Sau khi báo phụ nữ lên tiếng về trích đoạn sân khấu kinh điển bị bôi bẩn trên hai số báo 37 và 38, nhiều độc giả tiếp tục phản hồi bày tỏ sự bức xúc về những câu chuyện cổ tích quen thuộc, các nhân vật kinh điển cũng bị các nghệ sĩ mang lên sân khấu thêm thắt, “sáng tạo” một cách thô thiển, để tìm tiếng cười hời hợt, gây phản cảm.
Vở Tấm Cám đang trong cơn sốt vé kéo dài ở sân khấu (SK) Idecaf nhận không ít chỉ trích của khán giả khi ở rất nhiều lớp diễn, mẹ con nhà Cám đã quá đà tung hứng với những câu thoại tự nhiên chủ nghĩa. Câu chuyện quen thuộc gắn bó với nhiều thế hệ, được nhắc nhớ để răn dạy về cách sống ở hiền gặp lành đã bị “chêm” vào nhiều chi tiết không thể chấp nhận.
Chẳng hạn, miếng trầu do Cám têm bị mẹ Cám ví như… chất thải của con người. Từ tục này được diễn viên nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Khắc họa tính cách nhân vật ở tuyến đại diện cho cái ác là cần, nhưng không phải bằng những cách thức phi nghệ thuật. Hay ở lớp diễn trước khi hát bài Bống bống bang bang, mẹ con nhà Cám lại nói trại thành “bóng” để ám chỉ những người đồng tính và “quăng bắt” khá dài quanh chủ đề này. Nhiều từ trong câu thoại của các nhân vật được diễn viên “phăng” ra thêm khi cao hứng, chẳng hạn từ “quất” để ám chỉ chuyện người lớn. Có nhiề khán giả thiếu nhi đi xem vở này cùng cha mẹ, thật may là các em nghe ngơ ngác không hiểu!
ĐD Nguyễn Hồng Dung, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, con gái cố soạn giả Nguyễn Thành Châu bức xúc cho biết: “Tôi biết có rất nhiều nghệ sĩ (NS), diễn viên, trong đó có cả những NS tên tuổi sử dụng trích đoạn Nghêu Sò Ốc Hến của ba tôi và thêm bớt lời thoại một cách vô tội vạ, thậm chí “trây trét” để tạo tiếng cười dễ dãi trên SK. Nhưng họ chỉ diễn một cách lén lút ở đâu đó, trong các chương trình tạp kỹ, trích đoạn… mà chưa dám công khai trên truyền hình. Có lẽ do họ còn ngại bị tôi phản ứng, khi tôi không còn đủ sức phản ứng thì… chưa biết sẽ ra sao”.
“Sốc” với Kim Trọng - Thúy Kiều - Thúy Vân - trong chương trình Danh hài đất Việt
Việc mượn tên tuổi các nhân vật trong những tác phẩm kinh điển để dàn dựng méo mó theo cách của người làm cũng không còn là chuyện hiếm. Mới đây, trong chương trình Danh hài đất Việt số 48, phát trên kênh THVL1 ngày 30/3, khán giả sốc khi xem trích đoạn Xàm do NS Minh nhí làm đạo diễn kiêm diễn viên cùng sự tham gia của Long Nhật và Anh Vũ. Hai chị em Thúy Kiều - Thúy Vân bị biến thành hai bà “bóng” do Minh nhí và ca sĩ Long Nhật đóng.
Ngay từ đầu trích đoạn, người xem đã không thể chấp nhận kiểu vừa õng ẹo, lắc hông lắc ngực vừa hát “Con gái bây giờ thích làm ngơ. Con gái bây giờ hay hững hờ…” của Thúy Vân - Long Nhật. Càng xem càng không thể chịu nổi những hành động thô thiển, giọng cười khả ố, lối xưng hô mày tao, gọi Kim Trọng là thằng và lời thoại xàm bậy kiểu: “Chị em tỷ muội loi nhoi như dòi”, “Lâu lâu cha mẹ mới cho tỷ muội mình ra đứng đường” hay “Sao bà mê trai quá vậy?” của Thúy Kiều - Thúy Vân.
Kim Trọng của Anh Vũ hết chào Thúy Vân - Thúy Kiều là “Chào hai bà thím lanh chanh”, lại nói “Có khi tui tưởng mình nói chuyện với giang hồ”… Dù trích đoạn khép lại bằng lý giải đây chỉ là một cảnh tập tuồng của những nhân viên hậu đài, mơ ước được trở thành NS, nhưng đó là ngụy biện. Khán giả tử tế có đủ bình tĩnh, kiên nhẫ n xem hết trích đoạn để biết đó chỉ là màn kịch của những nhân viên hậu đài?
Chuyện diễn cương, mạnh ai nấy thoại lời một cách ngẫu hứng, bất chấp nội dung kịch bản gốc, tính cách nhân vật, thi thoảng bị phản ứng trong những tiết mục tấu hài trước đây, giờ trở nên phổ biến. Trong xu hướng lựa chọn những chương trình, tiết mục đơn thuần chỉ để giải trí, cười vui giúp giảm bớt căng thẳng của cuộc sống hiện đại, tiếng cười đang bị “dị dạng” hóa và người NS dường như chỉ dễ dãi chạy theo tiếng cười mà bất chấp tất cả.
Ý thức của người NS trong sáng tạo nghệ thuật không phải là chuyện mới mẻ, mà đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Một số thành viên Hội đồng nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM nhiều lần bức xúc khi phát hiện ở không ít vở diễn, bản dựng để phúc khảo và bản biểu diễn chính thức khác nhau một trời một vực. Sự khác biệt ở đây không phải là làm hay hơn, chỉn chu hơn mà là những "sáng tạo" vô tội vạ, dung tục vốn không được đưa vào bản dựng phúc khảo để tránh bị kiểm duyệt.