Bộ Y tế đề nghị các tỉnh miền Tây chuẩn bị kịch bản cách ly trên diện rộng

16/04/2021 - 13:12

PNO - Trong bối cảnh “nóng” biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ Y tế cho biết năm 2021 là thách thức, cần nỗ lực để kiểm soát COVID-19.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ thành lập đoàn công tác tăng cường chỉ đạo phòng chống COVID-19 tại biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam bộ - Ảnh: Trần Minh

Kiểm soát dịch năm 2021 là thách thức

Sáng 16/4, tại cuộc họp trực tuyến phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế nhận định, trong bối cảnh các nước láng giềng có ca nhiễm tăng cao, thế giới chưa giảm số ca mắc, Việt Nam vẫn phải thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chuyến bay giải cứu công dân, vì thế nguy cơ xảy ra dịch.

Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, khu vực nóng bỏng nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam bộ. Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn công tác tăng cường chỉ đạo tại khu vực này. Bộ Y tế đề nghị các địa phương và lực lượng biên phòng giữ thật vững, thật chắc khu vực biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, cách ly. Nếu buông lỏng, lơ là, xảy ra ca nhập cảnh trái phép làm lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là virus SARS-CoV-2 mang biến chủng của Anh, Nam Phi thì việc kiểm soát tại cộng đồng khó khăn.

"Khi phát hiện có trường hợp nhập cảnh trái phép, các địa phương phải báo ngay cho cơ quan chức năng để cách ly trường hợp này và xử lý nghiêm. Chúng ta cũng cần tăng cường tầm soát để phát hiện các ca nhiễm bằng việc tăng cường xét nghiệm tại khu vực và đối tượng có nguy cơ một cách thường xuyên, để phát hiện sớm mầm bệnh trong cộng đồng", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải sẵn sàng khi có dịch. Theo đó, cần nâng cấp cơ sở xét nghiệm để đáp ứng tình hình lấy mẫu xét nghiệm, chuẩn bị cho kịch bản cách ly trên diện rộng; chuẩn bị hậu cần cho cách ly; chuẩn bị tình huống cho công tác điều trị…

Trước đó, ngày 15/4, An Giang cũng đã phải họp khẩn do có 2 ca nghi nhiễm COVID-19 là người nhập cảnh trái phép qua cửa khẩu Long Bình.

Nhiều băn khoăn với hộ chiếu vắc-xin

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã đề xuất với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 việc cách ly 7 ngày với người nhập cảnh có "hộ chiếu vắc-xin". Theo đó, người nhập cảnh Việt Nam có "hộ chiếu vắc-xin" sẽ được xét nghiệm lần đầu vào ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh; lần thứ hai vào ngày cách ly thứ 6. Lần xét nghiệm thứ 3 được thực hiện vào ngày cuối trong chuỗi cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Nếu cả 3 lần xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh được kết thúc cách ly.

Nếu đề xuất này được chấp thuận, dự kiến tổng thời gian cách ly của người có "hộ chiếu vắc-xin" là 14 ngày, trong đó 7 ngày tập trung, 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú. Hiện nay, theo quy định, tất cả người nhập cảnh Việt Nam đều phải cách ly tập trung 14 ngày. Như vậy, nếu áp dụng hộ chiếu vắc-xin thì có thể rút ngắn thời gian cách ly tập trung còn 7 ngày.

Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn cho biết, việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin còn 1 số điểm chú ý. Thứ nhất, trên thế giới, hiện mới chỉ có Singapore áp dụng hộ chiếu vắc-xin nhưng cũng chỉ giới hạn trong 1 phạm vi hẹp. Nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật... dù đã đưa ra vấn đề hộ chiếu vắc-xin nhưng chưa áp dụng.

Thứ hai, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa khuyến cáo áp dụng hộ chiếu vắc-xin, vì một số lý do, trong đó có việc những người tiêm vắc-xin rồi cũng có thể chỉ hạn chế và giảm tỷ lệ trầm trọng của người đó trong trường hợp mắc COVID-19.

Nếu áp dụng, ông Tấn cũng nêu ra vấn đề: hiện có nhiều loại vắc-xin phòng COVID-19 trên thế giới khác nhau, do các quốc gia khác nhau sản xuất, trong khi đó hiệu lực của vắc-xin cũng khác nhau. “Có vắc-xin có hiệu lực cao, có vắc-xin hiệu lực thấp thì chúng ta sẽ chấp nhận vắc-xin nào?”, ông Tấn đặt câu hỏi.

Đặc biệt, nhiều quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao, tiêm phòng cao, miễn dịch cộng đồng cao. Trong khi đó Việt Nam là quốc gia “sạch”, kiểm soát tốt dịch bệnh trong cộng đồng, tỷ lệ tiêm tiêm chủng chưa đạt theo số lượng yêu cầu do khan hiếm vắc-xin nên miễn dịch cộng đồng của Việt Nam rất thấp. Nếu triển khai hộ chiếu vắc-xin, quản lý không chặt thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng có thể xảy ra.

Về đề xuất của một số địa phương, có thể có những chuyến bay đưa người từ nước ngoài vào Việt Nam, những du khách này chỉ tới 1 địa điểm để chơi golf, hay ở tại khu nghỉ dưỡng, thì có thể áp dụng hộ chiếu vắc-xin không? Ông Tấn cho biết, đây cũng có thể là một mô hình có thể áp dụng, tuy nhiên đòi hỏi chính quyền địa phương phải quản lý hết sức chặt, không để du khách đi ra ngoài, nếu không có thể có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Dù vậy, theo ông Tấn, tất cả những vấn đề trên vẫn đang được Bộ Y tế và các đơn vị, trong đó có Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu và có những đề xuất trong quá trình thảo luận, lên phương án về hộ chiếu vắc-xin.

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI