Bội thu tác phẩm từ trại sáng tác "Tiếp bước mùa thu rồi ngày hăm ba"

16/02/2022 - 13:13

PNO - Sau "Cây kèn và chiếc khẩu trang", Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm văn học từ trại sáng tác.

Sáng ngày 16/2, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức buổi ra mắt các tác phẩm văn học được ra đời từ trại sáng tác văn học Tiếp bước mùa thu rồi ngày hăm ba, được tổ chức vào năm 2021.

Bốn tác phẩm thuộc nhiều thể loại vừa được ra mắt: Cha tôi-nhà thơ Nguyễn Bính (ký sự nhân vật của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu), Dòng biên viễn (tiểu thuyết lịch sử, Hồ Thị Ngọc Hoài), Phù sa châu thổ (tập truyện ngắn, Hoài Hương) và Sài Gòn thở chậm hít sâu (tản văn, Trương Gia Hòa). Các tác phẩm đều do nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành.

Các tác phẩm vừa được ra mắt
Các tác phẩm vừa được ra mắt

Bà Lê Tú Lệ, Phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM cho biết, mỗi năm Liên hiệp đều tổ chức trại sáng tác cho các loại hình văn học-nghệ thuật. Riêng với văn chương, tác phẩm từ các trại sáng tác thường phải là các bản thảo thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hoàn chỉnh, rất ít khi là những tác phẩm riêng lẻ. Trước đây, Liên hiệp cũng từng tổ chức thành công trại sáng tác về chủ đề biển đảo. 

Những tác phẩm vừa ra mắt đều là các bản thảo được các tác giả hoàn thành tâm huyết trong nhiều năm. Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - con gái cố nhà thơ Nguyễn Bính cho biết bà ấp ủ bản thảo ký sự nhân vật viết về cha mình trong một thời gian dài. "Trách nhiệm với cội nguồn họ tộc, với con cháu nối tiếp đời sau, với cộng đồng độc giả hằng yêu mến cha tôi, điều đó đã cho tôi động lực, thôi thúc, ấp ủ trong tôi với mong muốn ghi chép lại một cách có hệ thống Hành trình sinh tử đời và thơ của cha tôi" - nhà thơ chia sẻ trong lời đầu sách.

Trong tập ký sự này, con gái thi sĩ Nguyễn Bính đã đi từ cội nguồn gia tộc đến cuộc "hành phương Nam" của nhà thơ Nguyễn Bính. Tác giả gom nhặt những kỷ niệm về cha mình, thông qua ký ức của nhiều người, từng chi tiết, dấu ấn chưa từng được nhắc nhớ về nhà thơ Nguyễn Bính đều được bà ghi chép lại. Trong nỗi nhớ của nhiều người, Nguyễn Bính là "nhà thơ của thương yêu", là "thi sĩ của hương đồng gió nội"...

Tôi thật sự xúc động khi đọc Cha tôi – Nhà thơ Nguyễn Bính, nhất là đoạn chị Nguyễn Bính Hồng Cầu viết rằng trong gia đình của chị, không có người con nào sống được với cha trên một ngàn ngày và cũng không có ai lưu giữ được trọn vẹn trong ký ức về hình ảnh cha mình. Đây có lẽ cũng là món quà ý nghĩa mà nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu trả hiếu cho cha mình và cũng là tác phẩm có giá trị dành cho tất cả những người đã yêu mến thi sĩ Nguyễn Bính, những nhà nghiên cứu” -  PGS.TS Võ Văn Nhơn nhận định.

nn
Từ phải sang: PGS.TS Võ Văn Nhơn, nhà văn Trầm Hương, nhà văn Hoài Hương và nhà văn-MC Phương Huyền trong ngày ra mắt các tác phẩm.

Chia sẻ ngày Dòng biên viễn ra mắt, nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài xúc động bày tỏ chị viết tác phẩm này với lòng tự hào về ý chí mở cõi của cha ông, và về vẻ đẹp văn hóa lịch sử của Việt Nam. Tiểu thuyết lịch sử luôn kén độc giả, viết về một nhân vật có rất ít tư liệu lịch sử như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lại vô cùng khó. Nhưng Dòng biên viễn đã nhận được rất nhiều lời khen và được ghi nhận, đánh giá xứng đáng từ hội đồng thẩm định bản thảo của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM. 

Với Sài gòn thở chậm hít sâu là sự trở lại sau một thời gian vắng bóng của nhà văn Trương Gia Hòa với văn chương. Chị rời công việc của một người biên tập và làm công việc của người thợ may, nhưng từng ngày nhìn ngắm thành phố, nhìn ngắm con người và nhất là trải qua đại dịch COVID-19, chị đã tiếp tục viết về Sài Gòn. Trong trang viết lần này của Trương Gia Hòa, có hình ảnh con người trong đại dịch, có cả những nỗi buồn...

"Với COVID, mọi thứ vẫn cứ mơ hồ phía trước nhưng chắc chắn một điều là tất cả chúng ta đều đã đổi thay. Có quá nhiều người quanh tôi bàng hoàng mất đi người thân mà không được nắm đôi bàn tay trong giờ ly biệt. Ai cũng thoắt một cái thành một làn khói bay lên. Nước mắt chảy tràn trong tim người ở lại, rồi ứ đọng, rồi cô đặc, thành một khối đau thương thật khó để tiêu tan…” (trích Khi sợi khói bay lên, trong tập tản văn của Trương Gia Hòa).

Tiểu thuyết lịch sử Dòng biên viễn của nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài
Tiểu thuyết lịch sử Dòng biên viễn của nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài

Tác phẩm Phù sa châu thổ của nhà văn Hoài Hương gồm 12 truyện ngắn và 5 tản văn. Nhà văn Hoài Hương đã viết những câu chuyện về thành phố, vùng đất phù sa châu thổ phương Nam cũng như về đề tài COVID-19. Covid đi qua, tình yêu ở lại, Và chiến thắng vì tình yêu cuộc sống…là những truyện ngắn được chị viết trong giai đoạn căng thẳng của dịch COVID-19.

Thực hiện bản thảo và in sách trong giai đoạn dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp là nỗ lực của tác giả, hội đồng thẩm định và của cả đơn vị xuất bản. Bốn tác phẩm được ra đời từ trại sáng tác hiện chỉ in số lượng 500 bản mỗi tựa. Hy vọng tác phẩm đến được với bạn đọc và sẽ có được sức lan tỏa riêng. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI