Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cô nuôi dạy trẻ

28/12/2013 - 12:18

PNO - PN - Chiều 26/12, tại UBND P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM, lớp bồi dưỡng cô nuôi dạy trẻ của Hội LHPN TP đã được khai giảng. Lớp học đã bắt đúng mạch thời sự trong bối cảnh chất lượng bảo mẫu đang có nhiều bất cập.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Chương trình thiết thực

Đăng ký lớp học ngay từ những ngày đầu chiêu sinh, chị Diệp Thanh Thảo (ngụ 1024/19 Tỉnh lộ 10, TP.HCM) chia sẻ: “Mình đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non (MN), làm bảo mẫu hơn một năm. Nay, mình muốn mở nhóm trẻ nên đã đăng ký tham gia học lớp của Hội PN. Mình mong học hỏi nhiều hơn về kỹ năng chăm sóc trẻ; hiểu tâm lý trẻ nhỏ; đặc biệt là kinh nghiệm kiềm chế bản thân - một “căn bệnh” các cô bảo mẫu thường mắc phải nhưng không phải ai cũng biết cách “hãm”.

Đây là lớp học đầu tiên do Hội LHPN TP tổ chức. Lớp phổ biến kiến thức và bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho người nuôi, giữ trẻ trong các nhóm trẻ gia đình. Đối tượng là PN và người đang trực tiếp nuôi, giữ trẻ tại các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn quận, chưa qua đào tạo nghiệp vụ nuôi, giữ trẻ và đã học qua chương trình lớp 7 phổ thông trở lên. Thời gian học trong ba tháng vào tất cả các buổi tối trong tuần, gồm nhiều môn học như tâm lý trẻ MN, vệ sinh trẻ MN, phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ… Sau khóa học, học viên được cấp giấy chứng nhận của Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP.HCM.

Bên cạnh lớp học này, Hội LHPN TP còn tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ. Chị Huỳnh Ngọc Hương - bảo mẫu nhóm mầm non tư thục P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) thẳng thắn: “Chương trình của Hội PN rất thiết thực, chạm đúng nỗi lo lắng hiện nay của phụ huynh. Tham gia các chuyên đề dành cho bảo mẫu, chúng tôi được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách ứng xử và giao tiếp sư phạm; thực hành chế biến món ăn, cách bảo quản thực phẩm, xử trí khi trẻ bị hóc dị vật, điện giật, ngạt nước…”.

Boi duong nghiep vu cho co nuoi day tre

Tiết thực hành làm đồ chơi cho trẻ của lớp nghiệp vụ bảo mẫu do Hội LHPN Q.Thủ Đức tổ chức

Sẽ mở thêm nhiều lớp

Trước chủ trương đồng loạt đóng cửa, xóa nhóm trẻ gia đình không được cấp phép của TP.HCM, anh Văn Tôn Đạt - chủ nhóm lớp MN Đông Nam Á bày tỏ, biện pháp trên không khả thi nếu không muốn nói là “không thể thực hiện”, bởi nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh - nhất là công nhân, người nhập cư tại TP rất lớn. Tuy nhiên, cần chấm dứt, xử lý nghiêm những hành vi nuôi dạy trẻ phản giáo dục.

Là người theo sát Hội PN trong các buổi tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho người nuôi giữ trẻ, bà Lê Thị Thanh Nhã - Phó trưởng phòng Văn hóa gia đình thuộc Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết: Những vụ ngược đãi trẻ MN gần đây đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về an toàn của trẻ MN tại trường học. Trong đó, vấn đề lâu nay bị buông lỏng là quy hoạch, xây dựng các KCX - KCN, chủ các doanh nghiệp chỉ lo xây nhà xưởng, cơ sở vật chất mà chưa quan tâm đến con cái của những người lao động, chưa quan tâm xây dựng trường, lớp cho trẻ MN. Vì vậy, Nhà nước cần có quy định ràng buộc với chủ doanh nghiệp khi trình dự án quy hoạch xây dựng phải dành đất xây trường học cho con công nhân.

Bà Đinh Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN TP cho biết: “Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo mẫu trong lực lượng nuôi, giữ trẻ tại gia đình là một trong những giải pháp của Thành Hội nhằm hạn chế tình trạng “bảo mẫu không bằng cấp” hoạt động tràn lan như hiện nay. Sau khóa học, nếu chị em nào có nhu cầu tìm việc có thể liên hệ với Hội PN; hoặc có nhu cầu mở nhóm trẻ gia đình, Hội PN cũng sẽ hỗ trợ bằng cách cho vay vốn, giới thiệu vay tại Ngân hàng Chính sách… để các chị thuận lợi trong việc nâng cấp cơ sở, đầu tư trang thiết bị, đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của ngành giáo dục. Sắp tới Thành Hội sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều lớp đào tạo cô nuôi dạy trẻ ở nhiều địa bàn dân cư, đặc biệt là nơi có đông nữ công nhân, nữ lao động nhập cư”.

 Lê Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI