Bơi đi con!

16/07/2017 - 11:00

PNO - Cảm giác ôm cây chuối để nổi dưới nước của một đứa trẻ thế nào, mẹ đã từng biết. Và mẹ cũng từng hớn hở, vui sướng như con lúc này.

Bùm sắp lên lớp 3. Nghe nói ở trường, khi vào lớp 3 thì bơi là một kỹ năng bắt buộc, trường sẽ cho những học sinh chưa biết bơi theo học một lớp bơi nào đó. Biết con là đứa trẻ sống theo cảm hứng và thường có những đột phá bất ngờ, nên mẹ không dám ép con học bơi sớm như nhiều bạn.

Hồi lớp 1-2, trường nhiều lần tổ chức thi các môn vận động, lớp con cũng có bạn đoạt giải cuộc thi bơi, con rất ngưỡng mộ. Nhưng, khi mẹ hỏi: “Vậy con có muốn học bơi không?” thì con lắc đầu. Mẹ hiểu, con chưa sẵn sàng.

Boi di con!
Bơi đi con

Đầu hè năm nay, mẹ cho con về ngoại. Trước nhà ngoại có con rạch nhỏ xíu nhưng cũng ngày hai buổi nước lớn - ròng. Một bữa, con xin mẹ cho lội thử xuống rạch lúc nước cạn. Mẹ đồng ý và thấy vui vui. Những đứa trẻ ở thành phố về ngại xuống bùn vì nhìn rất bẩn. Nhiều lần, mẹ đã chỉ con rạch, kể ngày còn nhỏ, mẹ từng lội xuống đó mò cua, bắt hến và đã tập bơi ở con rạch này.

Hồi đó mẹ còn nhỏ xíu như con. Con rạch, trong mắt một đứa trẻ, chắc là mênh mông và kỳ diệu lắm. Mẹ tập bơi theo kiểu cho chuồn chuồn cắn rún để tự tin, ôm cây chuối để nổi và đập chân ùm ùm. Mẹ đã ôm rất nhiều cây chuối, cho đến lúc tức mình, buông tay khỏi cây chuối thì… tự nổi được. Cách học bơi của bố thì ngầu hơn. Bố kể, ngày nhỏ, ông nội có lần quẳng bố xuống sông, bố phải tự tìm cách nổi lên và bơi vào bờ. Thế là biết bơi! 

Không biết có phải vì ấn tượng chuyện cả bố cả mẹ đều biết bơi, hay ấn tượng với chuyện ôm cây chuối mà cũng lần về ngoại đó, con đã nhờ cậu Hai đốn cho con một cây chuối để lội. Nghe vậy, cậu Hai hớn hở chạy ra vườn và ôm vào ngay một cây chuối ném thẳng xuống con rạch. Để giúp con thêm mạnh dạn, cậu xuống rạch ôm cây chuối, đập chân chùm chũm bơi mấy vòng con rạch cho con xem mà bắt chước. Vậy là, con hớn hở khám phá.

Cảm giác ôm cây chuối để nổi dưới nước của một đứa trẻ thế nào, mẹ đã từng biết. Và mẹ cũng từng hớn hở, vui sướng như con lúc này. Thế giới nhìn từ con rạch lên rất khác thế giới nhìn từ bờ xuống. Ta sẽ thấy nhà cửa, đường đất như di động và luôn thay đổi như đang xem một cuốn phim. Mẹ nghĩ, con cũng đã cảm nhận được điều đó qua ánh mắt, nụ cười và niềm vui trong giọng nói của con: “Mẹ, con sắp bơi được rồi, con ôm cây chuối và nó nổi”.

Bơi đi con - mẹ khuyến khích từ trên bờ. Sau lần đó, con đồng ý để mẹ đăng ký đi học bơi ở câu lạc bộ. Ngày đầu, con có vẻ khổ sở vì chưa tự tin - cô giáo cũng bảo vậy, nhưng mẹ vẫn cứ nói với con ba từ: Bơi đi con! Tám ngày học bơi. Con chính thức trở thành một-chú-bé-đã-tốt-nghiệp-lớp-bơi. Ngày con bỏ phao ra và tự bơi 25m chiều dài hồ không có mẹ đi cùng.

Về nhà, con kể: “Mẹ, nếu mẹ đến hồ, mẹ sẽ thấy con bơi không cần bất cứ cái phao nào nữa đâu!”. Mẹ “Ừ” và lại “Bơi đi con!”. Con chạy khoe từ bà ngoại, cậu đến chú bác hàng xóm “thành tựu” của mình. Mẹ biết, đó là niềm tự hào khi con-học-được-một-kỹ-năng-cần-thiết. 

Mẹ cũng tin tưởng hơn vào cách mẹ nghĩ về con: “Với con, mẹ không được nôn nóng, ép buộc. Con sẽ luôn có đột phá, khi con muốn”.

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI