Bộ Y tế lý giải vì sao người dân vẫn phải “cõng” chi phí y tế cao

07/03/2024 - 18:03

PNO - Theo Bộ Y tế, tỉ lệ chi tiền túi cho y tế của người dân Việt Nam vẫn tương đối cao, ở mức khoảng 45%.

 

Dù tỉ lệ bao phủ BHYT lên tới hơn 93% nhưng tỉ lệ chi tiền túi cho y tế của người dân Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao
Dù tỉ lệ bao phủ BHYT lên tới hơn 93% nhưng tỉ lệ chi tiền túi cho y tế của người dân Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao - Ảnh minh họa

Trong báo cáo tổng kết Luật Bảo hiểm y tế gửi kèm Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế gửi Chính phủ, Bộ Y tế cho biết, tới hết năm 2023, tỉ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đạt 93,35%, với trên 93,3 triệu người tham gia.

“Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ chi tiền túi tại Việt Nam hiện vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế”, Bộ Y tế cho hay.

Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương số 20 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế xuống còn 35%.

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến điều này, theo Bộ Y tế, trước hết là do người dân tăng sử dụng dịch vụ y tế. Theo khảo sát, người có thẻ BHYT có mức sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại và nội trú cao hơn đối tượng khác. Số tiền cùng chi trả cũng như số tiền tự trả cho thuốc, vật tư tiêu hao hoặc các dịch vụ ngoài danh mục BHYT dẫn tới tăng mức trả tiền túi.

Thứ hai, việc giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ làm tăng chi phí trả tiền túi. Một số bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, không đủ thuốc cần thiết cho người bệnh sử dụng. Công tác đấu thầu thuốc và quản lý thuốc chưa đảm bảo, một số thuốc cần nhưng không được cung ứng nên bệnh nhân phải mua bên ngoài.

“Đặc biệt quan trọng là chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, nên người bệnh bỏ qua tuyến xã, huyện vượt lên tuyến trên và tiếp tục chịu chi phí cao hơn”, Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra.

Một số nơi có tình trạng chỉ định người bệnh có thẻ BHYT sử dụng các thiết bị xã hội hóa trong khi vẫn có máy đầu tư ngân sách, điều này làm cho người bệnh phải chi trả phần chênh lệch giữa hai mức giá.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khiến tỉ lệ chi tiền túi cho y tế cao là: một số chi phí đã tính vào kết cấu giá như (quần áo mũ phẫu thuật, tiền công tiêm, công khám của bệnh nhân nội trú...) nhưng một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn tính và yêu cầu người bệnh phải chi trả; cơ sở khám chữa bệnh có tình trạng chưa minh bạch về tài chính, sử dụng hai biểu mẫu thanh toán khác nhau cho cùng một người bệnh, biểu mẫu thanh toán với cơ quan BHXH ghi đúng những nội dung quỹ BHYT chỉ trả, trong khi thanh toán cho người bệnh thì liệt kê các khoản phải đóng thêm....

Bộ Y tế cũng đánh giá, chất lượng khám chữa bệnh BHYT của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy định phạm vi chuyên môn, năng lực cán bộ còn hạn chế.

“Tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương đã giảm nhiều nhưng vẫn còn. Hầu hết các các bệnh viện tuyến trung ương đều quá tải. Tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến dẫn tới sự quá tải ở tuyến trên và người dân chưa hài lòng vì thủ tục khám chữa bệnh và phải mất thời gian chờ đợi”, báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ.

Bên cạnh đó, có tình trạng bệnh nhân phải tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng do cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được cho người bệnh...

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI