Bóc trần đường dây chế biến cải bắc thảo từ rác thải

07/12/2016 - 06:47

PNO - Nhập rau từ bãi rác về, ông Biểu cho vào máy xay nhuyễn, cho vào bồn ngâm. Sau đó sử dụng một loại bột màu vàng và một loại bột màu trắng để biến rau nhặt từ bãi rác thành cải bắc thảo.

Qua nhiều tháng điều tra, phóng viên báo Phụ nữ đã vạch trần một đường dây chuyên “phù phép” bắp cải phế phẩm lấy ở bãi rác làm cải bắc thảo (xá bấu), thường dùng kèm khi ăn hủ tíu, xôi mặn, bánh đúc… sản phẩm bẩn này được phân phối tới nhiều đầu mối tiêu thụ với số lượng lớn.

Gom rau ở bãi rác lúc nửa đêm

0g một ngày đầu tháng 10, chúng tôi có mặt tại bãi rác chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, TP.HCM. Thời điểm này xuất hiện đội quân nhặt các loại rau củ thừa do tiểu thương thải ra.

Trong vai người lượm rau thải về cho thỏ ăn, chúng tôi làm quen với Trung, khoảng 30 tuổi, ngụ H.Hóc Môn. Mắt thâm quầng, lộ rõ vẻ mệt mỏi khi liên tục lấy đêm làm ngày, Trung cho hay: “Tui gom rau hơn 5 năm rồi. Được trả công 40.000-50.000đ/ buổi. Cứ có đợt xe rau trong nhà lồng chợ thải đổ ra mình nhào vô lượm, mang đến xe tải giao cho chủ”. Chúng tôi gặng hỏi, nhặt rau về để làm gì nhiều vậy, Trung gắt gỏng: “Họ thuê thì tui lượm thôi, xe tải đằng kia kìa, ông ra đó mà hỏi”.

Boc tran duong day che bien cai bac thao tu rac thai
Trong lúc các công nhân lựa bắp cải từ đống rác, luôn có người đứng cảnh giới

Theo hướng chỉ của Trung, là chiếc xe tải 1,5 tấn biển số 70C - 08965, đậu cách bãi rác chừng vài chục bước chân. Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi được biết, “ông trùm” của đội quân nhặt rác này tên Oanh (khoảng 40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn), điều hành đội quân chuyên thu gom rau phế phẩm ở bãi rác này chừng 10 năm nay. Chúng tôi tiếp cận hỏi thăm, ông Oanh cho hay: “Cái này tụi tui thu gom về cho bò ăn thôi chứ đây là rau dập người ta bỏ ra, bán lại đâu ai mua”.

Đây là nhóm thu gom rau rác lớn nhất ở chợ đầu mối Hóc Môn. Khoảng tầm 23g hàng ngày, ông Oanh điều khiển xe tải chở theo năm-bảy người đến đây, chia nhóm thu gom rau ở bãi rác về xe và phân loại, sắp xếp “hàng” tại xe.

Khoảng 23g ngày 22/11, ông Oanh điều khiển xe tải đến đậu cách bãi rác chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 20m, nhóm người đi theo xe vội lấy xe đẩy tỏa đi. Chúng tôi theo chân một thanh niên khoảng 25 tuổi trong nhóm của ông Oanh đến bãi rác lớn nằm sau chợ. Trong mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, người thanh niên này vẫn liên tục dùng tay bới sâu dưới lớp đất và rác thải, lôi lên những bẹ bắp cải dập nát.

Chúng tôi bắt chuyện làm quen, nam thanh niên tiết lộ: “Bữa nay bãi rác này đỡ thối đó, mấy hôm trước toàn phân, nước tiểu, xác chuột chết. Tui phải mang đôi ủng mới dám vào đây bới rác chứ mang dép như ông mà vào đây thì ngày mai đằng nào cũng ngứa phồng chân… Rau ở đây mình thấy gớm vậy chớ người ta mang về bán lại ở chợ công nhân, quán cơm nhiều lắm. Riêng ông chủ tôi thì có mối giao hàng cho một công ty lớn…”.

Chúng tôi hỏi về “công ty lớn”, người thanh niên lắc đầu, bước vào đống rác hôi thối. Trong vòng chưa đầy 30 phút, người này gom được hàng trăm ký rau chất đầy xe đẩy đưa ra xe tải. Tại chỗ xe tải, hai người phụ nữ ngoài 30 tuổi hì hục vặt những bẹ cải bắp bị dập nát, sau đó chất lên thùng xe. Đến khoảng 4g30 ngày 23/11, nhóm người của ông Oanh đã thu gom rau chất đầy xe tải 1,5 tấn. Xong việc, nhóm này vội tản đi nơi khác, còn ông Oanh điều khiển xe chạy về hướng cầu vượt An Sương. Trên đường đi, ông Oanh liên tục đánh xe vòng vào các đường nhỏ và chạy với tốc độ cao.

Bà H., tiểu thương kinh doanh rau ở chợ đầu mối Hóc Môn cho biết: “Rau đó chúng tôi vứt đi do đã bị dập nát, héo úa, không ăn được nữa. Nhưng khi rau vừa đổ ra thì nhóm người của ông Oanh tới thu gom chở đi. Nhiều lần hỏi thì ổng nói gom rau này cho bò ăn, nhưng theo chúng tôi biết, rau đó được chở về một cơ sở chế biến ở trung tâm thành phố để làm… rau sạch”.

Boc tran duong day che bien cai bac thao tu rac thai
Thành phẩm cải bắc thảo được bán ở Chợ Lớn, cung cấp cho quán ăn đường phố

Với thâm niên làm nghề thu gom rau ở bãi rác, ông Oanh rất cảnh giác, không để lộ “bãi đáp” số rau rác của mình. Ngay cả nhóm người của ông Oanh cũng hầu như không ai biết chính xác điểm đến hàng ngày của hàng tấn rau phế phẩm này.

Biến rách thành... thực phẩm sạch

Khoảng 4g ngày 24/11, chúng tôi bám theo chiếc xe tải biển số 70C - 08965 do ông Oanh điều khiển, chở đầy rau vừa nhặt từ bãi rác chợ đầu mối Hóc Môn. Khi đưa xe từ bãi rác ra đến quốc lộ 22 (H.Hóc Môn), ông Oanh tăng ga vọt đi với tốc độ cao về hướng trung tâm thành phố. Sau đó ông Oanh di chuyển theo lộ trình Trường Chinh - Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý - Âu Cơ - Lũy Bán Bích, đến điểm cuối là cơ sở sản xuất thực phẩm ở địa chỉ 307/2, Khuông Việt, P.Tân Phú Trung (Q.Tân Phú).

Boc tran duong day che bien cai bac thao tu rac thai
Bắp cải nhặt từ bãi rác được vận chuyển về cơ sở ông Biểu

Khi chiếc xe tải trờ tới, cánh cổng sắt mở ra. Xe vừa vào trong, cánh cửa nhanh chóng đóng lại im lìm, không cho thấy dấu hiệu nào để biết rằng đây là cơ sở sản xuất. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây là nơi chế biến cải bắc thảo Tân Liên Dũng do ông Đặng Cẩm Biểu (thường trú đường Âu Cơ, P.5, Q.11) làm chủ.

Chúng tôi nắm được thông tin ông Oanh là đầu mối cung cấp nguyên liệu cho ông Biểu nhiều năm nay. Rau nhặt ở bãi rác về hàng ngày được ông Oanh mang đến cơ sở của ông Biểu bán với giá khoảng 1.500đ/ kg (cải bắp trên thị trường có giá khoảng 8.000-10.000đ/kg, tùy thời điểm). Sau một thời gian theo dõi, chúng tôi nhận thấy, như một quy luật, cứ tầm khoảng 4g30-5g sáng, xe ông Oanh từ chợ đầu mối Hóc Môn chạy đến giao hàng cho cơ sở của ông Biểu.

Để bóc trần quy trình “phù phép” rau ở bãi rác thành thực phẩm của cơ sở Tân Liên Dũng, sáng 6/12, phóng viên báo Phụ Nữ đã đi cùng đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Q.Tân Phú, TP.HCM, đến kiểm tra đột xuất cơ sở Tân Liên Dũng. Lực lượng chức năng phát hiện khá nhiều vi phạm tại cơ sở này.

Tại thời điểm kiểm tra, ngoài vợ chồng chủ cơ sở, còn có năm sáu công nhân đang băm lá cải và đóng gói thành phẩm. Làm việc với cơ quan chức năng, ban đầu ông Biểu rất tự tin, không tỏ chút lo sợ, khi trình đủ các loại giấy tờ. Khi bị truy nguồn gốc nguyên liệu, ông Biểu cho biết, vài ba ngày cơ sở ông mua bắp cải ở chợ đầu mối Hóc Môn, với giá 7.000-8.000đ/kg.

Đến khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình hóa đơn mua vào, ông Biểu trưng ra hóa đơn bán lẻ, đề ngày mua 6/2/2016, số lượng 1,7 tấn lá cải bắp của vựa Thành Thơm ở chợ đầu mối. Tuy nhiên, trước bằng chứng từ những clip chúng tôi quay được sau nhiều đêm theo dõi nhóm ông Oanh lấy hàng cho ông Biểu ở chợ đầu mối Hóc Môn, ông Biểu đã thừa nhận mình lấy hàng từ... bãi rác.

Boc tran duong day che bien cai bac thao tu rac thai
Rau từ bãi rác được chế biến thành cải bắc thảo

Nhập rau có nguồn gốc từ bãi rác về, cơ sở ông Biểu cho vào máy xay nhuyễn, sau đó cho vào bồn ngâm. Trong quy trình “phù phép” rau nhặt từ bãi rác thành cải bắc thảo, ông Biểu sử dụng một loại bột màu vàng và một loại bột màu trắng. Tại kho hàng của cơ sở ông Biểu, chúng tôi phát hiện có nhiều túi bột màu vàng nghi là phẩm màu và loại chất bảo quản màu trắng có xuất xứ Trung Quốc.

Một công nhân đang làm việc trong cơ sở của ông Biểu thừa nhận, sau khi xay nhuyễn, cải bắp chỉ được tưới qua một lần nước, sau đó bỏ vào bồn ngâm. Như vậy, với quy trình chế biến của cơ sở này, mọi chất bẩn từ bãi rác bám theo rau vẫn còn nguyên cho đến khi thành phẩm. Ông Biểu cho biết, cải bắc thảo thành phẩm cơ sở ông phân phối cho một số điểm bán hàng ở Chợ Lớn, những cửa hàng này bán lại cho các điểm bán thức ăn đường phố.

Việc nhập rau từ bãi rác về chế biến của cơ sở Tân Liên Dũng là không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì sao cơ sở này vẫn được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM) cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm? Lẽ nào, với quy trình chế biến rau từ bãi rác mà sản phẩm của cơ sở Tân Liên Dũng vẫn được cấp chứng nhận an toàn?

Sơn Vinh - Hoài An

Lập biên bản cơ sở Tân Liên Dũng với nhiều lỗi vi phạm

Ngày 6/12, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Q.Tân Phú kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính cơ sở Tân Liên Dũng với nhiều lỗi vi phạm. Theo đó, cơ sở Tân Liên Dũng đã phạm các lỗi: không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm, không khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện khám sức khỏe định kỳ, sử dụng người thuộc diện phải tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định mà không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.

Ông Biểu đã làm đơn tự nguyện tiêu hủy khoảng 1,5 tấn bắp cải không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cam kết không tái phạm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI