản chỉ là "bom" hàng để cho vui.

Nạn nhân chịu đựng trò đùa tệ hại này nhiều nhất là các tài xế công nghệ. Từng có không ít những chia sẻ cười ra nước mắt của các tài xế khi bị "bom" hàng. Có người may mắn được người khác thương tình mua lại ủng hộ, cũng có người đành phải mang về ăn, chịu mất tiền ứng trước thức ăn lẫn phí ship. 

Cổng cưới, rạp bạt, cỗ bàn đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng cô dâu ảo thì lặn mất tăm
Cổng cưới, rạp bạt, cỗ bàn đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng "cô dâu" ảo thì lặn mất tăm

Shipper bị "bom" hàng theo nhiều cách. Hoặc khách từ chối nhận vì sản phẩm không đúng như trên hình ảnh shop quảng cáo, trả lại thì shop cũng không nhận lại sản phẩm và hoàn tiền cho shipper. Như trường hợp một nam shipper vừa gặp phải khi giao chiếc bánh kem bị chảy phô mai vì vận chuyển đường xa mới đây. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp, khách cố tình đặt hàng rồi "bom" cho vui.

Không ít những đơn hàng "bom" từ vài trăm ngàn đến tiền triệu khiến shipper khốn đốn. Người viết từng chảy nước mắt khi nhìn hình ảnh một người già cặm cụi ship trà sữa rồi không may bị "bom" hàng. Ông đã nói cả đời cũng chưa lần nào dám bỏ tiền ra uống một ly trà sữa đắt đỏ như vậy. 

Những vụ ''bom hàng'' shipper  từng khiến dư luân bức xúc  (ảnh: internet)
Những vụ ''bom'' hàng khiến các shipper điêu đứng từng gây phẫn nộ trong dư luận (ảnh: internet)

Niềm vui thú gì ở đây khi cười đùa trên nỗi khổ của người khác? Càng tệ hại hơn là việc lừa cả những người nghèo, người già nặng gánh mưu sinh. Một bộ phận người đang làm như vậy. Niềm vui của họ được xây dựng bằng sự ích kỷ của cá nhân, hay phải nói chính xác hơn là sự suy thoái văn hóa ứng xử, nhân cách. 

"An ủi lớn nhất của đời người là bố thí" - lời Phật dạy. Nếu đã không cho đi thì thôi, sao lại vô tâm lấy mất của người khác? "Bom" hàng cũng là một hành vi lừa đảo - dù chưa đủ để cấu thành hành vi phạm pháp. Một sự lệch chuẩn giá trị khởi nguồn từ sự vô cảm, ích kỷ, suy nghĩ lệch lạc. Hành vi chỉ thỏa mãn nhu cầu đùa cợt thiếu văn hóa của những cá nhân kém nhận thức. Có thể nói, đây là hệ quả của những biến động giá trị - một thách thức lớn về phương diện văn hóa ứng xử mà thời đại này phải đối mặt. 

Nếu không thể trông chờ vào sự thay đổi nhận thức, thì có lẽ chỉ có việc chế tài, xử lý thích đáng mới có khả năng răn đe. Vô cảm đùa cợt trên nỗi buồn, nỗi đau của người khác đôi khi cũng là tội ác.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI