Bội thực hoa hậu!

13/12/2017 - 20:38

PNO - Chỉ trong mười ngày đầu tháng 12/2017, có đến chín hoa hậu và á hậu xuất hiện ở xứ ta.

Thật lạ là, dẫu có nhìn theo hướng lạc quan nhất, tôi cũng thấy ngường ngượng khi gọi họ là “người đẹp”.

1. Mười năm trước, tôi về Tuyên Quang tìm “miền gái đẹp” như trong một bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, chỉ vì cái xứ này có quá nhiều... hoa hậu và theo như tin đồn thì vẫn còn vô số “hoa hậu” không chịu thi cử, ẩn khuất đâu đó trong những ngôi làng, các ngôi chợ nơi tỉnh lẻ ấy.

Boi thuc hoa hau!
Nhan sắc Thủy Hương là ví dụ điển hình cho lựa chọn của các cô gái - quyết bước ra thay đổi cuộc đời hay lặng lẽ tề gia

Và quả thật, tôi đã thực sự choáng khi thấy một minh chứng sống xuất hiện ngay trước mặt, lúc tôi ngồi ăn phở. Cô gái bưng phở tuổi độ đôi mươi, có làn da trắng mịn, đôi mày lá liễu, mắt bồ câu, chiếc mũi dọc dừa thẳng cùng cái miệng rất xinh, nở nụ cười khoe hàm răng trắng ngà trắng ngọc. “Sao em không thi hoa hậu?” - tôi hỏi khi cô gái đặt bát phở xuống bàn. “Em sợ phải cởi đồ ra để cho người ta ngắm nghía, chấm điểm” - câu trả lời nhanh nhảu cùng cái dáng mình hạc xương mai ấy nhanh chóng khuất vào trong quầy.

Mười năm sau, tôi về chốn cũ. Quán phở vẫn còn, nhưng người đẹp năm xưa đã không ở đó. Trên tường quán vẫn còn treo bức ảnh cô gái chụp vào cái thời ảnh mờ nét đang là xu hướng. Mẹ cô cho hay cô đã lấy chồng Hà Nội - một người bạn học cũ, khá thành đạt. Cô ở nhà, yên phận nữ công gia chánh, trong một cuộc sống êm đềm.

Ừ nhỉ, gái đẹp nơi quê kiểng xứ ta một thời là thế - thà sống với những quan niệm “cổ hủ”, còn hơn phải “cởi đồ ra cho người ta chấm điểm”, dẫu nhờ cái sự “cởi” ấy, nhiều cô gái đã đổi đời. Suy nghĩ của cô gái bưng phở đất Tuyên Quang, nếu đem soi dưới quan điểm “hiện đại”, có thể là quý giá, cũng có thể là dại dột. Quý giá vì vẫn giữ mình giữa muôn thị phi cho nhan sắc và dại dột vì đã không dám thay đổi hay nắm bắt cơ hội.

2. Từ quán phở và cô gái, tôi chợt nhớ đến Thủy Hương - người phụ nữ từng có ý kiến bình chọn là người đẹp nhất Việt Nam thời đương đại. Tôi từng phỏng vấn chị và được biết, hồi còn ở Tuyên Quang, dù là một cử nhân ngôn ngữ, nhưng khi lấy chồng, cuộc sống nhiều vất vả, người đẹp vẫn đứng bán quán phở và mở tiệm uốn tóc để lo toan cho gia đình.

Rồi cuộc hôn nhân trục trặc, Thủy Hương lăn theo chuyến xe cuộc đời, vào miền Nam cùng gia đình, bỏ lại ký ức buồn phía sau. Nếu không lọt vào ống kính của các nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải, Dương Minh Long hơn 20 năm trước, chắc giờ đây Thủy Hương vẫn là một nhan sắc ở đâu đó trong cuộc đời, thầm lặng với từng con chữ. Trường hợp Thủy Hương có thể xem là điển hình so sánh giữa việc “bước ra” và thay đổi cuộc đời hoặc “lùi vào” để sống cho yên.

Hiện nay, các cô gái tìm đủ mọi cách để xuất hiện nhằm tìm cơ hội đổi đời. Chiếc vương miện trở thành một giấc mơ lớn của không ít cô, và đó là cơ hội xuất hiện có vẻ được lựa chọn nhiều nhất. Cứ thế, các cuộc thi hoa hậu mọc lên như nấm mà chất lượng tổ chức lẫn nhan sắc đều rất đáng quan ngại. Các “mẫu hậu” cũng tìm đến những cuộc thi dành cho giới doanh nhân, phu nhân, quý bà, rồi “nữ hoàng” này “nữ hoàng” nọ, càng làm cho nhan sắc Việt trở nên... lộn xộn, diêm dúa khác thường.

3. Chín hoa hậu và á hậu vừa ra lò đều ở những cuộc thi là lạ, không ai biết ở đâu ra, không biết tổ chức để làm gì, cũng chẳng biết những người đẹp ấy mang vương miện lên đầu và sẽ làm gì để cứu rỗi thế giới này. Hoạt kê là trong số những hoa, những á hậu mới rụng xuống nhân gian đó, có cô từng lên báo nhận rằng mình phải phẫu thuật thẩm mỹ vì quá... xấu.

Họ thi để làm gì mà nhiều thế? Chắc khá nhiều người có thể trả lời được câu hỏi này. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, danh hiệu hoa hậu đã giúp quý bà Thu Hoài kinh doanh rất thuận tiện, trong lĩnh vực thẩm mỹ mà quý bà này đeo đuổi. Cũng như danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ đã biến Phạm Hương từ một cô người mẫu bình thường thành một người đẹp giàu có.

Nói thêm, các cuộc thi hoa hậu thực sự uy tín trên phạm vi toàn cầu, hoặc ở cấp quốc gia, dù thí sinh ở phân khúc lứa tuổi nào, những người đẹp qua dao kéo không bao giờ được vinh danh. Đó cũng là lý do mà ở xứ mình, cử một cô đi thi Hoa hậu Hoàn vũ, dù được fan tung hô rầm trời, bình chọn la liệt, tuyên bố hùng hồn, cũng chẳng thể lọt vào bán kết chỉ vì vẻ đẹp của cô đã dùng đến công nghệ làm đẹp. Vẻ đẹp đúng nghĩa thì dù thời nào cũng được tôn vinh. Ngược lại, dù có đội vương miện từ các cuộc thi nào đó, cũng chẳng thể thuyết phục được ai.

Nếu hỏi tôi nhớ ai trong số hàng chục hoa hậu, á hậu từ đầu năm đến nay, ở góc độ cá nhân, tôi sẽ trả lời rằng tôi chẳng nhớ ai cả. Mà hình như bạn cũng đâu có nhớ ai giữa cái rừng “thế giới người Việt”, “người Việt toàn cầu”, “phu nhân quý bà”… nhất là khi sau đó lại chèn thêm cụm “tại Mỹ” hay Pháp, Đức, Đài Loan… 

Những diễn viên, hoa hậu một thời như Diễm Hương, Thu Hà, Võ Sông Hương, Thúy Loan, Thanh Xuân, Ngô Thúy Hà... sau khi lấy chồng, đã lùi hẳn vào hậu trường để tránh cái “kiếp hồng nhan” vận vào mình. Nhưng khán giả vẫn nhớ đến họ như những vẻ đẹp thực sự.

Hoàng Nguyên Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI