Bởi vì tằm vẫn nhả tơ…

04/02/2017 - 06:30

PNO - Sinh ra đã nghe tiếng đưa thoi của mẹ, nhưng ngày Vũ vào Sài Gòn học ĐH Kinh tế TP.HCM, nghề dệt lụa ở quê hương đã dần mai một.

Ngôi nhà gạch nằm ngay cạnh con đường đá chạy khắp làng lụa Hội An (Quảng Nam). Bên trong ô cửa mở toang, một người đàn ông đầu quấn khăn xô, ngồi đối diện một người đàn bà đang quay lưng về cửa sổ. Mỗi người một khung dệt, nghiêm cẩn. Dọc hàng hiên chất đầy những nong kén, trong những ngôi nhà gạch gần kề, vài cặp vợ chồng khác cũng đang say sưa dệt lụa. Câu chuyện khẽ khàng chìm giữa những nong tằm rì rào tiếng ăn dâu.

Boi vi tam van nha to…
 

Đó là một góc “làng” của Vũ – người tự nhận mình “đã trót biết quá nhiều những câu chuyện nên thơ của xứ lụa nức tiếng Đàng Trong một thuở, để mà chẳng thể làm ngơ”.

Người trai xứ tằm tang

Chừng 10 năm trước, nếu từng “mắc kẹt” giữa những “xóm Duy Xuyên tơ vàng giăng nghẽn lối”, người ta sẽ còn mơ hồ cảm giác về quá khứ lừng danh của mảnh đất lụa Quảng Nam một thuở. Hồi đó, từ Quốc lộ 1A đoạn gần sông Thu, chỉ cần đi về phía núi (hướng Tây) chừng 3km, xóm làng đêm ngày rào rào tiếng tằm ăn dâu. Sau lưng những con xóm, bên bồi của các con sông Thu Bồn, Vu Gia là những nương dâu bát ngát. Nhưng, những hình ảnh đã phôi phai ấy cũng chỉ là dư âm của một đời sống tơ lụa sôi động, lừng lẫy của một vùng đất từng nức tiếng với thứ lụa Mã Châu tiến vua. Bên những nong tằm mới đây còn tất bật, người ta còn kể cho trẻ con về cuộc kỳ ngộ từ thế kỷ XVII của bà chúa tằm tang Đoàn Quý Phi với thái tử Nguyễn Phúc Lan ở biền dâu Gò Nổi.

Cũng thời đó, chúa Nguyễn phục hồi lại con đường tơ lụa từ thương cảng Hội An - một địa chỉ mà theo sử sách, từng có một con đường tơ lụa sầm uất thuyền bè từ thuở còn là Chiêm cảng. Thời gian chồng chất. Dấu tích của lụa có mặt ở khắp xứ này. Sau này, vào khoảng đầu thế kỷ XX, ngay ngã ba sông Thu Bồn, Vu Gia, người Pháp đã xây dựng “Tiệm ươm Giao Thủy”, một nhà máy ươm tơ lớn nhất Trung Kỳ.

Bờ sông Vu Gia gần nhà máy ươm tơ lừng danh ấy, chính là nơi chôn nhau cắt rốn của Lê Thái Vũ - người trai đã khai sinh Làng lụa Hội An, tổ chức những Festival Lụa đầu tiên ở Việt Nam.

Sinh ra đã nghe tiếng đưa thoi của mẹ, nhưng ngày Vũ vào Sài Gòn học ĐH Kinh tế TP.HCM, nghề dệt lụa ở quê hương đã dần mai một. Khắp xóm, những khung dệt lụa được thay thế bằng những công xưởng dệt vải, ngày đêm sầm sập tiếng máy công nghiệp. Những chuyến hàng đêm ngày vào ra các cửa ngõ, chở đi hàng tấn vải ka-tê thô rẻ tiền. Nghề lụa thất thủ. Ở Sài Gòn, Vũ đau đáu tìm đường ra cho sản phẩm lụa mà anh chị ở quê nhà vẫn kiên quyết theo đuổi.

Anh nghiên cứu thị trường, quyết định chuyển hướng sang kinh doanh lụa thành phẩm. Từ sản phẩm lụa lâu nay của gia đình, anh tổ chức may đo, thiết kế, hợp tác mở showroom ở các con đường nhiều du khách của Sài Gòn; đưa sản phẩm lụa vào nhà hàng, khách sạn. Khoảng năm 1998, từ một vài khung dệt, gia đình Vũ phát triển thành bốn xưởng dệt với hàng ngàn nhân công ở Quảng Nam, Đà Nẵng và các xưởng nhuộm, may thành phẩm ở Sài Gòn.

Vừa lèo lái thành công gia nghiệp, vượt ra khỏi định mệnh suy tàn của một ngành nghề thủ công truyền thống; Vũ lại cảm giác mình đang... loay hoay. Anh tâm sự: “Khi ấy, tôi lờ mờ nhận ra rằng, đi sâu vào văn hóa mà tìm hiểu, khơi lên cái đẹp của lụa Việt mới là con đường của người làm nghề”. Năm cuối đại học, Vũ lại đi khắp các làng nghề ở dọc miền trung du, tìm dấu vết lịch sử dâu tằm Việt với bóng dáng của văn hóa dệt lụa Chăm được kết nối qua những “tư liệu sống”. Lên Bảo Lộc, gặp những “đại gia lụa” - những “phiên bản hiện tại” của đế chế tơ lụa Bảo Lộc, với gia tài đồ sộ bao nhà máy của tiến sĩ Nguyễn Vân để lại từ thế kỷ XX; đi qua làng dệt Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận), Tân Châu (An Giang)...; rồi nhìn về quê hương, cái thi vị của lụa lại trở thành một sự thôi thúc trong Vũ.

“Phục hưng”

Ngồi giữa một làng lụa rộng lớn, nên thơ, dập dìu du khách; vị doanh nhân đã bước sang tứ tuần vẫn luôn sẵn cảm hứng để nói về câu chuyện vực dậy nghề tơ tằm của dải đất cực nhọc mà duy mỹ này.

Năm 2006, Vũ được chính quyền TP.Hội An cấp hơn 2 hecta mở một khu du lịch về nghề trồng dâu nuôi tằm. Với dự định tái hiện quy trình sản xuất lụa tơ tằm để phục vụ khách du lịch; Vũ vừa đưa 30 máy dệt lụa, dần hoàn thiện không gian của làng lụa thì du lịch Hội An gần như ngưng trệ vì dịch cúm gà và dịch Sars. Lại thêm, tiếng ồn phát ra từ xưởng dệt không phù hợp với một không gian du lịch văn hóa. Ý tưởng phá sản. Hai hecta đất bao phen đứng trước nguy cơ bị tịch thu. Vũ kiên trì thuyết phục chính quyền gia hạn quyền sử dụng đất, quyết tâm “làm lụa”.

Giai đoạn ấy, một tổ chức Nhật Bản quan tâm đến tơ lụa, sang Việt Nam tìm một giống dâu tằm lá xẻ chân chim. Cầm trên tay tấm hình trắng đen chụp loại lá dâu tằm kỳ lạ, Vũ ngỡ ngàng. Lá dâu trong hình y hệt như miêu tả của Cristophoro Borri về giống dâu cao lớn ở Quảng Nam mà anh từng đọc trong cuốn “Xứ Đàng Trong”. Nhưng, bao nhiêu năm ngược xuôi ở các nương dâu còn sót lại khắp Nam Bắc; Vũ chưa bao giờ gặp. Vũ đưa vị chuyên gia người Nhật đi khắp các vùng núi của tỉnh Quảng Nam tìm cây dâu lạ. Bao ngày vẫn biệt tăm. Người đàn ông Nhật Bản về nước. Những cuộc gọi xuyên quốc gia sau đó vẫn chỉ để báo tin “không tìm thấy”.

Cất lại nỗi thao thức về một giống dâu cổ thụ mà anh linh cảm có thể là nhân chứng sinh động cho một nền văn hóa tơ tằm xưa cũ, Vũ tiếp tục cải thiện làng lụa. Lên những xã miền núi cao của huyện Nông Sơn, anh tìm mua những ngôi nhà rường của đồng bào dân tộc thiểu số. Những ngôi nhà rường bị bỏ hoang được cất công khiêng qua đèo, suối - về với làng lụa.

Một lần, đang tháo dỡ nhà của một đồng bào ở xã Trung Phước (huyện Nông Sơn), lúc ra phía sau hè tránh nắng, nhìn lên bóng mát trên đầu, Vũ ngỡ ngàng nhìn thấy những chiếc lá xòe chân chim, nối xuống đất là một thân cây đen xù xì, to lớn. Tự xác nhận lại vài lần, anh cả quyết, trước mắt mình đang là cây dâu cổ xưa mà cả anh và những “đồng nghiệp” ngoại quốc vẫn kiếm tìm. Cuống quít tìm hỏi chủ nhà, được biết đó là giống dâu đa, có mặt trong vườn nhà từ lâu. Thuyết phục được chủ nhà, Vũ bứng gốc, mang cây dâu đa khổng lồ đầu tiên về, “mở đường” cho việc sưu tầm một vườn dâu Việt - Chăm gồm 40 cây dâu cổ ở làng lụa Hội An.

Cách vườn dâu cổ Việt - Chăm chừng mươi mét, những gia đình Việt Chăm sống cạnh nhau, lặng lẽ làm công việc ngàn đời. Người đàn ông cao gầy, da rám nắng, đầu quấn khăn xô, ánh mắt hiền lành đang chăm chú vào từng sợi tơ óng ả trên khung dệt là Quảng Đầm. Là người Chăm từ Quảng Nam di cư vào Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận từ nhiều đời trước, ngày được Vũ mời về sống ở làng lụa để giới thiệu nghề dệt lụa truyền thống của dân tộc Chăm với du khách quốc tế, ông Đầm tần ngần.

Tục lệ của người Chăm không cho phép bỏ làng. Nhưng, từ ngày tổ tiên di cư vào Nam, đất Ninh Thuận không thể trồng dâu, người Chăm chỉ có thể trồng bông và tước vỏ cây gai dệt thổ cẩm. Tâm huyết từ một người trẻ muốn kết nối với văn hóa cổ xưa của tổ tiên làm Quảng Đầm rung động. Cùng với hai gia đình người Chăm khác, Quảng Đầm mang theo cả vợ con, dịch chuyển toàn bộ cuộc sống về làng lụa. Trong ngôi làng thực sự ấy, Vũ bảo tồn, trưng bày khung dệt của người Chăm ở làng Mỹ Nghiệp, “khung dệt cách tân” một thuở của ông Cửu Diễn, nhà nuôi tằm, nhà ươm tơ thủ công, và nếp sinh hoạt của gần 10 gia đình Chăm - Việt sống quây quần.

Những ngày “xây làng” thì dài dặc, mà đến lúc lan tỏa lại chóng vánh không ngờ. Năm 2014, Vũ dự Hội nghị Tơ lụa thế giới tại Hàng Châu với tư cách đại diện của ngành tơ lụa Việt Nam, được trao đổi, học hỏi với các cường quốc về lụa như Hà Lan, Ý, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản. Về nước, Vũ tổ chức Festival Văn hóa tơ lụa ở làng lụa Hội An, lần đầu tập hợp tất cả các làng nghề, cơ sở dệt lụa trên cả nước, với sự tham gia của chín nước châu Á có ngành lụa. Tháng 3/2016, Festival Văn hóa tơ lụa lần 2 do làng lụa Hội An tổ chức trở thành một sự kiện tiêu biểu của Hội nghị Tơ lụa thế giới năm 2016.

Vũ bây giờ tất bật với những hội nghị, tọa đàm, hội thảo về lụa trên khắp thế giới. Tưởng vậy là đã... cán đích. Nào ngờ, vừa vô tình nhắc lần nữa đến lụa, một dự án mới lại được bật mí. Chàng sinh viên ngày nào đó còn cắp sách đi khắp các vùng đất lụa Bảo Lộc, An Giang mơ màng: “Ngoài làng lụa Hội An, chỗ chân cầu Cửa Đại bây giờ, mình sẽ quy hoạch một “biển lụa Duy Xuyên” rộng chừng 30-40 hecta, biền dâu Gò Nổi (huyện Điện Bàn) sẽ được phục hồi, làng lụa Mã Châu sẽ sống dậy, vị trí của tiệm ươm Giao Thủy xưa kia sẽ mọc lên một bảo tàng lụa Giao Thủy. Lụa trải dọc trục sông Thu, sẽ trở lại là hồn phách của xứ này”.

Chuẩn bị cho mùa hành trình di sản của tỉnh Quảng Nam vào tháng 6/2017 năm sau, Vũ đã kịp báo cáo với Hiệp hội Tơ lụa thế giới về kế hoạch tổ chức một lễ hội lụa quốc tế, cùng các nước phục dựng con đường tơ lụa tại thương cảng Hội An năm xưa. Nói về “cuộc chơi hoành tráng” ấy, Vũ khiêm tốn: “Mình chỉ muốn mời những người làm lụa của Nhật, Ý, Pháp, Hà Lan... cùng mình dựng lại con đường mà cha ông họ đã từng dự phần cùng với cha ông mình”.

“Cuộc chơi” đã trở nên bất khả đoán. Nhưng, dõi theo Vũ, người ta dễ có niềm tin vào cái viễn cảnh đầy lạc quan ấy của lụa Việt. Bởi, những gì anh đã cưu mang, những giấc mộng anh đang tâm huyết. Và bởi, con tằm vẫn rào rào nhả tơ...

Nhà báo Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI