Bộ Y tế nêu giải pháp giữ chân nhân lực y tế khu vực công

24/03/2023 - 11:26

PNO - Động viên tinh thần, tổ chức diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư của viên chức y tế… Là một trong số những giải pháp được Bộ Y tế đưa ra.

Ngày 24/3, Bộ Y tế tổ chức họp báo quý I năm 2023, thông tin đến báo chí về làn sóng chuyển dịch nhân lực y tế công sang tư trong các năm 2021-2022, Bộ Y tế cho biết, trong 5 năm trở lại đây, quá trình xã hội hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều đơn vị y tế tư nhân tham gia vào công tác khám chữa bệnh, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhân lực y tế nói chung, đặc biệt là nhân lực y tế có chuyên môn cao. Khi tìm được cơ hội đáp ứng mong mỏi, nhân viên y tế sẽ dịch chuyển sang khu vực y tế tư nhân.

Áp lực công việc trong khu vực công cao; Thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với tư nhân; Do áp lực của xã hội, gia đình và người thân… Là ba trong số những nguyên nhân chính khiến nhân lực y tế công chuyển sang khu vực tư nhân. Ảnh: Kiều Trang
Áp lực công việc trong khu vực công cao; thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với tư nhân; áp lực của xã hội, gia đình và người thân… là 3 trong số những nguyên nhân chính khiến nhân lực y tế công chuyển sang khu vực tư nhân - Ảnh: Kiều Trang

Một số nguyên nhân dịch chuyển nhân lực từ công sang tư gồm: Áp lực công việc trong khu vực công cao; thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với tư nhân; do áp lực của xã hội, gia đình và người thân…

Để giữ chân nhân lực y tế khu vực công, đại diện Bộ Y tế cho biết, cần đưa ra một số giải pháp như:

Động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thân thiện, bố trí, sử dụng cán bộ y tế hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở.

Huy động nhân lực từ các địa phương, đơn vị để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế nơi có dịch bệnh xảy ra huy động nhân lực y tế, kể cả nhân lực y tế làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân, những người đã nghỉ hưu, tình nguyện và đội ngũ sinh viên các trường đại học, cao đẳng y tế trên địa bàn để hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong phòng chống dịch bệnh.

Quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao.

Xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc theo nhu cầu sử dụng của viên chức y tế, giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác.

Đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên.

Đề nghị Chính phủ có chính sách chưa thực hiện giảm số lượng người làm việc (giảm biên chế sự nghiệp) của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, tại trạm y tế xã, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số giúp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là y tế cơ sở có đủ nguồn nhân lực làm việc cần thiết, giảm cường độ làm việc cho cán bộ viên chức ngành y tế.

Cũng tại họp báo, Bộ Y tế trả lời câu hỏi, hiện nay một số địa phương có phản ánh khả năng cung ứng của một số đơn vị tham gia gói thầu tập trung quốc gia còn kém, dẫn đến không cung ứng đủ thuốc.

Theo Bộ Y tế, một số nguyên nhân cung ứng thuốc chậm hoặc gián đoạn, đó là đối với một số thuốc nhập khẩu từ châu Âu, nhà thầu cung cấp thông tin và tài liệu liên quan đến một số lý do bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng, gồm:

- Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là chính sách Zero-COVID ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ… dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất, quá tải và đứt gãy chuỗi cung ứng nên kế hoạch sản xuất từ nhà sản xuất bị thay đổi.

- Do ảnh hưởng bởi lạm phát và biến động địa chính trị tại châu Âu, làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu và giá thành sản xuất cũng như kế hoạch sản xuất thuốc. Do đó, sau khi trúng thầu, nhà thầu phải tiến hành thương lượng lại với nhà cung cấp về giá và tiến độ cung cấp.

Một số thuốc chậm cung ứng do có số đăng ký hết hạn vào ngày 31/12/2022, mới được gia hạn theo Nghị quyết số 80/2023/QH15, bắt đầu được đặt hàng sản xuất từ tháng 2/2023 cần có thêm thời gian thực hiện các thủ tục nhập hàng và giao hàng.

Một số nguyên nhân chủ quan: do gia hạn nhiều lần đóng mở thầu, kéo dài quá trình lựa chọn nhà thầu nên nhà thầu không dự trữ nhiều hàng vì sản phẩm thuốc có hạn sử dụng; một số cơ sở y tế quá chậm chễ trong việc thanh toán công nợ với nhà thầu nên nhà thầu dừng cung ứng thuốc cho cơ sở y tế đó.

Về giải pháp, Bộ Y tế đã đề nghị các nhà thầu trúng thầu thực hiện những nội dung như sau:

- Khẩn trương rà soát, làm việc với nhà cung cấp đẩy nhanh tiến độ cung ứng các mặt hàng trúng thầu và cam kết đảm bảo cung ứng mặt hàng trúng thầu;

- Báo cáo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia về số lượng tồn kho và tình hình sản xuất, cung ứng các mặt hàng trúng thầu;

- Có trách nhiệm cung ứng thuốc thay thế cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng nếu có yêu cầu, không để thiếu thuốc cho nhu cầu khám, chữa bệnh của cơ sở y tế.

Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan cập nhật liên tục danh sách các nhà sản xuất, nhà thầu cung ứng thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín để phục vụ cho công tác lựa chọn nhà thầu.

Bộ Y tế đã giao Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thường xuyên kiểm tra, giám sát vi phạm của nhà thầu và báo cáo vi phạm nhà thầu gửi cấp có thẩm quyền giải quyết.

Kiều Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI