Bội thu thí sinh xét tuyển bằng học bạ nhưng lại sợ ảo

26/08/2020 - 07:38

PNO - Dù số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vượt chỉ tiêu hàng chục lần nhưng các trường đại học vẫn không yên tâm vì tỷ lệ ảo có khi lên đến 70-80%. Một khi đã xác định điểm chuẩn mà vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì cũng không thể… hạ chuẩn.

Nguồn tuyển cao hơn chỉ tiêu vẫn lo sốt vó

Năm đầu tiên áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ nhưng Trường đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có hơn 25.000 thí sinh đăng ký xét tuyển với khoảng 120.000 nguyện vọng cho 1.000 chỉ tiêu. Trường chủ yếu ưu tiên cho thí sinh có học lực khá giỏi ở các trường trung học phổ thông (THPT) top đầu, trường chuyên, năng khiếu. Thế nhưng, đây cũng là nhóm thí sinh dễ ảo nhất vì các thí sinh này nộp hồ sơ xét học bạ chỉ để dự phòng. Khi có kết quả thi, thí sinh sẽ ưu tiên vào các trường và ngành “hot” như y dược, kinh tế… Do đó, trường vừa thông báo sẽ tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt hai.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: Tam Nguyên
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: Tam Nguyên


Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trường dành 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh để xét bằng học bạ, tương đương 1.400 chỉ tiêu. Đợt vừa rồi có hơn 7.000 hồ sơ xét tuyển nộp vào trường. Tuy nhiên, với số lượng này trường cũng không lấy làm vui, bởi theo kinh nghiệm, con số xét tuyển học bạ thường… không đáng tin. 

Vì sao? Thạc sĩ Phạm Thái Sơn giải thích: “Tỷ lệ nhập học theo phương thức xét học bạ rất thấp. Một thí sinh có quyền rải hồ sơ ở rất nhiều trường và thí sinh thường có tâm lý xét học bạ là phương án dự phòng, đối đế không trúng tuyển vào các trường xét bằng điểm thi mới vào. Thí dụ như trong hơn 7.000 thí sinh đăng ký xét tuyển thì có khoảng 1.000 thí sinh chính thức nhập học (sau khi có kết quả đậu tốt nghiệp THPT) là khả quan rồi. Số chỉ tiêu còn lại sẽ tuyển bổ sung tiếp trong đợt hai”.

Theo thống kê từ Phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, số hồ sơ nộp vào trường năm nay cao hơn nhiều so với năm 2019. Trường cũng đưa mức điểm chuẩn học bạ đợt 1 khá cao, dao động từ 24-25 điểm. Đánh giá tình hình năm nay, nhiều trường đều dành chỉ tiêu lớn cho xét học bạ nên tỷ lệ hồ sơ xét tuyển vào các trường sẽ ảo nhiều. Do đó, trường này cũng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung để bù ảo.

Tương tự, đại diện Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết, trong số 100 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ thì có khoảng 60 thí sinh “hứa” sẽ nhập học khi có kết quả tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, vị này lo lắng chưa biết lúc đó sẽ như thế nào. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có khoảng 7.000 nguyện vọng xét tuyển cho 25% chỉ tiêu (trong tổng số 6.600 chỉ tiêu). Dù nhìn trên số liệu thì nguồn tuyển đang nhiều hơn chỉ tiêu nhưng trường vẫn không khỏi lo lắng.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết, mỗi năm, tỷ lệ ảo của xét học bạ rơi vào khoảng 50-60%. Làm cuộc thăm dò nhỏ sẽ thấy mỗi thí sinh nộp ít nhất ba trường, lúc này tỷ lệ ảo ở mỗi trường cao hơn 30%. Kể cả xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ ảo cũng rất lớn nên mới có chuyện “lọc ảo”. Nhưng trừ hao bao nhiêu là vừa thì rất khó. Khó hơn là nếu đã công bố điểm chuẩn rồi, các trường sẽ không thể hạ chuẩn ở đợt đó. 

Điểm chuẩn quá cao dễ thiếu chỉ tiêu

Điểm chuẩn học bạ mà Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa công bố khiến nhiều người ngỡ ngàng vì quá cao. Ngành có điểm cao nhất là công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin và kinh doanh quốc tế lấy đến 29 điểm. Kế đến là logistics và thương mại điện tử, công nghệ kỹ thuật hóa học, sư phạm tiếng Anh với 28,75 điểm. Công nghệ kỹ thuật máy tính, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật y sinh, tự động hóa lấy 28,5 điểm. Các ngành còn lại trung bình từ 23-26 điểm. Với nhóm thí sinh có kết quả là học sinh giỏi của các trường chuyên, năng khiếu thì điểm chuẩn cao nhất là ngành robot và trí tuệ nhân tạo lấy trọn 30 điểm, kế đến là ngành sư phạm tiếng Anh 27,5 điểm…

Trường ĐH Tài chính - Marketing có kết quả xét tuyển cũng hết sức… ấn tượng. Đối với nhóm ưu tiên tuyển thẳng, ngành có điểm cao nhất là marketing lên đến 27,5 điểm, kế đến là kinh doanh quốc tế với 27,2 điểm. Các ngành còn lại có mức điểm theo tổ hợp từ 20-24 điểm. Đối với nhóm xét kết quả học tập THPT, ngành có điểm chuẩn cao nhất là kinh doanh quốc tế 28 điểm, kế đến là kinh tế 27,5 điểm, quản trị kinh doanh 27,1 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng công bố điểm chuẩn dao động từ 18-23 điểm. Ngành cao điểm nhất là công nghệ thực phẩm 23 điểm.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc các trường xác định điểm chuẩn học bạ đợt 1 quá cao sẽ rất mạo hiểm bởi con số ảo của hồ sơ học bạ rất khó đoán. Mỗi thí sinh có thể nộp cả chục hồ sơ, mỗi hồ sơ hơn 10 nguyện vọng. Trong khi cuối cùng mỗi thí sinh cũng chỉ nhập học vào một trường bằng một nguyện vọng. Đơn cử như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có hơn 25.000 thí sinh đăng ký nhưng lên đến 120.000 nguyện vọng mới thấy mức độ nguyện vọng ảo, thí sinh ảo rất khủng khiếp.

“Nếu lỡ không tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt trước thì phải chờ đợt xét tuyển sau xác định lại điểm chuẩn. Nhưng cái khó là càng về sau, nguồn thí sinh càng cạn, nhất là thí sinh điểm cao. Tuy trường chưa từng phải hạ điểm chuẩn nhưng cũng không thể chủ quan”, thạc sĩ Quốc Anh nhấn mạnh. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI