PNO - Nhiều gia đình có con em mắc chứng “Lupus ban đỏ hệ thống” đang điều trị tại TP.HCM lâm vào cảnh lao đao vì bỗng dưng họ không còn được BHYT chi trả cho thuốc đặc trị bệnh lý này nữa.
Trước đó, khi được BHYT thanh toán, mỗi tháng họ chỉ phải trả vài trăm nghìn đồng để mua thuốc, thế nhưng, “đùng một cái” số tiền này tăng lên vài triệu đồng/tháng.
Bảng kê chi phí điều trị một tháng của bệnh nhi với tiền thuốc Cellcept 250mg Cap. chiếm đến 90% tổng số tiền phải trả, nhưng vừa mới áp dụng Thông tư 40 trong quý I/2017, BHXH TP.HCM không thanh toán nữa - Ảnh: Quốc Ngọc
Tá hỏa khi thuốc đắt tiền nhất không còn được hưởng BHYT
Tiếp xúc với phóng viên báo Phụ Nữ, chị Hồng - mẹ bé Trần Thu Thảo (10 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) - cho biết, khoảng hơn một năm trước, con gái chị bị nổi mề đay, phải uống thuốc chống dị ứng liên tục. Cuối cùng qua nhiều chẩn đoán, xét nghiệm tại nhiều nơi, bác sĩ kết luận bé Thảo mắc bệnh Lupus ban đỏ. Từ đó đến nay, cứ mỗi 28 ngày, gia đình lại phải mang con đến khám định kỳ tại phòng khám A5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM để làm các xét nghiệm và nhận thuốc đặc trị.
Theo chị Hồng, mỗi ngày, con chị phải uống khá nhiều thuốc khác nhau. Trong đó có Cellcept 250mg Cap. (hoạt chất Mycophenolate) với giá gần 28.000đ/viên. “Hằng ngày, bé Thảo phải uống sáu viên. Mỗi lần khám, bác sĩ thường kê cho đủ 28 ngày thuốc. Nếu như trước đây được hưởng BHYT đồng chi trả 80%, số tiền tôi phải trả cho số thuốc này chỉ có hơn 900.000đ/tháng. Mới đây, bệnh viện nói BHYT không thanh toán nữa. Nghe mà tá hoá, bởi vì chỉ riêng cái thuốc này, tôi phải chi hơn 4,6 triệu đồng/tháng. Tiền đâu mà chịu nổi”, chị Hồng giãi bày.
Tương tự, các trường hợp gia đình bệnh nhi Võ Gia Nghiêm (14 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM), Trần Thị Bích Ngọc (tám tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) mà chúng tôi tiếp xúc cũng lâm vào cảnh “choáng váng” như vậy. Bệnh nhi mắc Lupus ban đỏ phải uống Cellcept 250mg liên tục kéo dài ít nhất trong hai năm trời.
Từ ngày 10/4, bệnh viện niêm yết thông báo BHYT không thanh toán cho thuốc Cellcept 250mg nữa. Theo ghi nhận của chúng tôi, chi phí cho thuốc Cellcept 250mg chiếm 90% tổng số tiền thuốc của một bệnh nhi Lupus ban đỏ. Không được BHYT chi trả, túi tiền của người bệnh sẽ mất thêm hàng triệu đồng mỗi tháng.
Rất đông người trong số họ đang không biết phải làm cách nào để có thể xoay xở cho con tiếp tục điều trị trong thời gian sắp tới. Nhiều gia đình ở các tỉnh xa như Bến Tre, Đăk Lăk… đã không lường trước được tình huống này. Họ mang không đủ tiền để trả tiền thuốc. Và đành xin bác sĩ kê vài ngày thuốc, về quê vay mượn tiền, sau đó mới trở lại lấy đủ số thuốc, mang về cho con.
Thông tư của Bộ “bó chặt” người bệnh
Trao đổi với chúng tôi ngày 18/4, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, năm 2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư 40 hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo BHYT.
Điều 4 của thông tư này quy định, quỹ BHYT sẽ không thanh toán đối với trường hợp “sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc được phê duyệt”.
“Nghĩa là, một trong những điều kiện để một loại thuốc được hưởng thanh toán BHYT, thì chỉ định của thuốc đó phải có trong số đăng ký đã được Bộ Y tế phê duyệt. Hay nói cách khác, chỉ định đó phải có trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất. Nhưng có một số thuốc, ví dụ như thuốc Cellcept, không biết vì lý do nào đó mà nhà sản xuất chỉ ghi chung chung trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc của mình rằng đây là thuốc chống thải ghép thôi, chứ không ghi rõ là để điều trị hội chứng thận hư Lupus… Áp dụng Thông tư 40 cho các trường hợp thuốc này, cơ quan BHXH không đồng ý thanh toán BHYT nữa”, bác sĩ Minh giải thích.
Tuy nhiên, điều khá vô lý là dù nhà sản xuất không ghi rõ trong hướng dẫn, nhưng theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa thận - nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - với bề dày chuyên môn điều trị của một bệnh viện nhi tuyến cuối, từ lâu tại đây đã sử dụng thuốc Cellcept để điều trị Lupus ban đỏ và thuốc cũng đã được chính thức đưa vào phác đồ điều trị bệnh này.
Bác sĩ Minh cho biết, bệnh viện đã có văn bản kiến nghị ba vấn đề gửi Sở Y tế và BHXH TP.HCM. Đầu tiên, đó là đề nghị sở kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi điều 4 của Thông tư 40/2014/TT-BYT, vì điều khoản này (như đã nêu) quá ràng buộc.
Vấn đề thứ hai, đồng tình với ý kiến chuyên môn của bác sĩ Loan, kiến nghị BHXH TP thanh toán cho những loại thuốc đã ghi trong sách giáo khoa (textbook) y tế về điều trị cho một bệnh lý nào đó. “Như Cellcept đã có trong phác đồ điều trị, các chuẩn trên thế giới người ta cũng đưa vào, bất kể là nhà sản xuất có đưa vào tờ hướng dẫn điều trị hay không, nên thanh toán”, ông Minh nói.
Và cuối cùng, trong khi chờ ý kiến của các cơ quan chức năng, bệnh viện đã phải xin phép thu tiền kể từ ngày 10/4. “Thông tư mang tính pháp lý thì phải thực hiện, nhưng thiệt tình thì rất tội cho bệnh nhân kể từ khi áp dụng. Riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện có hơn 100 bệnh nhi nội ngoại trú bị ảnh hưởng”, bác sĩ Minh nói.
Một điều lạ lùng gây thắc mắc, Thông tư 40 của Bộ Y tế đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, nhưng không hiểu sao đến nay, các đơn vị tại TP.HCM mới áp dụng trong quý I/2017, khiến nhiều người dân “ngã ngửa”?
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý của mô liên kết gây tổn thương nhiều cơ quan do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn. Đặc trưng bởi sự có mặt của kháng thể kháng nhân và nhiều tự kháng thể khác. Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh…
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.