Bài viết Trích đoạn sân khấu kinh điển bị bôi bẩn - Xúc phạm tác giả, nhân vật và công chúng đăng trên báo Phụ Nữ số 37 đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của bạn đọc. Nhiều người làm nghề và khán giả bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc trước sự xuyên tạc ngày càng phổ biến, làm méo mó, dị dạng những trích đoạn, nhân vật từng làm nên tên tuổi nghệ sĩ, được nhiều thế hệ người xem yêu thích.
Khán giả cười nhưng coi thường nghệ sĩ
ĐD-NSƯT Ca Lê Hồng: Tôi quá hãi hùng, không thể lý giải được vì sao người ta có thể đem những tác phẩm nổi tiếng ra để bôi bác, làm cho nó trở nên dị dạng đến mức đó. Đâu là chuẩn mực của một tác phẩm nghệ thuật? Đâu là ý thức, đạo đức và trách nhiệm của nghệ sĩ (NS)?
ĐD-NSƯT Hoa Hạ: Tôi từng nhận được lời đề nghị dàn dựng một trích đoạn về các nhân vật lịch sử và phải đưa được yếu tố hài vào trích đoạn. Đến các nhân vật lịch sử mà còn muốn làm thành trích đoạn hài thì không còn gì để nói!
NSƯT Lê Tứ: Tôi không phản đối việc tạo thêm tiếng cười cho các lớp diễn, nhưng dị ứng với việc phải có tiếng cười bằng mọi giá, bất chấp tiếng cười đó phá vỡ tính cách nhân vật, phá vỡ giá trị của tác phẩm kinh điển.
* Điều gì đang khiến người ta quên mất những giá trị kinh điển để biến những giá trị đó thành trò bỡn cợt?
Tác giả Vương Huyền Cơ: Một số NS muốn mượn sự nổi tiếng của các trích đoạn, nhân vật. Nếu cá nhân biết tôn trọng tác phẩm, tôn trọng nhân vật và tôn trọng chính mình, họ sẽ làm cho trích đoạn, nhân vật đó đẹp hơn. Còn không, sẽ ngược lại.
NSƯT Lê Tứ: NS, diễn viên (DV) thích chọn những trích đoạn, tác phẩm cũ để vừa nhanh, vừa tiện. Không muốn lặ p lại cái cũ nhưng không có nhiều thời gian tập luyện để tìm tòi sáng tạo điều mới mẻ cho những trích đoạn đã quá quen thuộc, một số NS chọn cách bung mảng miếng, đổi lời thoại… và dễ dàng bị cuốn theo thị hiếu khán giả.
NSƯT Hoa Hạ: Rating của các chương trình là một thông số nguy hiểm. Những người tham gia, thực hiện các chương trình chỉ mải mê chạy theo rating để đạt lợi nhuận mà không cần quan tâm đến việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Guồng quay này vô tình đẩy một số NS trở thành sao và tự cho mình có quyền yêu cầu, chỉ định tiết mục buộc ê kíp thực hiện phải chiều theo sự sắp đặt của họ.
* Nhưng đó chỉ là hành xử của một số NS, không phải tất cả?
NSƯT Lê Tứ: Đành rằng đó chỉ là việc làm của một số NS có tên tuổi, nhưng ngay cả những người nổi tiếng còn làm những điều xằng bậy thì tránh sao khán giả khỏi ác cảm với NS, DV? Giới làm nghề đang bị “bôi bẩn” chính vì lối diễn hài dung tục, vô tội vạ của một vài người tự cho là họ nổi tiếng, tự cho mình có cái quyền muốn làm gì thì làm.
NSƯT Ca Lê Hồng: Nguy hiểm nhất khi đó trở thành gu diễn xuất của một số NS, DV. Những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật bị đảo lộn vì kiểu làm nghề vô tội vạ, thiếu ý thức, thậm chí thiếu luôn cả nhân cách của một số NS, DV. Đáng ngại hơn, khi kiểu diễn hài xàm, lối diễn mang các nhân vật kinh điển để hài hước nhảm nhí cũng bắt đầu manh nha ở sân khấu (SK) quần chúng. Những người hoạt động nghệ thuật không chuyên đang nhầm lẫn giữa những giá trị nghệ thuật và lối hài rẻ tiền do bị ảnh hưởng quá mạnh bởi kiểu làm nghề của một số NS nổi tiếng.
Tác giả Vương Huyền Cơ: Bản thân người NS có hiểu, nhiều khán giả cười khi xem NS diễn không phải vì họ tài năng, họ diễn quá hay, quá thú vị, mà cười vì sự điên khùng, nhảm nhí, cười kiểu diễn xuất uốn éo, lời thoại nhố nhăng… người NS đang mang lên sàn diễn. Phía sau tiếng cười là thái độ coi thường NS của khán giả. Tạo tiếng cười để khán giả tôn trọng mình mới là tài năng của người NS. Còn chọc cho khán giả cười để rồi họ nhìn NS như những người bất bình thường thì đó không phải là điều người NS chân chính muốn hướng tới.
NSƯT Hoa Hạ: Thường NS được mời ra nước ngoài là những người đã rất nổi tiếng. Những gì họ thể hiện dễ làm khán giả nhầm tưởng đây là “chuẩn hay” của nghệ thuật, là thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả Việt Nam nói chung.
Làm gì để ngăn trò bôi bẩn?
* Đem trích đoạn kinh điển ra để bôi bẩn, ai là người có lỗi lớn nhất?
NSƯT Ca Lê Hồng: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về người NS. Càng nổi tiếng, càng là NS có danh hiệu càng phải có trách nhiệm giữ hồn cốt cho nhân vật, cho tác phẩm. Cách họ mang văn hóa, truyền đạt thông điệp đến với công chúng còn thể hiện đạo đức làm nghề và nhân cách của người NS.