Bộ Y tế ra Chỉ thị về tăng cường phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19

13/05/2021 - 09:04

PNO - Bộ Y tế vừa có Chỉ thị số 06/CT-BYT về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19.

Để tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia nhằm đảm bảo sức khỏe người dân, tạo điều kiện thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đảm bảo an toàn y tế cho việc tổ chức các hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ thị:

1. Tiếp tục chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch "nhanh chóng ổn định tình hình”, thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị.

2. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện. Tổ chức an toàn tiêm chủng vắc-xin COVID-19 .

- Tổ chức thực hiện giãn cách trong bệnh viện; hạn chế tối đa người nhà vào thăm, chăm sóc người bệnh.

- Đẩy mạnh việc thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khai báo y tế, quản lý truy vết người ra vào bệnh viện, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn và cập nhật các phác đồ điều trị COVID-19, xử lý cấp cứu sốc phản vệ. Yêu cầu các nhân viên y tế thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân khi điều trị, chăm sóc người bệnh và thực hiện khai báo y tế đầy đủ.

- Thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế, bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân.

- Đảm bảo vật tư, thiết bị y tế, thuốc men (máy thở, oxy, máy xét nghiệm...) phục vụ điều trị người bệnh theo các tình huống dịch bệnh.

 3. Đối với các cơ sở y tế dự phòng

- Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm (lấy mẫu, bảo đảm trang thiết bị, vật tư xét nghiệm, sinh phẩm, hóa chất, nhân lực thực hiện); tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát nguồn bệnh ở những khu vực có nguy cơ.

- Khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng khẩn trương tổ chức khoanh vùng nhanh và gọn nhất có thể; thu hẹp phạm vi khoanh vùng phù hợp, truy vết nhanh các đối tượng F1, thực hiện cách ly theo quy định.

- Tăng cường áp dụng triệt để các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, nhất là trong công tác báo cáo tình hình dịch, truy vết người nghi nhiễm và giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

4. Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng phương án phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp với các đơn vị hành chính; thực hiện giãn cách phù hợp khi có ca bệnh trên địa bàn.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh thực hiện việc cách ly tập trung. Phối hợp kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cư trú trái phép.

- Phân công cán bộ đầu mối theo dõi, chỉ đạo các đơn vị quản lý trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc tự đánh giá, cập nhật hoạt động phòng chống dịch lên bản đồ an toàn COVID-19 (antoancovid.vn).

- Chủ động xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, diễn tập phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền để người dân phát huy tinh thần tự giác, nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp phòng chống dịch, đồng thời cùng các cơ quan chức năng tham gia giám sát, phát hiện, báo cáo các hành vi vi phạm quy định chống dịch.

- Chủ động chuẩn bị và triển khai phương án đảm bảo dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19; đặc biệt trong trường hợp toàn quốc có 30.000 người mắc.

5. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh để cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, đặc biệt cập nhật các phương án, kịch bản điều trị khi số ca nhiễm tăng cao.

6. Cục Y tế dự phòng làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kịch bản 30.000 người mắc, trên cơ sở đó hướng dẫn các địa phương chuẩn bị tổ chức triển khai thực hiện. Rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là về giám sát, xét nghiệm, cách ly, giám sát cách ly, bàn giao người hoàn thành cách ly về tiếp tục theo dõi, cách ly tại địa phương, nơi cư trú. Xây dựng các tiêu chí, mức độ nguy cơ, giải pháp triển khai và hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai đánh giá nhằm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

7. Cục Quản lý Môi trường y tế làm đầu mối xây dựng các biện pháp tăng cường giám sát tại các khu cách ly tập trung, cập nhật các hướng dẫn về an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, nơi làm việc và các khu vực khác phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

8. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ tối đa các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước về quy trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm, sản xuất.

9. Cục Quản lý Dược cùng với Vụ Hợp tác quốc tế tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế để chỉ đạo công tác nhập khẩu vắc-xin, tìm kiếm nguồn nhập khẩu để đảm bảo vắc-xin cho người dân.

10. Vụ Kế hoạch - Tài chính tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về tài chính trong tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống dịch, bảo đảm công khai, minh bạch; khẩn trương trình lãnh đạo Bộ Y tế các phương án mua, nhập khẩu, sản xuất, sử dụng vắc-xin và huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện.

11. Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế trong việc phân công công việc phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc các đơn vị thực hiện; kiện toàn Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch CoVID-19 trong đánh giá nguy cơ dịch bệnh.

12. Tổ chức thực hiện

Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các ngành, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này. Văn phòng Bộ trực tiếp đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện. Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nếu có phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét chỉ đạo.

An Bình

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI