|
Các em nhỏ làm việc ở cơ sở 557/60/47 Hương Lộ 3 bỗng dưng biến mất sau hai ngày |
Nhiều lao động “nhí” biến mất đáng ngờ
Song song với việc thực hiện loạt bài Bóc lột lao động trẻ em vẫn diễn ra từng ngày, ngày 3/4, phóng viên báo Phụ Nữ đã thông tin khẩn cấp cho cơ quan chức năng Q.Bình Tân về hàng chục cơ sở có dấu hiệu sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp.
Tuy nhiên, đến ngày 6/5, UBND Q.Bình Tân và P.Bình Hưng Hòa mới tổ chức lực lượng đi kiểm tra.
Khoảng 10g sáng ngày 6/5, đoàn kiểm tra đến cơ sở may quần áo trẻ em ở địa chỉ 557/60/47 Hương Lộ 3 (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân). Vào thời điểm này, cơ sở im ắng lạ thường. Tại đây, chỉ có một người đàn ông chừng 40 tuổi tự xưng là chủ cơ sở (ông này tên Nguyễn Viết Quang, quê ở tỉnh Bắc Ninh); ngoài ra, không có bất kỳ lao động nào làm việc.
Khi được hỏi về các lao động “nhí”, chủ cơ sở này nói: “Chỗ em trước đây có mấy cháu làm việc, nhưng từ hôm các anh ở trên xuống nhắc, em đã cho chúng về quê làm chứng minh nhân dân hết rồi, không còn em nào ở đây cả”.
“Các cháu về quê khi nào?”. Người đàn ông cho biết, các lao động “nhí” tại cơ sở đã được cho về nhà làm chứng minh nhân dân trước đó một tháng.
Điều người đàn ông này trả lời với đoàn kiểm tra hoàn toàn trái ngược với một số hình ảnh chúng tôi ghi lại vào ngày 4/5. Chỉ hai ngày trước đó, cơ sở nói trên vẫn hoạt động khá rầm rộ và sử dụng khoảng 10 lao động trẻ em.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong số lao động “nhí” làm việc trong cơ sở số 557/60/47 Hương Lộ 3, có em là người dân tộc thiểu số chưa đủ 15 tuổi. Tuy nhiên, đến nay, các em đã “biến mất” một cách bí ẩn. Tại khu vực sản xuất, chúng tôi phát hiện vẫn còn nhiều vải mới cắt, đồ đạc bày biện ngổn ngang.
|
Nhiều cơ sở “án binh bất động” khi đoàn kiểm tra đến |
Trò chuyện với chúng tôi, anh P.H. (người dân sống gần cơ sở số này) xác nhận, sáng ngày 5/5, cơ sở nói trên vẫn làm việc, nhưng đến sáng ngày 6/5 thì bất ngờ ngưng hoạt động và các em nhỏ làm trong đó được đưa đi đâu không rõ.
“Tôi không dám khẳng định là ai đó biết kế hoạch kiểm tra và báo trước cho chủ cơ sở, nhưng việc cơ sở ngày trước vẫn hoạt động rầm rộ cho đến khuya, mà khi có đoàn xuống kiểm tra lại không có ai làm là điều rất bất thường” - anh P.H. tỏ mối nghi ngờ.
Sau khi “chộp hụt” cơ sở số 557/60/47 Hương Lộ 3, đoàn kiểm tra đến cơ sở số 52/2 đường số 15, P.Bình Hưng Hòa (do bà Nguyễn Thị Phúc, quê ở tỉnh Bắc Ninh, làm chủ). Tại cơ sở này, đoàn ghi nhận có ba nhân công nữ. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở cho biết, chỉ sử dụng ba lao động này và tất cả lao động đều đã trên 15 tuổi.
Ngoài việc trưng ra ba giấy chứng minh photo mập mờ có ghi tên và năm sinh của ba người từ 17 - 19 tuổi, chủ cơ sở không xuất trình bất cứ hợp đồng lao động nào với ba công nhân nói trên. “Cái này là các cháu nó ở quê có hoàn cảnh khó khăn nên vào đây làm cho tôi. Công việc ở đây cũng nhẹ nhàng, các cháu có làm bao nhiêu đâu” - chủ cơ sở này phân bua.
Phóng viên tiếp tục đưa ra những hình ảnh ghi nhận trước đó tại cơ sở này, trong đó có ít nhất là năm lao động “nhí” đang làm việc. Trong số đó, có hai lao động dáng người thấp bé đang ngồi uể oải bên cạnh những đống quần áo rất lớn.
Giải thích về sự “biến mất” của hai lao động “nhí” nói trên, chủ cơ sở số 52/2 cho hay: “Hai đứa đó ở nơi khác đến chơi, hôm nay nó về rồi chứ còn đâu…”.
Ngoài ra, một bất thường khác là chỉ hai ngày trước đó, chúng tôi phát hiện chủ cơ sở số 52/2 làm việc tại phân xưởng ở căn nhà đối diện, trong phân xưởng này có ít nhất ba bé trai đang ngồi may quần áo và cắt vải, nhưng khi đoàn kiểm tra có mặt, ba em này cũng “biến mất” một cách bí ẩn.
Trái ngược với hoạt động rầm rộ trước đó, sáng ngày 6/5, khi đoàn kiểm tra của UBND Q.Bình Tân đến, các cơ sở ở khu vực đường số 15 và một số cơ sở ở Hương Lộ 3 đều “án binh bất động”, trong các cơ sở chỉ có một vài lao động lớn tuổi làm việc. Trước thực tế trên, cuộc kiểm tra với mục đích “giải cứu lao động nhí” vào sáng ngày 6/5 bất thành.
Vì sao cuộc giải cứu thất bại?
Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, việc chủ các cơ sở may mặc quần áo ở P.Bình Hưng Hòa sử dụng lao động trẻ em đã tồn tại nhiều năm nay. Vậy thì, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Vì sao vấn nạn nhức nhối này vẫn không được chấn chỉnh?
Trong một diễn biến khác, ngay sau khi nhận được lời kêu cứu liên quan đến đường dây lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tỉnh Đăk Lăk xuống Q.Bình Tân (TP.HCM) làm việc, phóng viên báo Phụ Nữ đã nhiều lần liên hệ với chính quyền Q.Bình Tân để cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc.
Sau nhiều lần liên hệ, ngày 3/4, phóng viên đã cung cấp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Q.Bình Tân danh sách gần 10 cơ sở có nghi vấn sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp.
Vì sao việc kiểm tra các cơ sở không diễn ra tức thì mà phải kéo dài cả tháng trời? Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến cuộc giải cứu thất bại.
Ông Huỳnh Thanh Tới, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Tân giãi bày: “Khi nhận được phản ánh các cơ sở sử dụng lao động trẻ em, chúng tôi phải phối hợp với bên Phòng Kinh tế và UBND phường rà soát danh sách các cơ sở đó. Sau đó, chúng tôi mới tham mưu cho UBND quận ra quyết định kiểm tra. Cho nên, việc kiểm tra không thể tổ chức ngay”.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Trước tình trạng các cơ sở sản xuất vắt kiệt sức lao động trẻ em như báo Phụ Nữ phản ánh, lẽ ra Phòng LĐ-TB-XH, Thanh tra Lao động và UBND Q.Bình Tân phải nhanh chóng vào cuộc. Cơ quan quản lý cấp quận thiếu sâu sát trong quản lý địa bàn, khi báo chí phản ánh lại chậm tổ chức kiểm tra.
Về góc độ cá nhân, tôi không khỏi hoài nghi về cuộc giải cứu lao động trẻ em do UBND Q.Bình Tân và các ban ngành tại địa phương tổ chức theo phản ánh của báo chí (nhưng đã bất thành).
Từ cuộc giải cứu thất bại trên, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước cần lập một tổ chức chuyên trách về vấn đề giải cứu trẻ em bị bóc lột lao động. Cơ quan này hoạt động độc lập, sẵn sàng vào cuộc bất cứ thời điểm nào, địa bàn nào trong cả nước khi nhận được thông tin về tình trạng lạm dụng lao động trẻ em... Chỉ có như vậy, tình trạng nhức nhối về sử dụng lao động trẻ em mới thay đổi”.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) - nhận định, với làn sóng trẻ em từ tỉnh các tỉnh Tây Nguyên bỏ học, bỏ buôn làng đến TP.HCM tìm việc làm từ năm 2015 đến nay, rõ ràng có những đường dây buôn bán, môi giới lao động trẻ em.
Tuy nhiên, do các cơ quan chức năng địa phương không giải quyết dứt điểm nên tình trạng này bị kéo dài, trẻ em vẫn tiếp tục bị lạm dụng.
“Theo tôi, liên quan đến việc trẻ em bị bóc lột sức lao động, ngành công an và LĐ-TB-XH các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn, có thể xây dựng chuyên án để triệt phá những đường dây mua bán, môi giới, bóc lột sức lao động trẻ em. Nếu chỉ dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính như hiện nay, những việc đau lòng này sẽ còn tái diễn” - ông Nam nhận định.
Những nhận định trên cho thấy hiện đang có vấn đề trong quản lý lao động ở địa phương. Qua quá trình điều tra thực tế và những thông tin mà phóng viên có được, rõ ràng, đang tồn tại “lỗ hổng” về quản lý lao động tại địa phương, nhưng “lỗ hổng” đó đã được bịt kín theo một cách thức đáng ngờ.
Các cơ quan quản lý ở quận Bình Tân không thể “vô tư” giải thích rằng mình vô can trong trường hợp này.
Sau buổi kiểm tra đột xuất vào sáng 6/5, ông Đỗ Đình Thiện - Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân - đã chỉ đạo cho UBND P.Bình Hưng Hòa và Phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Tân phải đưa các cơ sở bị báo Phụ Nữ phản ánh vào danh sách cần tăng cường và thường xuyên kiểm tra, đồng thời yêu cầu các cơ quan này khi nhận được phản ánh về các cơ sở có dấu hiệu sử dụng lao động trẻ em thì phải ngay lập tức lập đoàn kiểm tra, không để kéo dài.
Chậm phát hiện, xử lý các vụ lạm dụng, bóc lột sức lao động trẻ em
Theo khảo sát về thực trạng lao động trẻ em của Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Lao động thế giới (ILO), cả nước có khoảng 1,75 triệu trẻ em đang phải lao động kiếm sống.
Trong đó, có không ít trẻ em phải làm việc nặng nhọc hoặc làm việc trong những điều kiện có hại cho sức khỏe. 67% trẻ em làm việc trong ngành nông nghiệp; 16% làm việc trong ngành xây dựng, chế tạo; 17% làm việc trong ngành dịch vụ.
Đáng lo ngại, nhiều trẻ bị bạo hành, nhưng chậm phát hiện hoặc khó xử lý hình sự do việc đánh giá mức độ gây tổn hại cho các em còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, muốn khởi tố tội “cố ý gây thương tích” thì tỷ lệ thương tật phải từ 11% trở lên; có yêu cầu khởi tố của người bị hại, hoặc người giám hộ.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc xảy ra nhưng không thể xác định được vi phạm do không giám định được tuổi thật của bị hại (đa phần trẻ lao động sớm có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em thậm chí không được khai sinh).
Ông Đặng Hoa Nam
(Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB-XH)
|
Có dấu hiệu vi phạm luật hình sự
Căn cứ theo điều 164 Bộ luật Lao động cùng các quy định hiện hành, tôi đủ cơ sở khẳng định các cơ sở may mặc sử dụng lao động trẻ em ở Q.Bình Tân đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng theo điều 228 BLHS hiện hành về “tội vi phạm các qui định về xử dụng lao động trẻ em”.
Mặc dù pháp luật có quy định rất rõ ràng về xử lý vi phạm trong việc sử dụng lao động trẻ em, nhưng trên thực tế các vụ việc bị xử lý hành chính và xử lý hình sự là những con số rất nhỏ do đó không đủ sức răn đe. Chính vì điều này, cùng với lợi nhuận khủng từ việc sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp, các đối tượng sử dụng lao động đã dùng nhiều chiêu trò đối phó với cơ quan chức năng.
Thiết nghĩ, các cơ quản lý nhà nước và cơ quan tố tụng cần xử lý mạnh tay hơn nữa đối với những đối tượng có hành vi sử dụng lao động trẻ em trái phép nêu trên.
Luật sư NguyễnTri Đức (Đoàn luật sư TP.HCM)
|
Nhóm Phóng Viên