Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khi được đưa ra phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 31/5, đã thực sự làm nóng không khí kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14.
Những ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội đều tập trung làm sáng tỏ vấn đề ai và nơi nào là cơ quan thực hiện trách nhiệm bồi thường? Và nếu “tạm ứng” từ ngân sách để bồi thường, thì sau đó phải thu hồi như thế nào?
Những người bị án oan: Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén.
|
|
Trong văn bản đồng ý để Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận sử dụng 10 tỷ đồng từ ngân sách bồi thường cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, Bộ Tài chính đề nghị sớm xác định trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường đối với người đã gây ra án oan…
Như vậy, sau 7 năm, kể từ ngày ra đời Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước, vấn đề “ai làm nấy chịu” trong vấn đề xử lý oan sai cho công dân, mới được nhắc đến một cách nghiêm túc.
Tinh thần thượng tôn pháp luật, đã giúp Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước được hình thành rất nhanh chóng và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều bất cập, và dẫn đến tình trạng chưa có vụ nào có thể buộc người thi hành công vụ gây ra oan sai phải hoàn trả trong lĩnh vực hình sự.
Nguyên nhân được lý giải bằng nhiều góc độ khác nhau, nhưng quan trọng là những người “cầm cân nảy mực” vẫn chưa quen chấp nhận một cách chuyên nghiệp về những lỗi lầm quá khứ.
Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước có nhiều điều khoản cặn kẽ, nhưng quy định trong lĩnh vực hình sự thì phải là lỗi cố ý mới phải thực hiện việc hoàn trả. Đối với những người thi hành công vụ, có dễ xác định “lỗi cố ý” không, nhất là những vụ án ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản công dân? Rất khó, dù truy vấn gay gắt thì kết quả vẫn chỉ dừng ở mức “yếu kém nghiệp vụ” hoặc “thiếu tinh thần trách nhiệm”.
Trong một xã hội nhân văn, chẳng ai nhẫn tâm và bất lương đến độ “cố ý” đẩy người khác vào tù. Cơ quan công quyền tin như vậy, và công dân lương thiện cũng tin như vậy. Cái cam go duy nhất là khi đã xảy ra vụ án oan sai, thì chúng ta không thể đưa mắt nhìn nhau an ủi rằng mọi thứ do sự an bài trớ trêu của số phận. Phải có người chịu trách nhiệm chứ, xã hội pháp trị và xã hội văn minh không thể thờ ơ trước mất mát vô cớ và thiệt thòi cay nghiệt của bất kỳ người dân nào!
Chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi vừa qua, những người yêu chuộng công lý ở nước ta không chỉ bẽ bàng trước một “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén. Liên tục nhiều vụ án oan được lật lại, được phơi bày để cộng đồng chia sẻ với những người tù oan khác như Nguyễn Thanh Chấn, như Hàn Đức Long…
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được trả tự do
|
|
Nghĩa là số tiền mà ngân sách tạm thời bỏ ra không chỉ dừng ở con số 10 tỷ đồng bồi thường oan sai. Tiền tỷ từ ngân sách, nghĩa là tiền tỷ từ thuế do nhân dân đóng góp, không thể đội nón ra đi vì sự tắc trách của một vài cá nhân được giao phó sứ mệnh hành pháp và chấp pháp.
Theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, khi công chức gây oan cho công dân, trước hết Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường và sau đó Nhà nước có quyền yêu cầu công chức đó phải bỏ tiền túi đền lại ngân sách. Vì vậy, văn bản của Bộ Tài chính yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận truy cứu trách nhiệm hoàn trả số tiền bồi thường cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén là một động thái đúng đắn và tích cực.
Ít ra, văn bản của Bộ Tài chính đã đánh động rằng những ai gây án oan không thể xem như chưa có chuyện gì xảy ra!
Nếu Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước được áp dụng từ đầu năm 2010, thì đến năm 2015 có thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, TAND tối cao và Viện KSND tối cao nêu rõ trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ được chia làm 3 trường hợp.
Thứ nhất, đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì mức hoàn trả tối đa không quá 3 tháng lương của người có trách nhiệm hoàn trả. Thứ hai, đối với người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương. Thứ ba, đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Trong ba trường hợp trên, có lẽ dễ vận động người gây án oan đang còn tại vị chốn công sở sẽ tình nguyện gánh vác trường hợp đầu tiên là “lỗi vô ý” để hoàn trả 3 tháng lương cho ngân sách. Nhà nước đã chi ra 10 tỷ để bồi thường oan sai, mà cá nhân chỉ hoàn trả 10 triệu đồng, thì có phải một câu chuyện trớ trêu chăng?
Câu hỏi đặt ra: tại những buổi xin lỗi công khai dành cho những người tù oan, đã có bao nhiêu người từng gây ra án oan có mặt tham dự bằng tất cả sự thành khẩn và sự đường hoàng?
Bỏ tiền túi bồi thường cho ngân sách, chỉ là hành vi xã hội. Còn thái độ hối lỗi thực sự, mới là hành vi lương tâm. Trong một xã hội văn minh, ai cũng chờ đợi những người từng gây ra án oan, bằng đạo đức nghề nghiệp chân chính có thể đứng trước những người tù oan như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn hoặc Hàn Đức Long để thốt lên những lời tha thiết tận đáy lòng: “Tôi đã sai. Tôi xin lỗi!”.
Ngoài việc giữ gìn quan hệ giữa nhà nước và công dân, đó còn là vẻ đẹp giữa con người với con người.
Lê Thiếu Nhơn