Bộ Y tế kỳ vọng Việt Nam xuất khẩu vắc-xin ngừa COVID-19 vào năm 2022

15/03/2021 - 15:34

PNO - Lãnh đạo Bộ Y tế kỳ vọng cuối năm 2021, đầu 2022, Việt Nam sẽ có vắc-xin để sử dụng, thậm chí có thể thành công trong xuất khẩu.

Sáng 15/3, Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin phòng COVID-19 "Made in Vietnam" COVIVAC.

Tại buổi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin phòng COVID-19 COVIVAC, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đánh giá rất cao sự chuẩn bị, cố gắng, nỗ lực của các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học đến từ Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) đã cố gắng không ngừng nghỉ, làm ngày làm đêm để chế tạo ra vắc xin trong thời gian rất ngắn.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ vui mừng khi được chứng kiến một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của tiến trình nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 “Made in Vietnam” do đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện.

GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế.

COVIVAC là vắc-xin thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng sau Nano Covax hiện đã sang giai đoạn 2. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm vắc-xin của công ty Vabiotech thử nghiệm giai đoạn 1.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Nếu COVIVAC thành công, cùng với Nano Covax và Vabiotech sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn vắc-xin phòng COVID-19 trong nước. Chúng tôi kỳ vọng cuối năm 2021, đầu 2022, Việt Nam sẽ có vắc-xin để sử dụng, thậm chí có thể thành công trong xuất khẩu”.

Bộ Y tế cho biết, IVAC đã mua bảo hiểm cho toàn bộ đối tượng tham gia nghiên cứu với tổng giá trị 40 tỷ đồng. Đây là quy định bắt buộc không chỉ tại Việt Nam mà tại tất cả các nước.

COVIVAC là vắc xin thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng
COVIVAC là vắc xin thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng

Vắc-xin COVIVAC là vắc xin phòng bệnh COVID-19. Đây là vắc-xin toàn hạt vi rút tinh khiết, bất hoạt, dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản. COVIVAC là sản phẩm hợp tác của IVAC với các trường Đại học Y Icahn ở Mount Sinai, New York; Đại học Texas ở Austin; Tổ chức PATH (Mỹ) và các đối tác trong và ngoài nước khác.

Tổ chức nhận thử nghiệm là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tổ chức phối hợp thực hiện là Trường Đại học Y Hà Nội. Nghiên cứu được giám sát độc lập bởi Vietstar Biomedical Research và số liệu được quản lý và phân tích bởi Trung tâm BIOPHICS (Trường Đại học Mahidol, Thái Lan).

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI