Chúng ta mua đồ trên mạng, trò chuyện qua mạng xã hội, tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài cũng nhờ các kênh báo và trang thông tin mạng. Tuy nhiên, với một số người, khi không kiểm soát được tâm trạng, cảm xúc, việc ngồi nhiều giờ để lướt mạng lại chính là hoàn cảnh để khởi phát các hành vi không đúng chuẩn mực. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang - nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP.HCM - cảnh báo về điều này.
Khổ sở vì bị khách “bom” hàng mùa dịch
|
Hãy hạn chế sử dụng máy tính và điện thoại, thay vào đó, các thành viên trong gia đình nên cùng nhau trò chuyện, nấu ăn, tham gia các hoạt động chung để hạn chế các cơn xung động không tốt cho người bị rối loạn lo âu |
Chị N.L.T.T. (Q.Tân Bình, TP.HCM) khổ sở vì bị “bom” hàng trên mạng. Chị T. làm đại lý mặt hàng thực phẩm khô và đồ uống. Vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị chuyển sang bán hàng online. Trong thời gian qua, chị bị rất nhiều đơn hàng “ma”, nghĩa là khách vào web của cửa hàng chọn đồ, để lại số điện thoại, cho địa chỉ giao hàng, chọn hình thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng, nhưng khi nhân viên chở hàng tới thì địa chỉ trên không có thật hoặc gọi điện thoại thì bị trả lời là nhầm số.
“Mới hôm qua tôi bị khách “bom” hai thùng sữa tươi. Khách đặt giao tới Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Đơn hàng trị giá 800.000 đồng, tiền vận chuyển hết 60.000 đồng. Khách vào trang web của cửa hàng, chọn sản phẩm, sau đó để lại số điện thoại và địa chỉ giao hàng. Nhân viên giao hàng không thể liên lạc được nên phải chở ngược hàng về, thiệt hại gấp đôi tiền vận chuyển”, chị T. thở dài. Trong tuần qua, chị T. bị “bom” tổng cộng 5 đơn hàng.
Không chỉ riêng chị T., nhiều chủ shop online khác cũng khóc dở mếu dở vì các vị khách “ma”. Điển hình là anh N.V.H., chủ một cửa hàng bán đồ thể thao tại Q.9, TP.HCM. Anh H. kể: “Cách đây vài ngày, tầm 7g tối, gia đình tôi đang ăn cơm thì có khách nhắn tin trên trang bán hàng của cửa hàng. Khách chọn hai bộ đồ tập gym, còn đặt mua cả giày chạy bộ. Tổng đơn hàng trị giá hơn 4 triệu đồng.
Khách muốn nhìn hình sản phẩm thực tế tại cửa hàng trước khi giao nên tôi chiều khách, chạy xe ra tận cửa hàng (đã đóng cửa), chụp hình sản phẩm gửi cho khách. Vị khách này nhắn tin đồng ý mua và cho địa chỉ giao hàng. Khách nói cần nhận đồ ngay tối hôm đó để sáng mai dùng nên tôi không yêu cầu chuyển khoản đặt cọc. Anh ta mua hàng trị giá gần 5 triệu đồng nên tôi miễn phí tiền vận chuyển. Giữa mùa dịch còn bán được hàng, vợ chồng tôi mừng lắm”.
9g tối hôm ấy, điện thoại reo, anh H. nghe máy, nhân viên Grab báo đã tới địa chỉ nói trên nhưng không liên lạc được với khách. Bấm chuông thì có người ra mở cổng nhưng họ bảo ở đây không ai mua đồ gì cả. Anh gọi vào số điện thoại của vị khách để lại khi đặt hàng nhưng chỉ có tiếng ò í e, nhắn tin lại vào nick chat đó thì đã bị chặn.
Nếu có tính chất lặp đi lăọ lại thì là biểu hiện củ bệnh lý
“Bom” hàng trên mạng chỉ đơn giản là trò đùa ác ý của một số người rảnh rỗi sinh nông nổi. Ngay từ đầu, họ không chủ đích chiếm đoạt số hàng hóa đặt mua mà chỉ lừa gạt khiến cho người bán hàng, nhân viên giao hàng chạy lòng vòng nhằm thỏa mãn khoái cảm của mình. Theo bác sĩ Quang, nếu đối tượng “bom” hàng rơi vào thanh thiếu niên, nhóm tuổi teen, thì đó chỉ là hành vi nghịch dại của lứa tuổi nổi loạn, chưa nhận thức được hết chuẩn mực đạo đức cũng như ranh giới của sự phạm pháp. Tuy nhiên, nếu hành động “bom” hàng trên mạng diễn ra ở người lớn và có tính chất lặp đi lặp lại thì không còn gọi là nghịch dại nữa mà là một trong những biểu hiện của bệnh lý về tâm lý, tâm thần.
Xét ở góc độ tâm lý, tâm thần có hai dạng bệnh nhân. Nhóm bệnh nhân có sẵn tiền sử về rối loạn lo âu, nhóm thứ hai là vừa mới khởi phát bệnh. Hoàn cảnh để khởi phát bệnh chính là sự bí bách, bị hạn chế giao tiếp trong thời gian giãn cách bởi dịch COVID-19. Những người này chỉ có một kênh duy nhất để kết nối với thế giới bên ngoài là mạng internet. Chính việc bị phụ thuộc vào máy tính, điện thoại và ngồi nhiều giờ lướt mạng đã làm xuất hiện các cơn xung động không cưỡng lại được. Họ bị kích thích, tò mò, thôi thúc phải thực hiện bằng được để thỏa mãn cơn rối loạn lo âu của mình.
Để giải thích cho hành vi “bom” hàng trên mạng dưới góc độ bệnh lý tâm thần, bác sĩ Quang chia sẻ rằng, những người bị rối loạn lo âu hay có tiền sử về tâm lý, tâm thần thường vào đặt mua hàng rồi “lặn” mất tăm. Khi việc này thành công, họ thích thú, cảm thấy thỏa mãn vì lừa gạt được người khác mà chẳng ai làm gì được mình. Nếu không được phát hiện và kiểm soát, họ sẽ còn táy máy chọc phá nhiều thứ trên mạng internet chứ không riêng hành vi “bom” hàng. Biểu hiện của trạng thái tâm lý, tâm thần như vậy có điểm giống với chứng ăn cắp vặt (kleptomania). Người mắc căn bệnh này khi đứng trước đồ vật (dù không mấy giá trị) để ở nơi sơ hở thường có rung động và cảm thấy căng thẳng, buộc phải thực hiện bằng được hành vi ăn cắp mới cảm thấy thoải mái.
Bác sĩ Quang cảnh báo, nếu ai thấy bản thân từng làm các hành vi trên mạng giống với “bom” hàng nhưng chỉ một lần thì về mặt đạo đức, ta có thể gọi nôm na là nghịch dại, trò đùa ác ý. Nhưng nếu hành vi như trên lặp đi lặp lại có tính hệ thống, cảm thấy phấn khích khi làm như vậy thì cần được tư vấn và khám tâm lý, tâm thần. Mặt khác, những ai cho rằng đây chỉ là đùa nghịch thì nên nhận thức rằng ở khía cạnh pháp luật, ranh giới từ đùa nghịch tiến tới lừa đảo như sợi chỉ mong manh.
Làm gì để hạn chế các cơn xung động cho bệnh nhân rối loạn lo âu?
Đối với các bệnh nhân rối loạn lo âu, người thân cần làm những việc sau đây để giúp họ hạn chế các cơn xung động khiến bệnh tình thêm trầm trọng:
- Không nên để bệnh nhân sử dụng mạng internet, máy tính, điện thoại quá nhiều.
- Giảm thời gian những bệnh nhân này sử dụng điện thoại và máy tính bằng cách trò chuyện, tương tác với họ nhiều hơn. Rủ họ tham gia các hoạt động chung cùng với cả nhà như: nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cảnh…
- Những ai đang điều trị theo toa của bác sĩ cần uống thuốc đều đặn, tái khám và điều chỉnh thuốc đúng lịch.
- Tránh đọc các tin tức tiêu cực (điều này không tốt cho người có tiền sử rối loạn lo âu). Ngay cả người bình thường nếu đọc quá nhiều tin tức tiêu cực cũng gây ám ảnh và lo lắng thái quá. Chỉ đọc những thông tin từ báo chí chính thống. Nên đọc nhiều thông tin tích cực để tinh thần phấn chấn hơn.
Liên quan tới hành vi lấy sự chọc phá người khác làm niềm vui cho mình, tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Quận 2 - từng tư vấn cho không ít trường hợp, đặc biệt là các trường hợp hay gọi điện vào số của tổng đài, đường dây nóng, báo tin giả có ca bệnh cần cấp cứu...
Ngay bản thân tiến sĩ Thuận lúc được giao phụ trách đường dây nóng bệnh viện đã ghi nhận không ít cuộc gọi chọc phá có dấu hiệu của rối loạn tâm lý, tâm thần. "Họ khác những người gọi điện với mục đích phạm tội để trục lợi. Hành động gọi điện chọc phá của những người này mang tính chất chu kỳ và khởi phát có điều kiện", tiến sĩ Thuận kể.
Chẳng hạn cứ vào tối thứ sáu, khoảng 10g đêm, có cuộc gọi chọc phá thì người này sẽ lặp lại cuộc gọi như vậy vào tối thứ sáu tuần sau vào lúc 10g đêm. Bình thường họ vẫn tỉnh táo nhưng khi có bia rượu kích thích, họ mất kiểm soát và dẫn tới hành động như vậy. Đây gọi là rối loạn tâm thần tiềm ẩn, nếu không được can thiệp trị liệu kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng lên thành thể mạn tính.
|
Thanh Huyền