Hơn 30 năm qua, dì dượng là tấm gương gia đình hạnh phúc kiểu mẫu mà con cháu lấy ra phấn đấu. Mẹ Nghi nói: “Đàn bà phải biết hy sinh vì chồng con như dì con, đàn ông phải biết nể vợ như dượng của con thì gia đình mới yên ấm được”.
Những lời mẹ dạy, chị em Nghi đều ghi nhớ kỹ. Thực ra trong mấy anh chị em họ hàng, nhà dì là khá giả và thành đạt nhất. 2 đứa con đều là thạc sĩ, có việc làm ở các tập đoàn nước ngoài, thu nhập cao. Dì dượng sở hữu nhiều tài sản, trang trại. Để có thành quả như ngày nay, đúng như mẹ Nghi phân tích, là sự hy sinh vun vén của dì suốt 30 năm.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm TPHCM, dì của Nghi mang tấm bằng đỏ về quê nhà miền Trung theo lời kêu gọi nhân tài của UBND tỉnh. Giỏi xã giao, chịu học hỏi, giành được uy tín với nhân dân, chỉ 3 năm sau khi tốt nghiệp, dì được đề bạt làm chủ tịch UBND xã. Dì là cán bộ trẻ nhất tỉnh giữ chức vụ này ở thời điểm đó, còn thuộc diện cán bộ quy hoạch của tỉnh nhà. Ông ngoại Nghi rất tự hào về cô con gái tuổi 25 “tiền đồ như gấm”. Đùng một cái, dì nằng nặc đòi lấy chồng, là người bạn học chung thời sinh viên, quê ở miền Tây.
Cả nhà ai cũng can ngăn, sợ con trai miền Tây ham vui, lo dì không hạnh phúc. Ông ngoại của Nghi giận run, tuyên bố từ mặt con gái cưng. Nhưng dì đã quyết, không ai cản nổi.
Dì theo dượng về miền Tây khởi nghiệp với nghề nuôi tôm. Con gái nhà nông, nhưng do gia đình khá giả, mẹ và các dì đều ăn học đến nơi đến chốn, dì chưa một lần chân lấm tay bùn. Lấy dượng, chỉ chưa đầy 10 năm, dì thành nông dân thứ thiệt. Lúc này, 2 con của dì và dượng đều lớn, tự đi học được ở trường cấp I, II của xã.
Dì khuyên dượng học thêm bằng thạc sĩ chuyên về nuôi trồng thủy sản để đủ uy tín nhận các dự án lớn về xuất nhập khẩu. Ban đầu, dượng chần chừ, vì nếu dượng đi học, gánh nặng việc nhà, việc trang trại, nuôi dạy con sẽ đổ lên vai vợ. Nhưng dì đoan chắc: “Em làm được việc nhà. Em đã bỏ tiền đồ của mình theo anh thì anh phải bù cho em bằng công danh chính anh có được”.
Thấy vợ quyết liệt quá, dượng đèn sách đi thi. Vốn thông minh, giỏi giang, 3 năm sau, Dượng lấy bằng thạc sĩ, rồi dì lại tỉ tê, dượng tiếp tục lấy bằng tiến sĩ, được trường đại học mời trở về giảng dạy. Vì công việc, dượng phải ngược xuôi Sài Gòn - Hậu Giang. Còn dì, cũng vì công việc, quanh năm với mấy vuông tôm, lo nhân công, lương, thưởng. Công danh của dượng rạng ngời thì trang trại nuôi trồng thủy sản của dì cũng phát triển không ngừng. 2 đứa con theo gương cha, học hành giỏi giang.
Từ giận dỗi, ông bà ngoại hết sức tự hào về con gái, con rể và 2 cháu ngoại. Mỗi lần họp gia đình, ai nấy đều trông vào hạnh phúc của dì, địa vị của dượng và sự thành đạt của 2 người em họ mà ngưỡng mộ. Dượng lại khiêm tốn, nghe lời, dì nói gì, dượng làm theo răm rắp…
Nghi nghe mẹ nói dượng nể dì, nên cô cũng quan sát. Dì muốn ăn nhà hàng nào, đưa gia đình đi chơi ở đâu… dượng đều chiều ý. Mười mấy năm trời, chưa bao giờ thấy dượng phản đối đề nghị nào của dì, giúp tiền gia đình nội bao nhiêu, hỗ trợ em út bên vợ những gì… toàn dì quyết.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Vậy mà giờ, đùng một cái, dì đòi ly hôn và kiện dượng phải bồi thường thanh xuân cho dì. Cả nhà ngạc nhiên vì theo mọi người dượng không bồ bịch, nghe lời vợ con, sống tử tế. Ra đường gặp ai dượng cũng khoe về dì: giỏi thu xếp việc nhà, nấu ăn ngon, dượng còn cảm ơn vợ đã hy sinh. Dượng nói về dì lúc nào cũng rất tự nhiên, rất chân thành, như nói bằng cả tấm lòng, yêu thương, quý trọng…
Dì “lý lẽ” trước lời khuyên giải của mẹ Nghi: “Vợ chồng bằng tuổi nhau mà giờ ra đường như đôi đũa lệch, em già hơn ảnh cả chục tuổi. Ảnh lên lớp quần là áo lượt, em ra trại tôm, áo khăn trùm kín, như bà già. Chống nắng cỡ nào cũng không giữ được làn da, mái tóc. Tay chân tiếp xúc nước phèn, nhăn nheo, đeo nhẫn, đeo vàng gì nhìn cũng thô kệch chẳng giống ai. Ảnh giao tiếp toàn người trí thức, em toàn gặp dân buôn. Mấy năm nay đám cưới con cháu, ảnh toàn đi một mình, có dẫn em theo đâu…
Để anh ăn học, em không tiếc gì cả. 3 năm, rồi 5 năm đó em không kể đâu chị. Nhưng mười mấy năm nay khi anh công thành danh toại thì sao? Những lần con bệnh đau, một mình em bưng con chạy hết trạm xá này đến bệnh viện kia, anh bận đi công tác. 2 lần em mổ, cắt bỏ hết tử cung, buồng trứng, là lần ảnh bảo vệ luận án tiến sĩ, đi hội thảo khoa học nước ngoài. Lần em té gãy xương chậu, ảnh đưa đoàn sinh viên trao đổi học thuật tại Nhật. Em phải đi chữa tạm ở bệnh viện huyện, người ta xử lý sai, còn cắt chạm làm teo gân.
Khi ảnh về, là 4 tháng sau, đưa lên thành phố thì muộn, làm bây giờ em đi chân bên thấp bên cao. Em hỏi chị, em đòi bồi thường tuổi thanh xuân có quá đáng hay không? Chị hỏi anh có lỗi gì mà em quyết liệt vậy ư? Cái lỗi vô tâm, vô tình, dửng dưng hưởng thụ tình yêu thương, công sức lao động, mồ hôi, nước mắt của người phối ngẫu không đủ xem là lỗi à?”.
Lát sau dì lại nói: “Em khóc cạn nước mắt vì tủi thân khi ngồi chờ con ở phòng cấp cứu, khóc vì bất lực khi mùa tôm thất bát lại đến sát ngày đóng học phí cho con ở 2 trường đại học mà chồng thì nói ráo hoảnh: “Tháng này anh lấy lương cho anh Tiến mượn hết rồi, vợ ảnh cần tiền đi sinh”. Em khóc đến nghẹn ngào khi biết chân mình không lành lặn được như xưa… Nước mắt em còn nữa đâu mà khóc hả chị?”.
Nghi lắng nghe và chợt bàng hoàng. Hóa ra, dì đòi bồi thường tuổi thanh xuân là có lý do chính đáng. Nhưng Nghi tự hỏi, những điều này dì hay đã có ai đó nói với dượng chưa?
Nguyễn Thụy