Người Việt coi chuyện nhận xét hình thức người khác như một lời hỏi thăm, quan tâm hay đùa thân mật, mà không biết rằng từ lâu trên thế giới, “body shaming” (miệt thị thân thể người khác) không được chấp nhận, thậm chí phạm luật.
|
Nhiều người mất vui, mất ăn mất ngủ vì bị mỉa mai, chê bai, chỉ trích- Ảnh minh họa |
“Bệnh” thường gặp
Hành động phổ biến của “bệnh” này là chê cười, chế giễu, hạ thấp cơ thể người khác bằng những lời nửa đùa nửa thật. Người thực hiện thường không chú ý đến cảm xúc của nạn nhân, nhưng những lời chê bai tác động tiêu cực đến người bị chê.
Trên thực tế, có nhiều “vết thương” gây ra trong giao tiếp do những nhận xét về cơ thể hình hài của người khác và đó thực sự là một hình thức bạo hành tinh thần, cảm xúc.
Nhiều người mất vui, mất ăn mất ngủ vì bị mỉa mai, chê bai, chỉ trích. Có người “xù lông nhím” đáp trả, tưởng sẽ đỡ ấm ức, chẳng ngờ dẫn đến những tranh cãi không hồi kết. Có người chọn cách phớt lờ, “giả điếc”, chặn liên lạc, giữ im lặng để đối phó với các kẻ quấy rối… “Body shaming” có mặt khắp nơi, tạo thành cái vòng luẩn quẩn giữa bình phẩm và phán xét nhưng đều đi đến kết quả là gây tổn thương.
Đùa mà chẳng vui chút nào
“Triệu chứng” của bệnh body shaming rất dễ nhận biết. Người “mắc bệnh” thường bình phẩm một cách tiêu cực ngoại hình, cơ thể người khác: “Ô nãy giờ tui tưởng bà ngồi, hóa ra là đứng à?”, “Đen vậy mà cũng có thằng rước”, “Gầy trơ xương, xúc phạm người nhìn”, “Mập quá, lăn nhanh hơn đi”…
Những câu nói vô tình đôi khi tác động lên nhân cách. Như trường hợp của bé H. Mới đi mẫu giáo, bé đã bị bạn bè chê xấu, chê đen rồi cô lập, tẩy chay. Bé trở nên đố kỵ, ghen ghét những đứa trẻ bụ bẫm trắng trẻo. Có lần đi chơi công viên, nhìn thấy một bạn gái xinh xắn chạy ngang qua, bé H. ngáng chân làm bạn té sấp mặt.
Bé K. thì bị chê gầy từ nhỏ. Ai cũng nói ráng ăn nhiều cho mập. Dịp sinh nhật bạn, gặp món khoái khẩu, K. gắp lia lịa không phần ai. Bị nhắc nhở thì bé nói: “Con gầy nên con được quyền ăn nhiều hơn”.
Một thiếu nữ tròn trịa và gương mặt O-line (chứ không V-line) từ nhỏ bị gọi là “bánh bao xá xíu”, “bóng bay”, “xe lu”… Đến khi có người yêu, anh chàng hay giỡn: “Đi nhẹ nhẹ thôi kẻo sập nhà”, “Em mập nhưng thông minh”, “Vậy thôi nha, tăng cân nữa có ma ngó”…
Cô gái nghe thì thấy khó chịu. Góp ý thì anh bạn trai nói: “Sao lại giận, chỉ là nhận xét thôi mà? Bộ xấu mà cứ muốn người ta phải khen đẹp hả?”. Cô gái tâm sự: “Biết tính ảnh có sao nói vậy, nhưng em vẫn buồn lắm. Sao không nói về cái tốt đẹp mà cứ chê bai hoài vậy?”.
Các cô con dâu cũng thường là đối tượng bị mẹ chồng “body shaming”. Một giáo viên tâm sự: lần nọ, nhà có khách ở quê lên chơi khen cô có da có thịt, mẹ chồng liền bảo: “Chị ấy ăn hết của chồng, con”.
Cô giáo giận quá phản ứng ngay: “Con ở với mẹ bao nhiêu năm, con chăm sóc con trai mẹ, cháu mẹ và mẹ như thế nào, con tưởng mẹ phải là người hiểu nhất. Đến mẹ mà cũng nói câu ấy. Béo đâu phải là một cái tội ạ!”. Ai nấy im lặng, mẹ chồng cười gượng bảo rằng bà nói đùa.
Cô giáo chốt: “Sao lại mang con ra làm trò đùa. Như thế là mẹ xúc phạm con. Mẹ có thể cho đó là chuyện bình thường, nhưng con thì không!”. Sau cuộc “khởi nghĩa”, tuyệt nhiên không thấy người nhà còn chọc cô giáo kiểu đó nữa.
|
Điều đáng nói, không ít người còn miệt thị chính ngoại hình của mình- Ảnh minh họa |
Thú chê bai người khác
Có người không bày tỏ “body shaming” trước mặt, nhưng hay chê bai sau lưng: “Chú voi con ở Bản Đôn kia mà là con gái à?”, “May mà cậu không mập ú như bà đó!”, “Anh ta ẻo lả quá, xấu hết phần mọi người”…
Một số người rất hứng thú phán xét hình thức người khác thông qua các nhận xét giới tính: “Con gái con đứa xấu thế này… chó nó lấy”, “Mặt cũng xinh mà màn hình phẳng lì”, “Con bé ấy thuộc dạng cá rô đực”…
Không ít người thích sỉ nhục, hạ thấp danh dự người khác chỉ vì họ… sexy: “Mới cấp III mà ngực như gái ngành!” , “Tay chân lông lá thế này dâm lắm”…
Điều đáng nói, không ít người miệt thị chính ngoại hình của mình bằng cách tự chấm điểm hoặc so với người khác, chẳng hạn: “Mình chỉ như cái… quần lửng khi đứng cạnh anh ấy” (lùn), “Tóc thế mới gọi là tóc chứ, đâu xù và quăn tít như mình”, “Mắt mình bồ câu con đậu con bay” (lé mắt), “Ước gì mình được như cô ấy!”.
Có thể thấy những cuộc chiến trên mạng xã hội ban đầu chỉ bắt nguồn từ lời “body shaming”, nhưng nhiều phe phái tham gia, tranh cãi không có hồi kết, thậm chí dẫn đến đe dọa bạo lực ngoài đời thực.
Nhiều người mất vui, mất ăn mất ngủ vì bị mỉa mai, chê bai, chỉ trích. Ban đầu, nạn nhân của “body shaming” chỉ buồn bã, tủi thân, tự ti về cơ thể của mình. Sau đó mức độ tăng dần đến thất vọng, chán ghét bản thân, trở thành nỗi ám ảnh, cuối cùng là phó mặc, mất hết niềm vui sống, “chỉ muốn chết cho xong”.
Làm ơn đừng... vạ miệng
“Body shaming” có mặt khắp nơi, tạo thành cái vòng luẩn quẩn của những nhận xét, bình phẩm, miệt thị, hạ nhục và đều gây ra những vết thương sâu hoắm, khó lành.
Tệ hơn, chuyện “dìm hàng” còn liên quan đến sinh lý ở cả hai giới.
Nếu có người vợ lãnh cảm chỉ vì bị chồng cười cợt thân hình “thùng phuy di động” sau mấy lần sinh nở thì cũng có ông chồng mất khả năng chăn gối sau khi nghe vợ buôn chuyện với nhóm bạn học về kích thước “súng ống” và khả năng “trận mạc” của mình.
Những cặp vợ chồng hay “vạ miệng” này dễ nổi cáu bất chợt, lạnh nhạt gối chăn, bất mãn với người bạn đời.
Chê bai cơ thể nhau chỉ vui, vô hại khi giúp kết nối những người có đầu óc hài hước, biết đùa và thích đùa, cùng chung một khuyết điểm nào đó (hội hói đầu, hội “bầu vĩnh viễn”, hội “bán than”…) hoặc được xem là cách thể hiện sự thân mật giữa những người bạn thân thiết.
Còn lại, xin hãy cẩn trọng khi phát ngôn hay gõ một chữ trên mạng xã hội liên quan tới thân thể, hình thức người khác, kẻo ngay sau đó, bạn sẽ là nạn nhân. Không vui đâu!
Bác sĩ Lan Hải
|
Ước gì mình được như cô ấy- Ảnh minh họa |
Tổ chức Ditch the Label sau nhiều năm thu thập dữ liệu đã công bố: 50% dân số thế giới không bao giờ hài lòng với cơ thể mình. Nghĩa là khoảng một nửa thế giới đã tự tước đi cái quyền được tạo hóa ban tặng từ khi sinh ra: quyền yêu thương trân trọng bản thân.
Nhiều hình ảnh trên truyền thông kèm theo câu tuyên ngôn tuyên chiến với thói “body shaming” đáng chê trách: My body is not your business! (Thân thể của tôi không phải là việc của bạn!)
|