Từ đầu tháng 11/2016 đến nay, được sự hỗ trợ của nhóm “hiệp sĩ đường phố” và lực lượng công an, qua nhiều ngày theo dõi, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM đã bóc trần thủ đoạn của một nhóm nữ “cái bang” giả làm người tàn tật để bán vé số dạo, xin tiền.
“Hành nghề" vài giờ, thu bạc triệu
Dù mới 21g, đoạn đường Tân Sơn (khu phố 4, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) khá vắng vẻ. Bất chấp dòng xe phóng nhanh, ngay sát lề đường, một phụ nữ trườn dài nằm sát mặt đường. Ở tư thế trườn, bò, người này một tay đưa xấp vé số vẫy vẫy, một tay ôm đứa con nhỏ khoảng hai tuổi, lem luốc, gật gù như đang thiếu đói, mệt mỏi, mất ngủ. Trên cổ chị này quàng một chiếc túi màu đen để đựng sổ dò và tiền thu được từ khách đi đường.
|
Hai vợ chồng thay nhau đổi vai đóng giả người tàn tật: tháng 8/2016, vợ chở, bế chồng “hành nghề”; đến tháng 11/2016 thì ngược lại (ảnh cắt từ clip) |
Chỉ trong khoảng một giờ quan sát, chúng tôi thấy nhiều người đi đường dừng lại. Một đôi nam nữ đi xe Air Blade trờ tới, hỏi han con gái nhỏ rồi dúi vào tay người phụ nữ vài tờ 20.000đ; một số người chạy ô tô cũng dừng lại nhận vài tờ vé số và đưa tờ 50.000-100.000đ nhưng không lấy lại tiền thối. Trong một giờ đồng hồ, xấp vé số khoảng hơn 100 tờ không vơi đi bao nhiêu, nhưng số tiền mà người phụ nữ này nhận được thì rất nhiều.
Nếu không được anh Hùng (49 tuổi, ngụ Q.Tân Phú), một “hiệp sĩ” chuyên đeo bám, cảnh báo những thủ đoạn giả người tàn tật của bọn bất lương ăn xin, bán vé số, chúng tôi khó có thể hình dung người phụ nữ tàn tật tội nghiệp kia chỉ đang “đóng giả”, cốt để kiếm tiền từ sự thương hại của người đi đường.
Theo anh Hùng, người phụ nữ kia chính là người mà cách đây hai tháng đã bồng bế người chồng của mình, giả làm người tàn tật, từng lê lết trên đoạn đường này. Để chứng minh, anh Hùng đưa chúng tôi xem những đoạn clip anh quay vào tháng 8/2016. Trong các clip được quay vào nhiều ngày khác nhau là cảnh người đàn ông đang lê lết trên đường.
Hàng ngày, cứ khoảng 18g, người này được vợ đèo trên chiếc xe gắn máy, rời hẻm 477 đường Âu Cơ (thuộc P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM); mỗi khi đến điểm “hành nghề” hay rời khỏi điểm này, người đàn ông đều được vợ bồng lên, đặt xuống. Anh ta thường mặc quần rộng, bên trong mặc thêm một lớp nữa phủ kín đến gót chân nhằm che giấu bàn chân “lành lặn 100%” của mình. Nhằm lấy lòng thương cảm của mọi người, anh ta cố lê lết một cách khó nhọc trên đường. Có hôm trời đang mưa, anh ta vẫn lê lết dầm mưa, khiến nhiều người thương cảm dừng lại cho tiền.
Tuy nhiên, khác hẳn với cảnh tàn tật, từng bước khó nhọc, khi được chở về nhà, cũng chính người đàn ông đó bước xuống xe, đi đứng khỏe mạnh và đếm tiền, khoảng 5-6 triệu đồng/đêm. Clip này đã được một tờ báo đăng tải, khiến nhiều người phẫn nộ.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã xác định được người đàn ông trong clip tên N.T. Tiên, 25 tuổi, quê ở tỉnh Phú Yên và phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, vài tuần sau, ngày 19/10/2016, Tiên cùng vợ tái xuất. Lần này, người tàn tật là vợ, còn người bồng vợ lên xuống xe, đưa về, chính là Tiên.
Anh Hùng kể: “Lần khác, khoảng 22g30, tôi phát hiện một thanh niên khoảng 20 tuổi đang bò lết giả liệt hai chân. Khi biết chắc chắn là đối tượng chỉ giả bị liệt, đánh vào lòng thương hại của người đi đường, tôi quyết định đi đến, áp giải gã trai này về Công an (CA) P.Phú Trung. Tại đây, tay thanh niên này hiện nguyên hình là người khỏe mạnh, đi lại bình thường, xin mấy anh CA thông cảm… bỏ qua”.
Lật mặt
Khoảng 10g ngày 16/11, "hiệp sĩ" Hùng gọi điện thoại cho chúng tôi, thông báo có nhóm “cái bang” hành nghề. Chúng tôi rong ruổi trên đường Quang Trung, từ Chợ Cầu, Q.12 hướng về Q.Gò Vấp.
Khi đến khu vực trụ sở của hãng xe Mercerdes, thuộc P.8, Q.Gò Vấp, chúng tôi phát hiện một phụ nữ đang lết trên đường, hướng về chợ Hạnh Thông Tây, áo phông trắng rộng thùng thình, quần ống bít đến tận gót chân, phía dưới hai cùi chỏ đặt hai miếng lót, một tay cầm vé số, một tay lướt đi, đôi chân thẳng đơ.
Bất chấp nguy hiểm, đường đông xe cộ qua lại, chị ta cố nhoài ra cách lề đường khoảng 1m để mọi người thấy rõ “tình trạng bi đát” của mình. Chúng tôi quyết định áp sát, yêu cầu đứng dậy, tránh ảnh hưởng đến người đi đường. Thấy chúng tôi không phải là “khách hàng thân thiết”, cô gái trừng mắt: “Em tàn tật bán vé số, mấy anh không ủng hộ thì thôi, sao lại kiếm chuyện”.
Sau đó, cô ta nhanh tay móc điện thoại gọi ai đó. Chỉ trong tích tắc, một người đàn ông chạy xe gắn máy đến; thấy chúng tôi đang quay phim, anh ta trừng mắt, nhanh chóng bế cô gái đặt lên xe rồi đột ngột đấm thẳng vào mặt anh Hùng là người đang cầm lái cho tôi quay phim. Khi anh Hùng phản ứng, thanh niên này liền lên xe chở cô gái đi. Chúng tôi bám theo thì phát hiện có hai đối tượng theo sau. Anh Hùng cho biết, đây chính là vợ chồng tên Th. và L., khoảng ngoài 20 tuổi mà báo chí đã đề cập cách đây vài tháng.
Khoảng 21g đêm, chúng tôi trở lại cung đường Tân Sơn, khu vực trước chốt tổ bảo vệ dân phố 4 thì phát hiện vợ Tiên đang hành nghề phía bên kia đường, hướng về đường Quang Trung. Cách đó khoảng 50m, Tiên cho xe máy dừng sát bờ tường rào, hút thuốc, cảnh giới cho vợ con hành nghề. Quyết định đêm nay sẽ bóc mẻ chuyện làm ăn phi pháp của đôi vợ chồng này, anh Hùng gọi thêm hai “hiệp sĩ” trong nhóm đến hỗ trợ.
Phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM đã gọi điện báo CA P.15, Q.Tân Bình. Sau 5 phút, lực lượng CA cùng dân phòng đã đến chỗ vợ Tiên đang hành nghề, yêu cầu kiểm tra chứng minh nhân dân. Khi thấy bóng CA, người phụ nữ giật mình, chống chế: “Khổ quá nên bọn em mới bán vé số, giấy tờ em không mang theo”. Ngay lúc đó, Tiên cũng xuất hiện. Lực lượng chức năng yêu cầu vợ chồng Tiên về phường làm việc.
Trên đường trở về trụ sở CA, đến đoạn Lý Thái Tổ - Phạm Văn Bạch, Tiên tăng ga bỏ chạy, nhưng lực lượng chức năng đã áp sát, yêu cầu vợ chồng Tiên chấp hành. Tại trụ sở CA phường, chúng tôi trưng các clip đã quay cảnh Tiên hành nghề trước đó bị phát hiện đóng giả bại liệt và clip quay vợ Tiên đang hành nghề hiện tại cung cấp cho cơ quan chức năng.
Lúc này, khi biết chuyện mình đóng giả bị bại lộ, N.T.N.H., SN 1993, ngụ huyện Phú Hòa, Phú Yên, vợ Tiên, tiếp tục chống chế: “Em không lừa đảo ai cả, em bị u xơ mới mổ, chân yếu, không đi được nên mới phải lết thôi”.
Tiếp chuyện với phóng viên, N.H. cho biết, do ở quê nghèo khó, hai vợ chồng vào TP.HCM cùng hai đứa con nhỏ, đứa nhỏ nhất hai tuổi. “Em bán số ngày 100 tờ, mỗi tờ chỉ lời 1.000đ. Em không lừa ai cả, họ thương thì cho tiền con em thôi”. Khi cán bộ lấy biên bản, ghi lời khai, yêu cầu H. đứng lên đi qua phòng khác, H. đã đứng dậy và dắt con đi một cách bình thường.
Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, một cán bộ của CA P.15, Q.Tân Bình cho biết sẽ tiếp tục điều tra vụ việc. Tuy nhiên, cán bộ này thừa nhận, việc xử lý hình sự đối với đối tượng này là khó, bởi đối tượng chỉ đóng giả hoàn cảnh, lấy lòng thương hại của người đi đường để bán vé số, ai mua thì bán, ai cho thì nhận, không cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ông này khuyến nghị: người dân cần cảnh giác với hiện tượng như trên, tránh để lòng tốt của mình bị lợi dụng.
Hoài An