edf40wrjww2tblPage:Content
Điều trị sởi cho trẻ tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Bảo Thoa.
Ngay sau khi có thông tin về việc 111 trẻ tử vong do sởi và liên quan đến sởi, ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO cho rằng Bộ y tế Việt Nam nên đặt tình trạng bệnh sởi vào “tình huống khẩn cấp”.
Trước đó, phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thân chinh tới Bệnh viện Nhi Trung ương để thị sát tình hình dịch bệnh và ngày 16/4/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương quyết liệt phòng chống sởi.
Vậy mà, theo thông tin chúng tôi có được thì ngày 14/4/2014, Cục Y tế dự phòng vẫn lấp liếm bằng cách khẳng định chỉ có 25 ca tử vong do sởi. Phải đến khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới Bệnh viện Nhi TW (ngày 16/4/2014) để kiểm tra tình hình, mới “lòi” ra thông tin về việc trên 108 ca tử vong do sởi và liên quan đến sởi, trong đó tại BV Nhi TW có tới 103 ca. Rồi số ca nhiễm nghi sởi thực tế cũng cao hơn nhiều thông số trước đó mà Cục y tế dự phòng đưa ra.
Và khi thông tin này không còn “che giấu” được thực trạng sởi thì Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới “xuất hiện” tại Bệnh viện Nhi TW để thị sát tình hình.
Lâu nay, dư luận bức xúc về việc “tư lệnh” ngành y tế, đã “sơ ý” không đến thăm hỏi, quan tâm đến vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin tại Quảng Trị thì đến giờ người ta cũng thắc mắc: tình hình bệnh sởi phức tạp diễn ra tại Hà Nội, nơi rất gần với Bộ y tế (cơ quan làm việc của Bộ trưởng), tại sao nhiều tháng qua, không thấy bộ trưởng đến xem xét?.
Chưa kể, BV Nhi Trung ương là cơ quan trực thuộc Bộ Y tế nên khó mà nói rằng thông tin dịch bệnh sởi không tới “tai” Cục, Bộ.
Áp lực kinh hoàng, số lượng bệnh nhân tăng vọt, bệnh viện quá tải, thiếu máy thở,... đến mức đơn vị điều trị phải “la làng” vì tử vong quá nhiều, “vỡ trận” vì không “chịu được nhiệt” thì khi đó mới thấy bà Bộ trưởng Bộ y tế xuất hiện. Là sao? Là sao?
Đến nay, đã có trên 8.000 ca mắc bệnh sởi trên cả nước
Không thể phủ nhận ngành y tế cũng có những nhận định tình hình và có những đề xuất chủ trương triển khai phòng chống dịch sởi (như triển khai tiêm vét, nâng độ tuổi chích ngừa sởi... ) nhưng theo tôi là chưa quyết liệt, kịp thời và không thông tin đầy đủ.
Thứ nhất, sởi là bệnh dễ lây lan, biện pháp phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ tốt nhất là bằng cách tiêm ngừa. Trong khi, việc tiêm ngừa thời gian qua đã có dấu hiệu chựng lại vì người dân nghi ngại những hệ lụy khi đưa trẻ đi tiêm chủng thì chính Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng lại không “nỡ” công khai thông tin thực tế về số ca nhiễm, số ca tử vong do sởi, liên quan đến sởi.
Dư luận cho rằng, “trách người dân một thì trách ngành y tế mười” nếu công bố số liệu “kinh hoàng” trên sẽ góp phần “đánh động” người dân cho con đi tiêm chủng, sẽ góp phần hỗ trợ công tác phòng ngừa bệnh trong cộng đồng, đánh bật tâm lý e dè lo sợ tai biến khi tiêm vắc xin trong người dân.
Một bác sĩ tại TP.HCM cho biết, khi ông công bố số liệu về tình hình sởi tại TP.HCM thì cũng có người hỏi ông rằng sao lại làm thế?. Ông bác sĩ này nói thẳng, nếu không nói cho người ta biết thì chắc chắn số ca mắc sởi sẽ không ít như hiện nay. Và minh chứng cho lời ông là kết quả ngăn ngừa bệnh sởi ở phía Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng đến nay “vẫn trong tầm kiểm soát”, tức số ca mắc thấp hơn nhiều so với Hà Nội, số ca tử vong đến sáng 17/4 là zê rô.
Thứ hai, theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng trả lời báo chí thì đáng lẽ đến giờ này Bộ y tế phải công bố ngay dịch sởi, và Bộ y tế đã chậm công bố dịch.
Cũng theo ông An, đến nay đã có 59/63 địa phương ghi nhận có bệnh nhân sởi. Đặc biệt số ca tử vong do mắc sởi ngay tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 25. Chiều 15/4 khi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới thăm thì con số bệnh nhân tử vong do sởi và biến chứng được báo cáo là trên 100 ca, chưa kể một số bệnh nhân bệnh nặng xin về và tử vong tại nhà. Các bệnh viện tại Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái cũng có thông báo về việc có bệnh nhân tử vong do sởi. Rõ ràng lúc này phải công bố có dịch sởi.
Công bố có dịch để làm gì? Thực ra không phải công bố có dịch là chúng ta xấu xa, chúng ta dở. Mà công bố dịch để toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp phải vào cuộc, chung tay dập dịch. Theo đó, từ các bộ, ngành, UBND các cấp, truyền thông phải vào cuộc. Phải trang bị thêm các trang thiết bị, máy thở xuống các bệnh viện tuyến tỉnh để dập dịch chứ không thì trẻ em chết nhiều quá, số ca mắc nhiều quá.
Bộ Y tế còn có vẻ chần chừ, có thể do nắm thông tin không chắc, khả năng quyết đoán trong quản lý không cao. Nhưng theo tôi, cái cốt lõi là trong nhiều năm qua, Bộ Y tế coi nhẹ công tác y tế dự phòng.
Thứ ba, Bộ Y tế, Cục y tế dự phòng quá cứng nhắc trong việc công bố dịch. Phải đối chiếu tiêu chí này nọ trong khi dịch bệnh đã gây ra những hiểm họa khôn lường và riêng với dịch sởi, đã thấy rõ qua số ca mắc và tử vong.
Chưa kể , ngành y tế đã lấp liếm, ngụy biện bằng những thông tin so sánh khập khiễng với việc bệnh sởi tăng theo chu kỳ, số ca mắc không bằng thời điểm dịch trước đó. Xin hỏi, đã nhận định dịch bệnh tăng theo chu kỳ sao các chuyên gia không chủ động đối phó?. Và dù số ca mắc không nhiều bằng năm trước nhưng với số ca tử vong liên quan đến bệnh sởi cao hơn trước thì cũng nên thông báo cho người dân biết đường mà phòng bị.
Thứ tư, theo tìm hiểu của chúng tôi, chính sách của chúng ta đang “đi ngược” với xu thế. Ai cũng biết, một đồng cho kinh phí dự phòng (chích vắc xin) bằng 7 đồng điều trị. Vậy mà kinh phí cho dự phòng hiện lại “teo tóp”, vì theo quy chế, chúng ta đang chủ trương cắt giảm ngân sách cho y tế dự phòng để “cân đối ngân sách”. Trong khi, theo tính toán của các chuyên gia thì ngân sách dự phòng tối thiểu phải đạt 30% ngân sách y tế địa phương, và từ trước đến nay chưa có địa phương nào đạt tới mức này. Vậy mà giờ còn cắt giảm, có những chương trình cắt giảm từ 50 - 65%. Bộ y tế thì lại “nhắm mắt làm ngơ”?. Hậu quả là ngành y tế phải gánh chịu áp lực. Trách ai, ai trách, bây giờ trách ai?
Tiến Đạt