Chọn sai khó... quay đầu
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình mới cho khối lớp 10. Theo đó, bên cạnh tám môn bắt buộc (gồm cả môn lịch sử vừa được điều chỉnh thành môn bắt buộc), các trường phải xây dựng các tổ hợp môn tự chọn để học sinh lựa chọn tùy theo sở thích, năng lực. Sự lựa chọn tổ hợp này cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh phải xác định được định hướng nghề nghiệp tương lai cho con em mình ngay thời điểm này.
Tại TPHCM, chị N.T.L. (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết rất lo lắng vì chỉ trong thời gian ngắn sau khi biết tin con trúng tuyển vào Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) là phải đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp môn học cho con.
|
Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) tổ chức tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 cho phụ huynh và học sinh - Ảnh: P.T. |
Chị chia sẻ: “Với những học sinh nổi trội hẳn về tự nhiên hoặc xã hội thì đơn giản, nhưng con tôi học bình thường tất cả các môn nên tôi rất bối rối. Tôi nghe nói nếu học tổ hợp tự nhiên thì sau này còn có thể đổi qua xã hội được, còn nếu học tổ hợp xã hội thì rất khó để quay sang tự nhiên. Thế nhưng, nếu chọn tự nhiên thì không biết có nặng quá cho con không vì các môn này đòi hỏi tư duy nhiều”.
Chưa kể, chị phải cân nhắc xem chọn nghề nào hợp với khả năng của con, rồi nghề đó sau vài năm nữa nhu cầu xã hội có cần hay không. Từ đó, mới có thể quyết định chọn tổ hợp môn phù hợp, mà chọn xong thì cũng phải tùy vào điều kiện của trường mới biết được con mình có thể vào tổ hợp đó hay không.
Còn anh Huy Thảo (ngụ quận 6) thì yên tâm hơn vì con anh khá mạnh các môn tự nhiên, tuy vậy cũng phải cân nhắc kỹ giữa các tổ hợp tự nhiên mà trường đưa ra. Bởi anh cũng không thực sự biết lựa chọn tổ hợp nào mới là tốt nhất cho con, cũng như phù hợp với chương trình thi cử, tuyển sinh sau 3 năm nữa. Tổ hợp nào sẽ có nhiều “cửa” vào đại học và đem lại nhiều cơ hội việc làm hơn trong tương lai? Anh Thảo cũng rất lo ngại nếu chọn tổ hợp rồi sau này lỡ phải chuyển trường cũng khó khăn vì có thể trường mới không có tổ hợp mà con anh đang theo học.
Trường phải “liệu cơm gắp mắm”
Về lý thuyết, có đến 108 tổ hợp môn tự chọn, tuy vậy, các trường phải căn cứ trên số lượng học sinh cùng điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để xây dựng tổ hợp. Cho nên, phần lớn các trường chỉ đưa ra khoảng 5-7 tổ hợp và gần như không trường nào giống trường nào.
Thầy Huỳnh Đức Vịnh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (quận 3) - cho biết: Những ngày qua, trường đã triển khai tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học cho phụ huynh, học sinh khi làm thủ tục nhập học. Với 450 học sinh lớp 10, trường xây dựng 5 tổ hợp tự chọn, trong đó có 2 tổ hợp xã hội và 3 tổ hợp tự nhiên.
Thầy Vịnh thông tin: “Chúng tôi thành lập Ban tư vấn và tư vấn rất kỹ cho phụ huynh trên cơ sở năng lực học sinh, điểm học bạ, điểm thi tuyển sinh cũng như mong muốn của phụ huynh, học sinh. Việc lựa chọn tổ hợp vẫn do phụ huynh quyết định. Học sinh sẽ được đăng ký hai nguyện vọng là hai tổ hợp khác nhau. Căn cứ trên số lượng đăng ký và điểm thi của học sinh, trường phân bổ học sinh vào từng tổ hợp cho phù hợp. Nhà trường hỏi rất kỹ về nguyện vọng của học sinh vì nếu đã lựa chọn tổ hợp mà sau này thay đổi thì rất khó”.
Cô Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) - cho hay hiện trường tổ chức cho phụ huynh học sinh làm thủ tục nhập học trước. Sau đó, ngày 23/7, trường sẽ tổ chức cuộc họp toàn thể phụ huynh để tư vấn và trả lời tất cả thắc mắc liên quan đến việc lựa chọn tổ hợp. Lúc đầu, trường xây dựng 6 tổ hợp lựa chọn, nhưng sau khi môn lịch sử trở thành môn bắt buộc thì chỉ còn 5 tổ hợp. Theo cô Thanh, trường cũng đang lo lắng về việc thiếu giáo viên dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật và tin học. Do đó, trong năm nay có thể có môn chưa kịp triển khai giảng dạy, hoặc phải tính đến việc ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài. Tuy vậy, vấn đề kinh phí mời giáo viên là vấn đề cần cân nhắc.
Còn theo cô Nguyễn Hoàng Phượng Quyên - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh (huyện Bình Chánh) - với đặc thù huyện ngoại thành, đa phần phụ huynh không nắm về việc lựa chọn các tổ hợp mà đều “trông cậy” vào nhà trường. Do đó, trường chuẩn bị kỹ khâu tư vấn, trên cơ sở phân tích cho phụ huynh hiểu những tổ hợp nào sẽ gắn với những định hướng nghề nghiệp nào. Từ đó, căn cứ trên khả năng học tập của học sinh để phụ huynh có sự lựa chọn phù hợp nhất. Đối với việc xây dựng tổ hợp, về cơ bản trường đưa ra hai tổ hợp chính là tự nhiên và xã hội, trong đó có nhiều tổ hợp nhỏ, sau đó trên cơ sở lựa chọn của phụ huynh, có thể điều chỉnh số lượng tổ hợp cho phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết: Việc xây dựng tổ hợp phải hài hòa giữa nguyện vọng của học sinh với điều kiện của trường về cơ sở vật chất và đội ngũ, đảm bảo thực hiện đúng định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phân hóa dần ở các bậc học, trong đó môn tự chọn sẽ nhiều hơn môn bắt buộc. Sở đã có nhiều văn bản hướng dẫn và các trường cũng có nhiều phương án linh hoạt để đáp ứng nguyện vọng của học sinh lớp 10 ở năm học này. |
Minh Linh