"Bóc mẽ" chiêu trò trốn thuế của doanh nghiệp FDI

29/04/2020 - 07:29

PNO - Nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam" của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách đã chỉ ra, con số mà doanh nghiệp FDI trốn thuế lớn gấp 3-4 lần so với con số vi phạm mà cơ quan chức năng phát hiện hàng năm.

Mánh lới tinh vi

PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho biết, trốn và gian lận thuế diễn biến ngày càng phức tạp, quy mô lớn. Nếu như trong năm 2010 chỉ 10.000 doanh nghiệp (DN) thì năm 2018 con số này là 120.000. Không chỉ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gian lận thuế mà cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm đa số.

Mức thất thu thuế có xu hướng tăng kể từ năm 2014 đến nay. Ước tính mức thuế thất thu vào khoảng 15.600 - 20.700 tỷ đồng mỗi năm, lớn gấp khoảng 3-4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm. Trong đó, mức thất thu từ FDI lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng, tương đương 4 - 4,5% số thu thuế thu nhập DN. Còn mức thất thu từ ngân sách Nhà nước hàng năm có thể lên tới 10.500 tỷ đồng, xấp xỉ 5% số thu thuế thu nhập DN hàng năm.

Các doanh nghiệp FDI lợi dụng lỗ hổng trong quy định về hải quan và thuế được  để trốn và gian lận thuế. Theo TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, “chiêu trò” phổ biến là chuyển giá. Có đủ hình thức chuyển giá, thường gặp là các doanh nghiệp FDI lợi dụng góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Hoặc nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập DN...

Hình thức chuyển giá cũng rất phổ biến là chuyển nợ quốc tế. Các doanh nghiệp mẹ đặt ngoài Việt Nam lợi dụng quy định chi phí lãi vay được khấu trừ khỏi thu nhập thực tế, từ đó khuyến khích các công ty con tại các nước có thuế suất cao chuyển khoản nợ sang doanh nghiệp có mức thuế suất thấp để hưởng lợi khoản khấu trừ thuế, lãi vay đối với khoản nợ.

Chuyển thuế trong các doanh nghiệp FDI còn được thực hiện dưới hình thức họ sẽ tài trợ hoặc thực hiện nghiên cứu ở quốc gia có mức thuế suất cao, sau đó chuyển lợi nhuận về quốc gia có mức thuế suất thu nhập thấp để né tránh thuế.

Doanh nghiệp Coca-Cola đã bị truy thu và phạt thuế vì áp dụng chiêu chuyển giá
Doanh nghiệp Coca-Cola đã bị truy thu và phạt thuế vì áp dụng chiêu chuyển giá

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI lợi dụng hiệp ước thuế. Hầu hết các quốc gia đều có hiệp định song phương về thuế để tránh đánh thuế hai lần. Ví dụ công ty mẹ là công ty A mở và chuyển vốn đầu tư vào công ty B ở nước B. Cả hai nước ở công ty A và B đều có hiệp ước thuế chung với nước C. Hiệp định song phương ký hết giữa A, B và C đều ghi khoản thu nhập chỉ chịu thuế suất 5%. Công ty A thay vì chuyển vốn sang đầu tư công ty B sẽ hình thành chi nhánh ở nước C, sau đó lấy nước C đầu tư sang nước B để hưởng thuế suất 5%, mức này thấp hơn nhiều so với mức thuế suất áp dụng tại công ty mẹ A.

Các doanh nghiệp FDI còn trốn thuế bằng cách lợi dụng quy định cho trì hoãn thuế từ khoản lợi nhuận công ty con chuyển về công ty mẹ. Các chi nhánh công ty con của doanh nghiệp FDI nếu như có lợi nhuận sẽ có hai lựa chọn, hoặc là chuyển về công ty mẹ dưới dạng chuyển cổ tức, hoặc là có thể giữ lại lợi nhuận này. Nếu chọn hình thức chuyển về công ty mẹ sẽ rất tốn kém và công ty mẹ sẽ phải chịu thuế thu nhập DN với mức thuế suất cao hơn so với công ty con. Do đó các công ty con thường giữ lại lợi nhuận này để chuyển sang tài sản thụ động, rồi cho công ty mẹ vay lại với lãi suất ưu đãi, sử dụng khoản lợi nhuận này tiếp tục đầu tư tại một nước khác có thuế suất cao hơn để hưởng khấu trừ thuế ở nước đó.

“Doanh nghiệp FDI còn “chơi chiêu” đảo ngược công ty, chuyển trụ sở về công ty con ở nước có thuế suất thấp hơn, còn công ty con thì chuyển ngược về công ty mẹ, như vậy sẽ làm đảo dòng thu nhập, tránh được mức thuế suất cao của công ty mẹ” - TS. Nguyễn Hoàng Oanh cho hay.

Học Âu - Mỹ trị trốn thuế

Theo các chuyên gia, nhiều loại hình kinh doanh điện tử phát triển mạnh, việc kiểm soát lợi nhuận hay truy thu thuế đối với DN sẽ càng khó khăn hơn. Bởi DN không cần đặt trụ sở để giao dịch mà vẫn có doanh thu “khủng”. Trong khi đó, với quy định cũ, một công ty đa quốc gia hình thành cơ sở thường trú sở tại và kinh doanh đạt lợi nhuận thì mới thu thuế.

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, cần phải nhanh chóng nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng chống trốn và tránh thuế đang áp dụng tại các nước tiên tiến. Tại các nước châu Âu và Mỹ, họ đặt ra quy tắc chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài nhằm hạn chế chuyển lợi nhuận từ quốc gia có thuế suất cao sang quốc gia có thuế suất thấp.

Ngoài ra còn có các quy tắc như: giảm thiểu dàn xếp chênh lệch về thuế ở các quốc gia, hạn chế chuyển nợ quốc tế, lợi nhuận từ nước này sang nước kia; cho phép đánh thuế vào các tài sản sở hữu trí tuệ trước khi chuyển sang các quốc gia; đưa ra mức trần về lãi vay mới được khấu trừ vào khoản thu nhập trước thuế, hạn chế các công ty có vốn mỏng vay nhiều, lợi dụng khấu trừ khoản lãi vay để trốn thuế.

“Một khi cả bốn quy tắc trên không áp được hoặc biết doanh nghiệp trốn thuế nhưng không có bằng chứng thì áp dụng quy tắc chống lạm dụng chung do các nước châu Âu đặt ra” - PGS.TS Phạm Thế Anh nói.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI