Bốc thăm môn thi lớp Mười: Thêm áp lực cho học sinh

10/10/2024 - 06:20

PNO - Ngay khi Sở GD-ĐT TPHCM công bố đề thi minh họa kỳ thi lớp Mười năm 2025, các trường THCS đã chủ động thay đổi việc giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, các trường vẫn còn nhiều băn khoăn về dự thảo của Bộ GD-ĐT đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba của kỳ thi, bên cạnh 2 môn ngữ văn và toán.

Học sinh lớp Chín Trường THCS Quang Trung trong tiết học ngữ văn
Học sinh lớp Chín Trường THCS Quang Trung trong tiết học ngữ văn

Thay đổi theo đề thi

Giống như nhiều trường THCS khác, ngay khi nhận được đề thi minh họa kỳ thi lớp Mười, giáo viên Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) đã họp tổ bộ môn để đánh giá định hướng và những điểm mới của đề. Theo đó, môn ngữ văn không dùng ngữ liệu sách giáo khoa và có nhiều phần viết hơn. Môn toán có thêm phần xác suất thống kê và tổ hợp - 2 nội dung ít được giáo viên chú ý thời gian trước. Riêng môn tiếng Anh chỉ thay đổi nhẹ. Trên cơ sở này, khi giảng dạy, giáo viên sẽ nhấn mạnh vào các nội dung mới để học sinh làm quen dần. Đồng thời, thầy cô tiếp tục vận dụng phương pháp dạy học tích cực, kết hợp các trang thiết bị hỗ trợ để học sinh cảm thấy hứng thú với bài giảng.

Ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng nhà trường - nói: “Đề thi theo ma trận chung của thành phố nhưng quá trình dạy thì giáo viên phải lưu ý cái mới để chăm chút nhiều hơn. Giáo viên tuyệt đối không được dạy theo kinh nghiệm có sẵn hoặc tin vào ý nghĩ cá nhân. Ở những môn học còn lại, giáo viên vẫn dạy đúng theo khung chương trình, không được lơ là vì tất cả môn học đều ảnh hưởng tích cực lẫn nhau. Ví dụ, môn ngữ văn sẽ liên quan đến lịch sử, địa lý. Môn toán thực tế sẽ liên quan đến hóa học, sinh học, địa lý”.

Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) cũng đã họp tổ bộ môn để chuẩn bị hướng dạy cho học sinh. Với môn ngữ văn, thầy cô phải mở rộng các tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa, cho học sinh nghiên cứu bài viết trên báo chính thống để các em biết cách khai thác nội dung tham khảo. Môn toán tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Thầy cô sẽ giúp học sinh nắm được nhiều dạng bài, nhất là các dạng thống kê, mô tả, tính lãi suất, các dạng hình học ứng dụng thực tế. Môn tiếng Anh có phần giải thích từ là phần mới nên giáo viên phải lưu ý. Đặc biệt, đề thi năm nay dùng kiến thức của cả 2 năm lớp Tám và lớp Chín nên giáo viên quan tâm, có cách tổng hợp cho học sinh…

Tại Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình), bà Bùi Thị Minh Tâm - Hiệu trường nhà trường - cho biết, giáo viên lớp Chín vừa dạy vừa ôn tập, hoàn thiện và củng cố kiến thức cho học sinh. Ngoài bộ sách giáo khoa đang giảng dạy, giáo viên tìm hiểu thêm 2 bộ sách còn lại và các nội dung tham khảo khác để cung cấp thêm kiến thức cho học sinh. “Trước đây, học sinh quen với cách học lý thuyết rồi giải, dẫn đến yếu trong khâu đọc, phân tích đề. Để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi năm nay, giáo viên phải giúp học sinh làm quen với việc đọc sâu, phân tích đề và giải quyết vấn đề” - bà nói.

Hiện tại, các trường THCS đều đã họp tổ bộ môn ngữ văn, toán và tiếng Anh để phân tích đề thi minh họa. Qua đây, các trường sẽ thay đổi trong việc dạy và học, bám sát đổi mới của đề, giúp học sinh thích ứng tốt với kỳ thi.

Cào bằng, không thực chất

Nhiều năm kiên trì với định hướng của chương trình mới, bà Lê Thị Thùy - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn (quận 4) - cho biết, sau khi nắm được đề thi, việc dạy học của thầy cô vẫn diễn ra bình thường, chỉ là dạy nhiều hơn để chuẩn bị tốt cho học sinh. Tuy nhiên, điều mà tất cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đang lo lắng là dự thảo của Bộ GD-ĐT đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba của kỳ thi tuyển sinh lớp Mười, bên cạnh 2 môn ngữ văn, toán.

Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi phải tiếp rất nhiều phụ huynh và làm công tác tư tưởng cho học sinh về vấn đề này. 52/52 giáo viên của trường không tán đồng dự thảo. Bởi, với kỳ thi lớp Mười, học sinh và phụ huynh đã có sự đầu tư từ nhiều năm trước. Kiến thức của cấp II là cơ bản để chuẩn bị cho cấp III học sinh học theo ban, theo khối đúng với năng lực, nên không thể bắt các em giỏi đều tất cả môn. Nếu bốc thăm trúng môn khoa học tự nhiên thì những bạn chuyên khoa học tự nhiên sẽ được lợi nhiều hơn, còn các bạn khác lại thiệt thòi”.

Đồng quan điểm, ông Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh - cho rằng, việc tuyển sinh lớp Mười không quan trọng đến mức Bộ GD-ĐT phải chỉ đạo chung. Nhiều năm nay, TPHCM làm rất tốt kỳ thi này với 3 môn thi và Việt Nam cũng tiến tới dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai. Việc học lệch như Bộ GD-ĐT lo lắng khó có thể xảy ra vì học sinh phải học đủ để tốt nghiệp THCS rồi mới tính tới thi lớp Mười.

“Càng quy định hình thức thì áp lực lên học sinh sẽ càng lớn. Nếu bốc thăm sẽ làm cho học sinh nơm nớp không biết thi môn gì. Đó là áp lực không đáng có đối với học sinh bậc THCS. Học sinh cần có sự chuẩn bị lâu dài và ổn định để đối mặt với kỳ thi” - ông nói.

Ông Dương Hữu Đức đề xuất, Bộ GD-ĐT nên cho phép các sở GD-ĐT căn cứ tình hình địa phương để chọn môn thi thứ ba. Ông ví dụ vùng sâu, vùng xa, môn tiếng Anh không phát triển thì các sở chủ động chọn môn khác. Còn ở Hà Nội, TPHCM, học sinh giỏi tiếng Anh, đúng định hướng hội nhập nên cần được duy trì. Chưa kể, thời điểm bốc thăm là cuối tháng Ba, học sinh chuẩn bị thi học kỳ II nên sẽ không còn thời gian, tinh thần để chuẩn bị cho môn thi thứ ba. Như vậy, việc bốc thăm chọn môn thi là cào bằng và không thực chất.

Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu nhiều hình thức thi khác nhau

Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành. Trong đó, việc thi tuyển sinh lớp Mười công lập sẽ bao gồm 3 môn thi: toán, ngữ văn và một môn thi do sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng lý giải, qua khảo sát tổng hợp, đánh giá kỹ lưỡng thi lớp Mười 10 năm qua, bộ nhận thấy nếu không có quy định khung cũng như phân cấp thì công tác quản lý vẫn có bất cập. Nếu để địa phương tự chọn môn thi có thể bị ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, gây ra nhiều hệ lụy. Còn nếu chọn một môn cố định, bộ lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch. Do đó, bộ đang nghiên cứu các phương thức, hình thức khác nhau, có thể lựa chọn trong số các môn còn lại. Ví dụ, năm nay có thể thi môn khoa học xã hội, năm sau khoa học tự nhiên, năm sau nữa các môn khoa học khác hoặc bốc thăm.

Trang Thư

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI