Bộ Y tế khuyến cáo dự phòng ngộ độc nấm

27/03/2014 - 10:41

PNO - Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo người dân nên cẩn thận trong việc sử dụng nấm để đề phòng bị ngộ độc do nấm độc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo đó, người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, không ăn thử nấm; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm của nấm độc. Nấm tươi mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, nát có thể thành nấm độc. Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết nhưng vẫn có thể gây ngộ độc với người.

Bo Y te khuyen cao du phong ngo doc nam
Cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nấm ăn để đề phòng ngộ độc (Ảnh: KT)

Trước đó, trong ngày 9/3, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai đã tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhân người dân tộc Dao ở Thái Nguyên bị ngộ độc nấm tán trắng trong tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng, tụt huyết áp, men gan tăng. Đây là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc nấm tán trắng từ đầu năm 2014, tuy nhiên, theo các chuyên gia chống độc, tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc nấm không phải là hy hữu mà là chuyện thường xảy ra vào đầu mùa mưa...

Trả lời trên báo chí, PGS.TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, các nạn nhân này bị ngộ độc nấm chậm (15h sau khi ăn nấm). Theo như sự phân chia để điều trị cấp cứu ngộ độc thực phẩm thì đây là loại ngộ độc nấm chậm (sẽ khó điều trị). Trong khi đó, nấm tán trắng là nấm có độc tính cao, nếu không được điều trị nhanh, kịp thời sẽ dẫn đến viêm gan, viêm thận cấp và làm suy đa phủ tạng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tình trạng ngộ độc thực vật độc, nấm độc tại một số tỉnh miền Bắc nước ta như: Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn tính từ năm 2003 đến năm 2011 cho thấy, đã xảy ra 142 vụ ngộ độc thực vật với 241 người mắc, trong đó có 66 người tử vong. Riêng về ngộ độc do nấm độc, tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đã xảy ra 90 vụ với 340 người mắc, trong đó có 55 người tử vong.

Theo nhận định của các chuyên gia, so với các loại ngộ độ khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Nguyên nhân là do nhiều người dân không biết cách nhận biết các loại nấm độc mọc ở quanh vườn nhà, ở rừng nên hái về ăn dẫn đến tình trạng này. Ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, các loài nấm này được người dân vùng cao thường xuyên sử dụng. Vì thế, số vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở những khu vực này. Cần lưu ý là ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Do đó, người dân cần tuyệt đối không hái nấm rừng về để sử dụng.

Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển. Đây là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên ở nước ta. Đây cũng là khu vực có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Theo thói quen, đồng bào vẫn thường hái lượm nấm để sử dụng trong bữa ăn.

Tuy nhiên, do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình... Trước thực trạng như vậy, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân, đồng thời đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền về nấm bằng tiếng Dao, Thái, Mông trên sóng phát thanh tại địa phương nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc./.

Theo THÙY ANH (VOV online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI