Bộ Y tế đề xuất bắt buộc tiêm vắc xin tại vùng nguy cơ có dịch

27/08/2023 - 17:59

PNO - Trong đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh, Bộ Y tế đề xuất bắt buộc tiêm vắc xin với người có nguy cơ mắc bệnh tại vùng nguy cơ có dịch.

 

Bộ Y tế đề xuất bắt buộc tiêm vắc xin cho người có nguy cơ tại vùng nguy cơ có dịch

Bộ Y tế đề xuất bắt buộc tiêm vắc xin cho người có nguy cơ tại vùng nguy cơ có dịch (ảnh minh họa)

Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.

Theo Bộ Y tế, trong 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm; các chỉ số chăm sóc sức khỏe của bà mẹ ngày càng cải thiện…

Tuy nhiên, số năm sống với bệnh tật của người dân lại cao so với các nước có cùng mức sống. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo Bộ Y tế là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc cũng như gia tăng nhanh gánh nặng bệnh không lây nhiễm, gia tăng các nguy cơ yếu tố về môi trường... Một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, đội ngũ y bác sĩ còn thiếu, chất lượng chưa cao, còn nhiều khoảng trống trong đào tạo. 

Bộ Y tế chỉ ra để xảy ra các khó khăn, thách thức trên xuất phát từ 2 vấn đề chính là việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và thiếu hành lang pháp lý cho các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe.

“Việc xây dựng một đạo luật mới với phạm vi điều chỉnh gồm các quy định về nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần); phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân để thể chế hóa quan điểm của Đảng và giải quyết các khoảng trống về pháp luật các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe đồng thời thay thế Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn phù hợp, không gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, tờ trình nêu.

Đáng lưu ý, trong tờ trình, Bộ Y tế đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh với 5 chính sách gồm: bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch; dinh dưỡng với sức khỏe; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe đối với người dân.

Với các chính sách này, Bộ Y tế hướng tới mục tiêu góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Cụ thể, kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI