Bao nhiêu cũng thiếu
Sau giai đoạn sống một cuộc sống chật vật với bệnh tật và nghèo khó, hiện tại nhạc sĩ Vinh Sử đã có thể mua được một căn nhà, thậm chí là đã chuẩn bị hẳn một ngôi mộ gió khang trang cho mình… từ chính tiền tác quyền các ca khúc bolero mà ông nhận được.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng nhạc sĩ Vinh Sử nhận được gần 30 triệu tiền tác quyền ca khúc, dù số lượng ca khúc mà ông đang hưởng tác quyền đã giảm hẳn đi do có 100 bài hát của ông đang được khai thác độc quyền bởi một đơn vị kinh doanh mà ông đã chuyển nhượng trong vòng 3 năm.
Vị nhạc sĩ của bolero cho biết, cùng với sự phát triển của các chương trình bolero trên truyền hình, dẫn đến bùng nổ nhu cầu về ca khúc bolero, thời gian qua rất nhiều nhà sản xuất lẫn ca sĩ tìm đến ông đặt hàng sáng tác ca khúc mới.
|
Chi Dân - một giọng ca của nhạc trẻ giờ cũng hát bolero |
Không chỉ có nhạc sĩ Vinh Sử, tác giả của Quán gấm đầu làng, Cô Thắm về làng… là nhạc sĩ Giao Tiên cũng nhận không biết bao nhiêu lời đề nghị sáng tác mới. Dĩ nhiên, ông cùng những cái tên như Hàn Châu, Lam Phương (đang được Bến Thành Audio đại diện)… cũng nhận được số tiền tác quyền ca khúc tăng lên theo mỗi năm và theo sự bùng nổ của chương trình bolero.
Dù có sự vào cuộc của các tác giả chuyên nghiệp về bolero, số lượng ca khúc cho các chương trình truyền hình và thị trường băng đĩa vẫn không đủ. Sau mùa đầu tiên với cú nổ về lượt người xem (và dẫn đến sự ăn theo của nhiều nhà sản xuất khác), chương trình Solo cùng bolero đã nhận ra nguy cơ cạn kiệt ca khúc bolero nên đến mùa thứ 2, BTC chương trình đã phải phát động cuộc thi sáng tác ca khúc bolero.
Hơn 2.000 là số lượng sáng tác mới gửi về dự thi, trong đó có nhiều cái tên quen thuộc như nhạc sĩ Giao Tiên, Quỳnh Lệ…
Tuy nhiên, ca khúc bolero mới, để được tiếp nhận thì cần phải có thời gian còn nhu cầu về bolero là nhu cầu trước mắt, tỷ lệ thuận với sự "nở nồi" của các chương trình truyền hình. Chính vì thế, giữa các NSX khi này lại có thêm một cuộc đua khác: đua xin phép phổ biến ca khúc bolero trước năm 1975.
Năm 2016, BTC chương trình Solo cùng bolero đã “ăn đứt” nhiều chương trình cùng loại về ca khúc, khi cầm trong tay giấy phép phổ biến 18 ca khúc trước 1975 của Cục Nghệ thuật-Biểu diễn.
Trọng trách nào thuộc về bolero?
Ca sĩ hải ngoại Duy Trường, khi cho biết lý do anh về Việt Nam tham gia chương trình "Hãy nghe tôi hát", đã chia sẻ là vì bolero bây giờ ở Việt Nam được yêu thích quá!
Thực tế, Duy Trường không phải là gương mặt duy nhất muốn nương xu hướng mà đi. Sự bùng nổ của bolero đã kéo theo một lượng ca sĩ trẻ cũng chuyển sang hát bolero, dù trước đó chỉ quen nhún nhảy với những ca khúc nhạc trẻ: Chi Dân, Quách Tuấn Du, Jolie Phương Trinh...
Cách đây vài năm, ít ai có thể nghĩ rằng giọng ca đóng đinh với những ca khúc mang hơi thở đương đại và trúc trắc của Đỗ Bảo như Hồ Quỳnh Hương rồi cũng có ngày chuyển sang hát bolero. Sau khi album Hương xưa ra mắt, Hồ Quỳnh Hương cho biết trong dự định của cô rồi sẽ có Hương xưa 2, Hương xưa 3…
Mỹ Tâm, dù chỉ là để vui theo yêu cầu của fan, cũng hát ca khúc Chỉ hai đứa mình thôi nhé. “Sự vui” của Mỹ Tâm ít nhiều phản ánh một sự thật rằng bolero đang bao trùm khắp nơi.
“Bolero giết chết nhạc Việt”, “bolero làm nhạc Việt đi lùi” là nhận định đã từng gây nên trận cuồng phong giữa chính những người có chuyên môn và có khả năng can dự vào việc dịch chuyển của nhạc Việt ở một mức độ nào đó.
Quả thực, sẽ rất chủ quan nếu nói rằng việc “đẩy” bolero đi quá đà của các NSX chương trình truyền hình sẽ tạo ra một cán cân nhạc Việt bị lệch.
Bởi, dù bolero bùng nổ đến thế nhưng những Lạc trôi, Buông đôi tay nhau ra… của Sơn Tùng, Gửi anh xa nhớ với giọng hát Bích Phương, Thật bất ngờ của Trúc Nhân, Mơ của Vũ Cát Tường… vẫn có một lượng người nghe khủng ở phân khúc giới trẻ.
Cũng ở những người trẻ đó, sáng tác của họ mang hơi thở thời đại và ngày càng tiệm cận với những gì đang ở phía ngoài biên giới đất nước. Đã không còn tình trạng các ca khúc chỉ trông chờ vào một vài cái tên như Đức Trí, Quốc Trung, Huy Tuấn… như cách đây nhiều năm nữa, các tác giả trẻ ngày càng nhiều và ngày càng tập trung vào việc chinh phục người khác bằng bản sắc của chính mình.
|
Chương trình Tình bolero đã biến diễn viên Quý Bình thành một "quý ông bolero" |
Nói một cách khác, sự bùng nổ của bolero trên truyền hình là dấu hiệu của một sự ăn xổi, thiếu sáng tạo của một số NSX, như trào lưu ăn theo gameshow hài vậy.
“Bolero quá rầm rộ, xuất hiện quá nhiều trên các đài truyền hình làm cho nhạc bolero trở nên loạn xạ và đôi khi gây tác dụng ngược với khán giả, nó không được tôn trọng mà trở nên nhàm chán đi”, nhạc sĩ Giao Tiên nhận xét.
Cái gì quá lạm dụng sẽ gây ra nhàm chán, cái gì nhàm chán sẽ bị đào thải – đó là điều tất yếu. Mỗi chương trình là một dự án thương mại, khi bolero đã khiến khán giả ngán ngẩm, ắt các NSX sẽ tìm được “nạn nhân” mới, trào lưu khi ấy sẽ dừng.
Dĩ nhiên, những giọng ca chạy theo trào lưu, cũng sẽ bị đào thải khi trào lưu đó không còn.
Tâm Nguyên