[Riêng tặng những nàng thơ sót lại đâu đó của thời đại tôi]
Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ
Có khi vui lững lờ
Có khi tuôn sầu u….
(Chiều về trên sông - Phạm Duy)
Đêm mùa hè của năm sau đại dịch, trời có mưa nhỏ, một phụ nữ gọi xe ôm công nghệ đi từ cực Đông qua cực Nam thành phố chỉ để đọc một bài thơ. Những người nghe thơ là sinh viên, nghiên cứu sinh, và giảng viên của một trường đại học chuyên về chính sách công.
|
Ảnh: Tô Mạnh |
Lẽ ra hai câu văn vừa rồi có thể mở đầu cho tác phẩm truyện ngắn của một nhà văn hậu sinh, đại khái nói về tâm thế con người trong một thành phố lớn sau cơn dư chấn mà dịch bệnh gây ra. Nhưng không, chi tiết đó không đợi tới một tài năng quá lớn và chờ quá lâu mới nổi lên trong một tác phẩm hư cấu. Bởi nó là sự thật thú vị tới mức cần được viết ngay bây giờ, bởi người chứng kiến, một kẻ rảnh rỗi đi nghe thơ, một người mang tâm hồn trĩu nặng, đang cần tới những câu thơ để bấu víu.
Bạn có tin vào sự thật đó hay không? Nếu là sự thật thì bạn sẽ tự vấn rằng, người phụ nữ trong hai câu văn nọ có gì đó không bình thường? Thì nhân chứng bây giờ sẽ kể cho bạn nghe để củng cố thêm rằng, quả thực, đó là những chi tiết cực kỳ bất thường; bởi nó đi ngược với hành vi, tâm lý, xu thế sinh hoạt của xã hội. Bởi xã hội vào thời điểm sự việc trên diễn ra, trong các quán cà phê và bàn ăn từ thành phố lớn đến miền thôn quê hẻo lánh, đâu đâu, chủ đề chính của các câu chuyện của con người cũng là mua bán bất động sản. Một thế giới xoay quanh cái trục đất đai.
Tâm trí con người bị cơ cấu đất đai đè nặng, giằng níu; thậm chí bị nô dịch hóa bởi đất đai. Đâu đó trong Kinh thánh Cựu ước, cũng đã có một lời nguyền người ta phải đổ mồ hôi nhọc nhằn trên đất mới có cái ăn, và vì đất đai, nhân loại sẽ phải đổ máu, ly tán không ngừng.
Bây giờ lời nguyền đó ẩn bên dưới sự đổi đời của nhiều người. Xe cộ, biệt thự, đời sống xa xỉ đến với nhiều người sau một đêm như giấc mộng. Nhiều người không tin mình đã giàu vụt lên nhờ hồng phúc đất đai mang lại. Nhưng bức tranh đó cũng không che đậy được những rạn nứt trong các gia đình, thôn xóm, nhân quần.
Cảnh tranh chấp, ly tán, rạn nứt tình ruột thịt, bán đứng anh em diễn ra ở làng quê, bởi đất cũng nhiều như số người nuôi tham vọng phồn vinh vội vàng.
Cùng thời điểm đó, câu chuyện chiến tranh ở cửa ngõ châu Âu kéo theo những lung lay trên các bảng chỉ số xanh đỏ của sàn giao dịch chứng khoán, những bất ổn giá xăng cũng khiến nhiều người cần đến các lớp trị liệu tâm lý, và những thứ bấu víu mong manh. Huyết áp nhiều người cũng lên xuống theo mỗi buổi chiều thay đổi chính sách giá xăng dầu, hay điều chỉnh chính sách cho vay “điều trị” cơn sốt bất động sản. Trăm nỗi vui dấy lên, trăm nỗi lo ập xuống. Đời sống cuồng quay như thể ngoài mọi nỗ lực điều khiển.
|
Ảnh: Tô Mạnh |
Vào thời điểm người phụ nữ gọi chiếc xe công nghệ để đi đọc thơ, có lẽ mức lương, thu nhập của cô ấy cũng thay đổi. Áp lực đến với những người giỏi tính toán là một, thì với những kẻ mộng mơ là gấp mười, gấp trăm lần. Nhưng có hề chi với những kẻ quen sống trong mơ màng giữa một xã hội huyên náo tính toán. Đằng nào chẳng sống được, kẻ mộng mơ nghĩ, và chăm chút cho nội tâm, thay vì tiện nghi vật chất. Miễn là sống đầy, sống vui trong sự tiết chế và thấu hiểu bản thân, trong niềm giao cảm với những tâm hồn tha nhân mà những bài thơ mang lại.
Sống đầy với cô là tự tại, sống vui với cô là tham gia vào trò chơi sáng tạo chỉ dành cho số ít. Nếu không giữ được sự tự tại, thì làm sao những câu thơ có mặt trên đời. Nếu không đủ năng lượng tự tại, thì con người dễ chặn đứng mọi ngõ ngách đi sâu vào nội tâm để nương theo mọi tha lực xê dịch, lôi kéo, ràng buộc đến từ bên ngoài. Ở đây, nội tâm, bằng sự tự tại, đã thắng tha lực. Thơ ca vì thế được sinh ra. Nhờ xác tín vào thơ, cô đã làm được cái điều hết sức lớn lao, vượt trên mọi phép tính nhất thời: trong khi những phụ nữ khác đang mải miết quay cuồng với những lô, thửa, lãi suất, chỉ số xanh đỏ… thì cô ấy lặng lẽ khép cửa ngồi lên một chiếc xe ôm và đi trong mưa.
Cô khiến tôi nhớ lại câu chuyện mà triết gia Pháp Frédéric Lenoir viết trong cuốn tiểu luận Đi tìm hạnh phúc (Du Bonheur). Ông kể rằng, xưa có cụ già ngồi trước cổng vào một thành phố, một lữ khách đến hỏi ông: “Tôi chưa từng đến đây, ông hãy nói cho tôi biết, dân trong thành phố này sống thế nào?”. Cụ già liền hỏi ngược lại lữ khách: “Người dân ở thành phố nơi anh ra đi sống thế nào?”. “Họ ích kỷ và độc ác. Đó chính là lý do mà tôi ra đi” - lữ khách đáp. Cụ già nói: “Vậy thì anh sẽ thấy dân ở đây cũng vậy”.
Lúc sau, một lữ khách khác đến hỏi cụ già ấy câu tương tự: “Tôi vừa đến đây, ông hãy nói trước cho tôi biết dân trong thành phố này sống thế nào?”. Ông lão lại đáp bằng câu hỏi như lần trước: “Bạn hỡi, nói cho tôi biết dân ở thành phố nơi bạn ra đi đã sống thế nào?”. Lữ khách này đáp: “Thật tốt bụng và niềm nở. Tôi có nhiều bạn thân thiết ở đó. Thật buồn khi phải rời xa họ”. Ông cụ cười đáp với khách lạ: “Ở đây bạn cũng sẽ thấy vậy”.
Một nhà buôn đang cho lạc đà uống nước cạnh đó nghe được câu chuyện, thì đến hỏi ông cụ: “Này lão, sao lại có thể nói năng ba phải như vậy? Rõ ràng có hai câu trả lời quá khác nhau cho một câu hỏi!”. Ông cụ cười nói: “Vì mỗi người đều mang một thế giới của riêng mình trong trái tim!”. Vậy thì tôi chúc mừng vì thế giới trong trái tim của người phụ nữ chiều hôm đó là thế giới còn giữ được sự thanh đạm, ý vị và thuần khiết. Những phẩm tính làm nên thi ca này đã ngày càng xa lạ trong thế giới bị các phép tính vật chất làm cho mai một.
Bài thơ mà người phụ nữ kia đọc là gì, hẳn bạn sẽ hiếu kỳ muốn biết, và không khỏi thắc mắc: bản thân việc đọc bài thơ có ý nghĩa thế nào đối với nhân vật của chúng ta?
Bấy giờ, tôi thấy cô bước qua các hàng ghế và di chuyển về trung tâm sân khấu với khuôn mặt bình thản, từ tốn. Trong bộ váy trắng, mái tóc gợn nhẹ trên bờ vai thon, cô nhỏ bé và mong manh như thể muốn tan biến đi dưới ánh đèn vàng. Bằng cử chỉ thanh lịch, cô cúi đầu chào khán giả với nụ cười dịu lành. Ánh mắt cô mới là nơi nụ cười ánh lên rõ nhất, một niềm vui trong trẻo mà kẻ ngồi băng ghế cuối cùng có thể tương cảm được. Cô bật điện thoại cầm tay và mở file bài thơ. Khuôn mặt thanh tú của cô sáng lên nhờ ánh sáng của màn hình điện thoại. Đó là một bài thơ cũ. Bài thơ nói về hạt gạo đồng bằng miền Tây. Và cô sẽ đọc thêm một bài thơ khác, nỗi nhớ mùi khói đốt phân bò ở quê nhà miền Trung trong những năm tuổi thơ.
Khán phòng hiện đại, được thiết kế theo lối công năng, tối giản và thuần lý, hợp với các cuộc meeting về tư duy phát triển, luận bàn chính sách hay giáo dục khai phóng. Vậy mà cô lại đọc một bài thơ nói về khói đốt phân bò của nông thôn, và hạt gạo trắng của những thân phận trôi nổi miền Tây. Cô lại lần nữa, bằng sự mơ mộng, đi ngược với chính cái không gian mà cô xuất hiện. Những gì mà cô chọn trình bày cũng đi ngược luôn với cái phương tiện mà cô đang sử dụng để lưu trữ bài thơ - chiếc điện thoại với màn hình Retina cảm ứng. Ở đây, ta sẽ thấy sự kiên định lạ lùng của tâm hồn cô, như một tín đồ ký thác vào thứ tôn giáo có tên Thơ Mộng và Duy Mỹ, để đến nỗi ở đâu, cũng có thể nhìn thấu một nội tâm chất đầy hạnh phúc của sự thành tín vào Cái Đẹp.
Bây giờ thì cô đọc thơ. Khán phòng thinh lặng lắng nghe. Những ngôn từ trau chuốt được gọi về với độ bay bổng, thanh thoát. Chữ trong thơ, đã không còn là xác chữ như chữ trong cuộc đời đơn điệu. Câu trong thơ không còn là câu của sự cố định, của những logic rào chắn trước sau. Và những kho tàng tâm hồn, thông qua nhịp điệu và âm vang ngôn từ, nối thông với nhau, nối thông ký ức, nối thông hạnh phúc hay đồng điệu buồn đau. Vậy là thơ đến trong một đời-sống-thơ rộng mở, khi những tâm trí tự do và khắc kỷ đã vượt thoát được hiện thực cỗi cằn.
Vậy đó. Đó là lý do mà cô đi qua cơn mưa, trên chiếc xe ôm thời cước phí đang tăng vọt bởi giá xăng lên, vượt qua tính toán về đồng lương đang giảm ảnh hưởng tới chi tiêu thường nhật, vượt qua định kiến về người nghe thơ có thể đến từ thế giới khác - thế giới quen với các hoạch định vĩ mô, vi mô, khả thi và ưu việt của những mô hình chính sách… để đứng dưới ánh đèn vàng, phát đi tín hiệu hạnh phúc, thiết lập tương giao tốt lành, với niềm xác tín rằng sự mộng mơ không thể chết đi.
Con người và đời sống thi vị vẫn chưa tuyệt chủng!
Nguyễn Vĩnh Nguyên