Bơi sõng câu, kéo nhá bắt cá mùa nước tràn đồng

14/12/2022 - 06:02

PNO - Mùa mưa lụt ở Phú Yên từ tháng 10 đến tháng 12, nước từ thượng nguồn sông Lỳ Lộ đổ về, tràn vô cánh đồng, nông dân kéo nhá (nhấc vó), bơi sõng câu (xuồng nhỏ) thả lưới bắt cá tôm cải thiện đời sống.

Nước bạc tràn đồng

Những ngày này, trên cánh đồng Tân Thọ, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, nước lụt tràn về đục ngầu gọi là nước bạc. Ông Võ Mười chuẩn bị lưới, lờ rồi vác sõng ra cánh đồng trước nhà thả lưới. Theo kinh nghiệm của ông, thả lưới mùa nước lụt phải gắn chì nhiều để lưới đè lúa chét nằm sát đáy.

Nông dân xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, Phú Yên đứng nhá
Nông dân xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, Phú Yên đứng nhá

Thả tay lưới xong, ông Mười lại chỗ bờ ruộng cao nhìn ra. Bầy vịt cỏ nhà trong xóm hụp lặn tìm rúc những con ốc, con tép gần bờ. Canh nửa giờ sau, ông Mười thăm lưới, trầm trồ: "Sau 10 năm mới có lại cá trôi. Loại cá này sống ở đầu nguồn sông Kỳ Lộ, mùa nước lụt cá theo dòng nước xuống đây đẻ rồi quay về nguồn. Trước đây vào mùa lụt, người dân ở đây thả lưới bắt được cá trôi, thời gian qua vắng bóng, năm nay mới có trở lại".

Gần đó có mấy người thăm lờ thả từ lúc con nước ngang đầu gối, cá mương, cá nhét và cá rô phi giãy đành đạch. Ông Nguyễn Văn Bình, đang trút cá phân trần: "Cá mương đem nướng không chỉ mình thèm mà cả xóm thèm. Còn cá sặc, cá nhét kho lá gừng. Trong các mùi cá kho thì kho lá gừng không tanh, kho thấm lửa, ăn là nghiền. Ở nhà quê mùa mưa lụt mà trong bếp không có hương vị món cá đồng kho lá gừng là dở".

Ông Nguyễn Văn Kiên, một người dân trong xóm, bơi sõng thả lưới. Trong khi chờ cá dính lưới, ông Kiên cột sõng rồi về ngồi trước hàng ba uống trà. Nhà ông Kiên quay mặt ra cánh đồng. Ngồi trong mái hiên, nhìn mưa lộp độp trên tàu lá chuối non, ông Kiên kể chuyện bắt cá đẻ.

Rạt lưới chuẩn bị thả
Rạt lưới chuẩn bị thả

Năm nay, nước lụt tràn vào đồng, đến tối lớn dần, có nơi ngập tới lưng quần, có nơi trên ngực người lớn… Ở đây người dân dùng phương tiện duy nhất là sõng câu để thả lưới đánh bắt cá. “Ngày trước, người ta bơi sõng thì mang theo 3 tấm lưới. Lưới 1 dít bắt được cá rô hột mít, cá trắng chỉ; lưới 2 nhặt bắt được con cá lúi, cá ngựa to bằng 3 ngón tay; còn lưới 3 rảng thì bắt cá to bằng bàn tay người lớn. Phải biết loại lưới nào thả chỗ nước cạn, lưới lớn thả chỗ nước sâu, đồng thời phải chọn hướng cá đi. Người ta cũng thường thả lưới cạnh bờ cỏ, lau sậy - nơi cá thường đẻ trứng. Những năm gần đây lưới 3 màng,  chỉ cần 1 tấm lưới cũng đủ bắt được nhiều cỡ cá” - ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, nghề thả lưới, đặt lờ mùa nước tràn đồng vừa đơn giản, vừa tiện lợi, ít tốn kém mà lại hiệu quả. Chỉ cần có một chiếc sõng và vài tay lưới, mỗi đêm cũng kiếm được vài ba ký cá, lươn, ếch là chuyện bình thường.

Ngồi trong nhà nhìn ra, thấy dáng người đội nón, mặc áo mưa kéo nhá, ông Kiên tiếp lời: "Mùa mưa lũ, nước từ sông Kỳ Lộ lớn nhanh, theo rạch bàu tràn vô ruộng. Nhà tôi ở cạnh cánh đồng, nhìn những người kéo nhá, thấy thật yên bình".

Cá lúi đuôi đỏ, thả đâu dính đó

Bơi sõng câu thả lưới ở Bàu Vườn, xã Xuân Sơn Nam, huyên Đồng Xuân, ông Phan Văn Tấn, thăm tay lưới gỡ cả ký cá lúi đuôi đỏ. Loại cá này, đầu, mình đều giống cá lúi ở sông, chỉ khác là đuôi màu đỏ. Ông Tấn cho biết, cá này mới xuất hiện gần đây, xương cá hơi cứng nhưng nếu biết ăn thì cứ đem kho rục xương hoặc bằm rồi vò viên. Nếu cá lớn thì lóc thịt bằm, chiên dầu rồi nấu canh chua lá giang, nấu ngọt hoặc dầm nước mắm ớt tỏi chấm rau.

“Đợt lụt trước có người thả lờ bắt cá trê lai, gần 2kg, rộng trong lu 3 ngày chưa lật bụng” - ông Tấn nói.

Nông dân xã An Định, huyện Tuy An thả lưới mùa nước bạc
Nông dân xã An Định, huyện Tuy An thả lưới mùa nước bạc
Nước bạc xuống bàu, nhiều người câu cá.
Nước bạc xuống bàu, nhiều người câu cá

Theo nhiều người, mùa mưa lụt cá sông, cá đồng ăn rất ngon. Theo ông Võ Văn Lai ở xã An Định, huyện Tuy An thì mùa mưa nước thượng nguồn đổ về, cá ở sông thì xuôi nguồn nước vô đồng, quãng đường đi 5-7 cây số; còn cá ở đồng thì cũng chạy đồng, như cá rô ức nước róc lên bờ. Cá “vận động” nên xương mềm, còn mùa nắng cá ở trong ao, ngoài sông thì quanh quẩn trong vực nên xương cứng, cộng với nước bạc nguồn thức ăn dồi dào, cá mập, ngon, nướng chảy mỡ.

Ông Lai còn kể, bây giờ người đi đứng nhá ban đêm sử dụng đèn pin, loại pin sạc; còn trước đây đèn pin khan hiếm nên họ cầm theo đèn lon (đèn làm từ lon sữa bò, đốt bằng dầu lửa). Có những đêm trời mưa dai dẳng, đèn dầu tắt, nước mưa thấm vào áo mưa choàng vai ướt bã người nhưng trúng cá nên ông cứ miệt mài kéo nhá, không muốn về.  “Theo nghề này có khi còn phải chạy lụt. Có ngày mưa to, nước từ đầu nguồn đổ về mạnh, mới thấy ngập mắt cá chân, loay hoay một chặp đã lên đến đầu gối. Không kịp rã nhá, tôi hối hả vác nguyên cả chà, cả gọng băng qua cánh đồng về nhà” - ông Lai nói.

Ông Trần Văn Tiên, cũng ở xã An Định, đang buông cần câu, tâm sự: "Nước xuống bàu là đi câu. Cần câu quất dùng 3 lưỡi, ngồi một lát cá ăn mồi quất lên xách nặng tay".

Cá mùa nước bạc nguồn thức ăn dồi dào, cá mập ngon béo, nướng chảy mỡ
Cá mùa nước bạc nguồn thức ăn dồi dào, cá mập ngon béo, nướng chảy mỡ

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Phú Yên cho biết: "Mùa mưa lụt, nông dân sống dọc theo sông Kỳ Lộ thuộc 2 huyện Tuy An, Đồng Xuân đi đánh bắt cá đồng cải thiện bữa ăn gia đình, vừa tăng thêm thu nhập. Sông Kỳ Lộ có nhiều cá đặc sản là cá mương, cá trôi…".

Út Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI