Bởi vì tôi đâu phải là một người mẹ hoàn hảo

05/12/2023 - 14:17

PNO - Những lúc kiệt sức vì chăm con, tôi lại gọi cho má để nói với bà rằng mình cảm thấy mệt.

Người ta luôn nói rằng có con mới hiểu lòng cha mẹ và điều đó không hề sai. Khi có con, mối quan hệ giữa tôi và má trở nên tốt hơn bởi đó là lúc tôi mới hiểu những vất vả của việc làm mẹ đến từ trải nghiệm chân thật. Mà cô gái nào rồi cũng sẽ như thế. Trái tim họ sẽ đồng cảm hơn với mẹ họ và những người mẹ khác. 

Không trải qua những giờ phút lo lắng liệu mình và con mình có an toàn khi “vượt cạn”, không đau đến độ cựa quậy không nổi thì tôi sẽ không thể hiểu sâu sắc để sinh ra một đứa trẻ hiểm nguy như thế nào. 

Tác giả và  cô con gái bé nhỏ
Tác giả và cô con gái bé nhỏ

Nếu không có những đêm mất ngủ, không có những lúc thấy mình kiệt quệ, không có những lần thiếu kiểm soát, làm sao tôi hiểu nuôi con nhọc nhằn ra sao. Và rồi, có lẽ tôi sẽ còn trách má mình sao không có kiến thức nuôi dạy con, sao không tinh tế với con…

Tôi cũng đối diện với rất nhiều sai lầm trên hành trình nuôi dạy con. Dù tôi có đọc thật nhiều sách, cũng có những trường hợp tôi chưa đọc hết, không biết xử lý ra sao. 

Để có hình hài một con người trưởng thành là bao nhiêu nỗi lo lắng, vất vả không thể đong đếm. Má đã đem tôi đến cuộc đời này, bấy nhiêu đó đã đủ là một phước lành. 

Trên hành trình lớn lên, tôi đã có rất nhiều tổn thương liên quan đến má. Bà đã nuôi dưỡng tôi bởi sự tổn thương của bà - tổn thương từ trong mối quan hệ với cha mẹ, tổn thương trong cuộc hôn nhân đổ vỡ, tổn thương với bao nhiêu con người ngoài kia. Những tổn thương chưa lành lặn, chưa kịp gọi tên thì trách nhiệm làm mẹ đã vội cuốn bà đi với cơm áo gạo tiền. Cũng như nhiều bậc cha mẹ khác, khi tập trung vào việc thỏa mãn cơm ăn áo mặc, bà nghĩ rằng bấy nhiêu là quá đủ cho con mà không kịp nhận ra trái tim con mình đã chớm hình thành vết sẹo từ những câu nói như “Mày là thứ vô dụng”, “Mày không làm được việc gì cả”… Bởi vì cha mẹ bà đã “dạy” con như thế. 

Bà không hề biết bà đã gieo vào con bà rất nhiều nỗi sợ hãi mỗi khi sai sót dù là những lỗi lầm rất nhỏ. Nếu biết những dư chấn của nó, hẳn bà đã cẩn trọng hơn. 

Khi chữa lành trái tim, học cách chấp nhận những thiếu sót của bản thân và học cách làm mẹ, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ đứa trẻ của mình để nó được lớn lên trong một môi trường cảm xúc lành mạnh. Chỉ cơm ăn áo mặc là chưa đủ mà còn phải cho con sự lành lặn về tâm hồn. 

Mình có thể ở bên chồng hoặc trở thành một người mẹ đơn thân nhưng mình phải là một người mẹ hạnh phúc. Hôn nhân kết thúc đâu có nghĩa con mình phải chịu tổn thương! 

Con mình được lớn lên với một người mẹ vui vẻ, ít phán xét bản thân và người khác sẽ biết cách để sống vui vẻ. Nếu không trải qua những chông chênh trong tâm hồn từ những tổn thương, làm sao tôi có thể hiểu điều đó ảnh hưởng thế nào đối với một đứa trẻ, làm sao tôi có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống chính là hạnh phúc. Cách tôi đối xử với con sẽ ảnh hưởng đến cách con tự nhìn nhận bản thân. 

Tổn thương, suy cho cùng, đã dạy chúng ta cách sống tốt hơn, phải không?

Cảm ơn má đã luôn yêu thương và nâng đỡ. Dù bà vẫn vậy - vẫn phàn nàn, hay chê con - nhưng trái tim tôi đã có sự chấp nhận. Tôi biết má luôn yêu thương mình. Tôi biết mình vẫn là điều quý giá nhất trong cuộc đời bà, giống như tôi hay thì thầm với cô gái nhỏ của tôi: “Mẹ yêu con nhất cuộc đời này”. Mỗi trải nghiệm đều cần thiết để chúng ta học về sự thấu hiểu.

Trong đời, luôn có nhiều người thầy ở xung quanh dưới nhiều hình dạng để dạy chúng ta về hành trình yêu thương. 

Vân Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI