Bốc thăm tranh suất vào trường mầm non: Còn bao nhiêu "Hoàng Liệt"?

30/08/2022 - 20:39

PNO - Người ta nghĩ rằng bốc thăm là phương án công bằng nhất, nhưng thật ra, làm gì có sự công bằng nào dựa vào may rủi?

Nói về việc phải bốc thăm 2 vòng để tranh suất cho con vào trường mầm non công lập tại phường Hoàng Liệt, lãnh đạo quận Hoàng Mai cho rằng "không thể làm khác", rằng đó là cách tốt nhất để đảm bảo sự công bằng. 

Thế nhưng, đó là cách nói thoái thác - thoái thác về sự yếu kém khi không thể tìm ra phương án, không có tầm nhìn về quy hoạch... Và trên tất cả, là thoái thác về trách nhiệm của một người đứng đầu địa bàn. Bởi, làm gì có sự công bằng nào dựa trên may rủi? Làm thế nào để người dân bị "trượt suất" cảm thấy thỏa đáng khi con mình không thể học ở ngôi trường đó còn... hàng xóm thì được, trong khi điều kiện như nhau, nhu cầu như nhau, đóng đủ các loại thuế phí... như nhau?

Thực tế, câu chuyện bốc thăm này vượt trên cả câu chuyện về một suất học trường công, vượt trên cả một địa bàn quận Hoàng Mai hay thậm chí một thành phố là Hà Nội. Nó là câu chuyện yếu kém về tầm nhìn mà nối tiếp sau đó là sự quy hoạch không cân đối, không đồng bộ. Năm 2010, Hoàng Liệt còn là một xã thuần nông với đất nông nghiệp là chính. Sau khi trở thành phường Hoàng Liệt vào năm 2015, địa bàn này đã chứng kiến một cuộc đô thị hóa chóng mặt với các khu dân cư, khu đô thị nối tiếp nhau mọc lên san sát, trở thành một trong những phường có mật độ dân cư đông nhất Thủ đô.

Nhưng, trong bài toán hiện đại hóa đô thị ấy, người ta đã quên mất con số dành cho giáo dục, để rồi theo các chuyên gia, đó như câu chuyện của thỏ và rùa - nhà cửa, khu dân cư phóng nhanh như thỏ còn trường học đi với tốc độ của rùa. Rất nhiều người không khỏi tự hỏi, tại sao với một địa bàn vốn có quỹ đất công thông thoáng như phường Hoàng Liệt nhưng đến nay chỉ có duy nhất Trường mầm non Hoàng Liệt là trường công? Cho dù rằng trường này hiện đã có đến 4 cơ sở với quy mô mỗi cơ sở tương đương 1 trường, nhưng tình trạng quá tải này đã diễn ra từ rất nhiều năm, kéo dài cho đến nay và không biết khi nào mới dừng lại. 

Và, Hà Nội hiện có bao nhiêu Hoàng Liệt, cả nước có bao nhiêu Hoàng Liệt với mức độ có thể khác nhau nhưng đều giống nhau về câu chuyện của thỏ và rùa trong phạm vi khu dân cư - trường học? Không khó để thấy rằng rất nhiều. Làm thế nào để một đất nước có thể phát triển bền vững khi cái gốc của sự phát triển ấy là giáo dục không hề được chú trọng? Câu hỏi đó vẫn là câu hỏi "không lời đáp", và Hoàng Liệt thật ra đâu chỉ ở Hoàng Liệt mà hiện diện khắp nơi trên rất nhiều tỉnh thành khác, nào đâu chỉ Hà Nội.

Phương Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI