Bộ Y tế nói gì về thông tin 800 bác sĩ tuyến đầu chống COVID-19 sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin phòng lao?

20/04/2020 - 14:37

PNO - Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) đã lên tiếng trước thông tin 800 bác sĩ tuyến đầu chống COVID-19 được tiêm thử nghiệm vắc xin phòng lao.

Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu thử nghiệm tiêm vắc xin BCG ngừa lao cho 800 bác sĩ tuyến đầu chống COVID-19 (bao gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM và một số bệnh viện khác).

Theo PGS Nhung, trên thế giới hiện đã có ít nhất 6 quốc gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc xin BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người cao tuổi, để đánh giá mối liên quan giữa vắc xin BCG và bệnh COVID-19. Hiện, bệnh viện đang lên kế hoạch thực hiện nghiên cứu này với sự phối hợp của các chuyên gia Pháp để sớm thử nghiệm trên lâm sàng. 

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu trong số 268 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam, trường hợp nào đã tiêm vắc xin BCG, nếu có sẽ đánh giá kháng thể trong huyết thanh để có thêm dữ liệu đối chiếu, phân loại.

Thông tin 800 bác sĩ tuyến đầu chống COVID-19 và những người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính sẽ được tiêm thử nghiệm vắc xin phòng lao đang thu hút sự quan tâm của dư luận; và ngày 20/4, Bộ Y tế đã lên tiếng chính thức về thông tin này.

Ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định, nghiên cứu tiêm thử nghiệm vắc xin lao cho các y, bác sĩ chưa được cấp phép, phê duyệt
Ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định, nghiên cứu tiêm thử nghiệm vắc xin lao cho các y, bác sĩ chưa được cấp phép, phê duyệt.

Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng vắc xin BCG để tăng cường miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 đang triển khai tại Úc, Đức với đối tượng nghiên cứu là các cán bộ y tế làm việc ở bệnh viện có nguy cơ cao nhiễm virus.

Do đó, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã có công văn gửi Bệnh viện Phổi Trung ương về việc đề xuất nghiên cứu khả năng sử dụng vắc xin phòng lao trong phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp với chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) khẩn trương xem xét, đề xuất định hướng nghiên cứu và phương án triển khai ứng dụng vắc xin này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định, hiện các đơn vị liên quan mới đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, xây dựng đề cương nghiên cứu. Bộ Y tế hiện chưa tiếp nhận hồ sơ, đề cương của nghiên cứu lâm sàng này. Do đó, nghiên cứu chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện.

Theo Bộ Y tế, trước khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, triển khai, tất cả nghiên cứu y sinh học liên quan đến con người đều phải được Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế xem xét, nhận xét, hướng dẫn và chấp thuận về đạo đức và khoa học.

Trong quá trình triển khai, hội đồng này sẽ theo dõi, giám sát các nghiên cứu trong việc tuân thủ đề cương và các quy định về đạo đức trong nghiên cứu; đánh giá việc ghi nhận, báo cáo, xử lý các biến cố bất lợi xảy ra trong quá trình nghiên cứu.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, việc tiêm nhắc lại vắc xin BCG không vì mục đích để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 hay giảm nguy cơ mắc loại virus này như nhiều người đang hiểu nhầm. Mục đích chính là để so sánh chỉ số miễn dịch so với nhóm không tiêm.

Tại Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã thực hiện tiêm vắc xin ngừa lao cho mọi trẻ em dưới 1 tuổi từ năm 1984.

Từ năm 1989, tỉ lệ tiêm đã tăng lên trên 90% và được duy trì liên tục đến nay với khoảng 1,5 – 1,8 triệu liều mỗi năm. Như vậy, đã có khoảng 44 triệu người Việt Nam sinh ra từ năm 1989 đến nay đã được tiêm vắc xin BCG.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI