Từ lâu, hình thức bán hàng online đã trở nên phổ biến, xuất hiện rộng khắp trên các trang mạng xã hội. Có những nơi, dù là bán trên mạng nhưng sản phẩm của họ vẫn đến từ những thương hiệu nổi tiếng ở thị trường trong nước và thế giới, có nguồn gốc, xuất xứ, tem bảo hành rõ ràng. Nhưng bên cạnh đó vẫn là một bộ phận không nhỏ những mặt hàng với nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, mà nếu không qua các trang mạng xã hội thì có lẽ ta cũng chẳng bao giờ biết đến tên tuổi của những sản phẩm đó.
Tuy nhiên cần đặt ra câu hỏi: Tại sao những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ như vậy vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các chị em phụ nữ? Để làm được điều đó, các shop online cũng đã phải sử dụng không ít chiêu trò PR để quảng bá được những sản phẩm chưa được chứng thực chất lượng của mình đến với đông đảo người tiêu dùng
1. Chia sẻ câu chuyện giảm cân, trắng da... của mình trên nhiều trang mạng xã hội, diễn đàn
Nếu là thành viên của các diễn đàn, các trang mạng xã hội, chắc hẳn bạn sẽ không lạ lẫm gì với những câu chuyện lột xác, chuyển mình được các chị em "ầm ầm" chia sẻ. Đó có thể là "phép màu" đến từ những nguyên liệu, công thức dễ dàng tìm thấy trong tự nhiên cùng nỗ lực, sự kiên trì của nhân vật. Nhưng cũng có thể, kết thúc câu chuyện ấy lại là tên của một mặt hàng làm đẹp cụ thể nào đấy được nhắc đến không quên kèm theo điệp khúc: "Mình đã áp dụng, thấy hiệu quả nên đem về bán cho mọi người cùng sử dụng".
|
Hình ảnh mang tính minh họa. |
Tuy nhiên, qua truyền đạt của "người bán hàng" là vậy, nhưng ai có thể chắc chắn rằng những điều họ nói là thật 100%, rằng vóc dáng thon gọn, làn da trắng hồng kia là kết quả của việc sử dụng sản phẩm họ nhắc đến trong bài viết chứ không phải do tự nhiên hay một sản phẩm uy tín nào khác?
2. Sử dụng các HotFace trên mạng xã hội để làm "Gương mặt thương hiệu", PR sản phẩm
Điều đáng nói ở đây là quả thực những "Gương mặt thương hiệu" ấy đúng là các HotFace trên mạng xã hội và cũng chỉ có thế. Họ đều là những cô gái, chàng trai xinh đẹp, sở hữu hàng ngàn lượt theo dõi, mỗi bức ảnh thu hút đến cả ngàn lượt "like"... Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở phạm vi trên mạng ảo chứ chẳng có lấy một lần được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống.
|
Các hotgirl xinh đẹp luôn được lựa chọn để PR cho các sản phẩm làm đẹp như thế này |
Điều đó đồng nghĩa với việc họ cũng không cần quá đặt nặng tinh thần trách nhiệm, danh tiếng của mình trong mỗi phát ngôn như các nghệ sĩ chuyên nghiệp khác.
3. Đăng ảnh/clip test sản phẩm
Đây có thể được cho là một trong những hình thức PR sản phẩm chất lượng, thu hút được niềm tin của nhiều khách hàng nhất. Bởi trong ảnh/clip, đa phần đều do chính người chủ shop sử dụng sản phẩm trực tiếp lên cơ thể mình. Có thể suy nghĩ của facebook-er T.T.My cũng sẽ giống với nhiều người sau khi xem xong ảnh/clip rằng: "Nếu sản phẩm gây hại, không đảm bảo chất lượng thì làm sao chủ shop dám thử trực tiếp lên cơ thể mình".
|
"Bôi trực tiếp sản phẩm lên da thế này thì ai mà không tin cho được"- Minh Hương (SV HV Ngân Hàng) chia sẻ. |
Nhưng có một điều cần lưu ý, Bác sĩ Phạm Hữu Nghị (Trưởng khoa Thẩm mỹ Bệnh viện 108) cho biết: "Nhiều sản phẩm độc hại không gây nên phản ứng ngay trong lần đầu tiên sử dụng. Như với các sản phẩm kem trộn làm trắng da, phần lớn chúng đều có thành phần chất tẩy cao, gây ăn mòn da. Nhưng sự bào mòn ấy sẽ diễn ra qua nhiều ngày sử dụng chứ không lộ rõ ngay từ lần đầu tiên. Để sau một thời gian, ta mới dần nhận thấy ở da các biểu hiện như trắng nhưng đồng thời cũng mỏng hơn, nổi nhiều mụn, bẩn đỏ do không còn lớp bảo vệ..."
Do đó, để tạo được niềm tin cho khách, người bán cũng chẳng dại gì mà không chịu thử lấy một lần (duy nhất).
4. Phản hồi tích cực từ những người đã sử dụng sản phẩm
Lại một chiêu thức nữa xây dựng niềm tin hiệu quả. Những lời khen tâm đắc dành cho chất lượng sản phẩm từ "người đi trước" kèm theo hình ảnh trước và sau khi sử dụng sản phẩm chắc hẳn sẽ khiến không ít người "rung động". Nhưng liệu bạn có nhớ rằng, những lời phản hồi tích cực ấy hoàn toàn có thể được dàn xếp theo ý của chủ shop online khi các phản hồi hầu hết đều là các tin nhắn, bức ảnh dễ dàng được "làm nhái"?
|
Mỗi shop bán hàng Online sẽ có hàng chục đến hàng trăm tin nhắn phản hồi giống như vậy |
Theo chị H, một chủ shop mỹ phẩm Online tại Hà Nội cho biết: "Hầu hết các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều chỉ được kinh doanh dưới hình thức online bởi họ sợ đưa sản phẩm ra thị trường sẽ bị kiểm duyệt. Không đảm bảo chất lượng sẽ bị thu hồi thì mất trắng mà có khi còn bị ngồi tù".
Kết
Mỗi người bán hàng đương nhiên đều sẽ phải tìm cách quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình. Tuy nhiên để việc quảng bá có phản ánh chính xác chất lượng sản phẩm hay không thì lại tùy thuộc vào lương tâm người bán.
Còn ở vị trí của người tiêu dùng, trực tiếp đón nhận chất lượng của sản phẩm, mỗi người đều nên trở thành một người tiêu dùng thông minh để có thể sáng suốt đánh giá chính xác sản phẩm trước những lời quảng cáo.
Và trên tất cả, mọi người nên tìm đến các sản phẩm uy tín, có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bày bán rộng rãi trên cả mạng xã hội và thị trường bên ngoài để có thể an tâm và an toàn nhất khi sử dụng sản phẩm.
Kim Cang