Trong khi Solo cùng boléro vừa kết thúc đêm chung kết thứ ba, một chương trình khác về boléro cũng đã hoàn tất khâu tuyển sinh (tại bốn thành phố trong nước và tại Mỹ) và chuẩn bị lên sóng truyền hình quốc gia: Thần tượng boléro. Ngoài ra, một số chương trình về dòng nhạc này cũng đang rục rịch “chạy”. Boléro, sau một thời gian ngầm chảy, hiện đang là sự cạnh tranh mới của truyền hình thực tế (THTT).
Solo cùng boléro tuy phát sóng trên đài địa phương (Đài Truyền hình Vĩnh Long, đang là mùa thứ hai) nhưng đã thu hút lượng khán giả theo dõi cùng lượng thí sinh đăng ký tham gia “khổng lồ”.
Theo lý giải của ban tổ chức (BTC), ngoài lý do miền Nam là cái nôi của dòng nhạc này, còn vì đây là sân chơi truyền hình duy nhất về boléro (ở thời điểm chương trình ra mắt). Đường dây nóng của Solo cùng boléro thường xuyên quá tải bởi số người gọi về chia sẻ cảm xúc và tìm hiểu thông tin.
Trước khi mùa thứ hai khởi động đến nửa năm, BTC nhận một lượng lớn hồ sơ đăng ký dự thi gửi về. Nhằm giúp lượng khán giả cuồng nhiệt này thỏa mãn đam mê, BTC đã tổ chức cuộc thi quy mô nhỏ hơn là Khán giả cùng boléro.
Ở mùa thứ hai, lượng đăng ký tham gia chương trình gần gấp ba mùa đầu, với 20.000 người. Trong khi đó , Thần tượng boléro (phát sóng vào thứ Năm hàng tuần trên VTV3, bắt đầu từ 28/1/2016), theo ca sĩ Quang Linh - giám khảo phụ trách tuyển sinh chương trình tại Mỹ, ở xứ người cũng có rất nhiều người mê dòng nhạc này. Có thí sinh lặn lội tám tiếng đi xe để đến thử giọng.
|
Hàng chục ngàn người đến đăng ký sơ tuyển Solo cùng boléro 2015 |
Boléro đang “len” vào THTT, mà theo tin hậu trường, đây chỉ là mới bắt đầu, vẫn còn những chương trình khác về boléro đang được các nhà sản xuất chuẩn bị tung ra. Sự cạnh tranh của hai chương trình vừa kể nằm ở yếu tố định dạng.
Nếu như Solo cùng boléro “thuần” hơn với việc chọn giám khảo là những gương mặt gạo cội của dòng nhạc này, như Phương Dung, Giao Linh, Phi Nhung, Thái Châu, Lệ Thu… thì Thần tượng boléro “trẻ hóa” với Cẩm Ly, Đan Trường, Quang Linh và Quang Dũng. Sự trẻ hóa này khiến chương trình mang hơi thở hiện đại hơn, gây sự tò mò ở khán giả, nhất là đối với ca sĩ Quang Dũng - một người không hoạt ngôn và chưa có kinh nghiệm ngồi ghế nóng.
Ngoài ra, nếu Solo cùng boléro chuộng kết cấu truyền thống (thí sinh hát, ban giám khảo cho điểm, ai cao điểm vào vòng trong) thì Thần tượng boléro lại có kết cấu kịch tính hơn: bốn huấn luyện viên chia làm bốn đội với mỗi đội là chín thí sinh ban đầu, vòng tiếp theo sẽ chia nhóm thi với mỗi nhóm từ hai-ba thí sinh, mỗi nhóm huấn luyện viên sẽ chọn ra một người để vào vòng liveshow… Cũng như các chương trình như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn… sự cạnh tranh, “chặt chém” giữa các huấn luyện viên dự kiến sẽ là yếu tố thu hút của chương trình.
Việc boléro trở thành yếu tố mới của THTT, cho thấy giới trẻ đang có sự thẩm thấu khá tốt với dòng nhạc này. Trong cơn sốt ngoại lai nhạc nước ngoài như hiện tại, đây là tín hiệu tích cực trong việc gìn giữ những điều thuộc về bản sắc.
Tuy nhiên, THTT với cuộc đua rating vốn nhiều chiêu trò liệu có khiến boléro mất chất, biến dạng là điều không ít người lo ngại. “Tôi sẽ không chấp nhận cho thí sinh phá cách bài hát, làm hỏng đi tinh thần của bài hát”, nhạc sĩ Minh Vy – giám đốc âm nhạc Thần tượng boléro cho biết.
Theo nhạc sĩ này, các bài hát sẽ được phối mới nhưng “cái tình” sẽ phải được giữ nguyên: “Nhạc boléro không giống như các loại nhạc khác. Mỗi bài hát thường gắn với một câu chuyện, diễn ra trong đời sống tác giả. Chính vì thế cái tình phải được giữ nguyên bởi nếu làm khác đi, nó không còn là bài hát đó nữa”.
Minh Vy cũng cho rằng, anh không hoan nghênh các giọng ca nhí hát boléro, và rất trân trọng các giọng ca trẻ lặn lội tìm đến cha đẻ của ca khúc để được nghe những câu chuyện sản sinh ra tác phẩm, để cảm sâu hơn cái tình của bài hát.
Thêm một điều gây băn khoăn là gần chục năm qua, số lượng ca khúc boléro mới đưa ra công chúng và được đón nhận đếm trên đầu ngón tay. Điều này khiến các chương trình phải sử dụng lặp đi lặp lại các bài hát quen thuộc.
Lường trước điều này, từ mùa thứ hai của Solo cùng boléro, BTC đã phát động cuộc thi Sáng tác ca khúc boléro để phục vụ cho chương trình. Hơn 1.000 bài hát được gửi về, trong đó có cả nhạc sĩ tên tuổi tham gia như Giao Tiên (tác giả của Cô Thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Tình đẹp mùa chôm chôm…).