Bệnh trầm cảm: Yêu thương - phương thuốc diệu kỳ!

Bỏ xứ ra đi để làm lại cuộc đời

15/04/2021 - 06:49

PNO - Sau khi chia tay người yêu, Duy luôn giam mình trong phòng, hằng đêm anh tự đập đầu vào tường, tự hành hạ bản thân, rồi anh biết mình bị trầm cảm.

 

Đổ vỡ trong tình yêu khiến không ít người rơi vào tuyệt vọng cùng cực, như trường hợp anh Lê Duy (27 tuổi, quê ở Thanh Hóa, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan). Việc chia tay người yêu không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn tác động không nhỏ đến sức khỏe và thể chất của anh Duy.

Đi khám da liễu vì rụng tóc, phát hiện trầm cảm

Kể câu chuyện của đời mình, anh Duy cho biết, 3 năm trước, sau khi chia tay người yêu, anh phát hiện mình bị trầm cảm. Thời điểm đó anh luôn giam mình trong phòng, ít giao tiếp, đặc biệt luôn nghĩ đến cái chết. Hằng đêm cứ nằm xuống anh lại tự đập đầu vào tường, tự hành hạ bản thân và chẳng thể tâm sự với bất kỳ ai.

Vài ngày sau đó, tóc anh có dấu hiệu bạc và rụng khá nhiều. Anh quyết định bắt xe từ quê ra Hà Nội khám. Anh kể: “Ngày đó mình đi khám tổng quát, khám ung thư, qua bệnh viện da liễu kiểm tra nhưng tất cả kết quả đều ổn. Vẫn chưa hết lo lắng, mình đến viện sức khỏe tâm thần quốc gia để khám và được xác nhận mắc chứng trầm cảm nặng. Cầm kết luận trên tay mà mình chết lặng, chẳng biết phải làm gì”.

Anh điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, anh uống khá nhiều thuốc an thần. Người duy nhất bên anh lúc đó là bà Lan - mẹ anh. Nhiều đêm thấy con đập đầu vào tường chảy máu, mẹ anh liền chạy tới ôm con và nói: “Mẹ sinh con ra, cho con hình hài, sao con lại tự hủy hoại bản thân thế này?”.

Từ ngày con trai mắc chứng trầm cảm, tranh thủ những lúc nghỉ ngơi công việc đồng áng, bà Lan lại ngồi bên động viên Duy chịu khó đi ra bên ngoài nhằm giải thoát con khỏi không khí ngột ngạt, bí bách trong nhà. Biết con trai không ngủ được, hằng đêm trước khi đi ngủ bà đều mở tivi và bật YouTube những video lời Phật dạy cho anh nghe.

Bỏ xứ ra đi để làm lại cuộc đời

Nhận thức được tình trạng sức khỏe bản thân chẳng thể cải thiện, anh Duy chọn cách ra nước ngoài và đến Đài Loan.

Tại đây, anh giữ cho bản thân vui vẻ. Bận rộn để thích nghi với cuộc sống mới làm anh quên đi những việc khiến bản thân buồn bã. Anh bắt đầu học cách nuông chiều bản thân bằng việc chú ý đến việc ăn uống, đi mua sắm những món đồ mình yêu thích. Đây không chỉ là cách giúp anh quên đi nỗi buồn trong tình cảm mà còn giúp cho anh có sự đổi mới về ngoại hình, tăng sự tự tin và tránh những việc làm tiêu cực.

Anh tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm của những người vượt lên trầm cảm để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Ở các hội nhóm, anh có cơ hội gặp gỡ và đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn và đau khổ hơn mình, từ đó anh yêu bản thân và trân trọng cuộc sống hơn.

Anh tâm sự: “Tôi chỉ muốn các bạn hiểu rằng, chẳng có liều thuốc nào bằng việc tự mình đứng lên. Tôi thấy nhiều người, và cả tôi, luôn cố tỏ ra mình đáng thương hoặc tự giày vò bản thân để người khác thương hại. Bây giờ tôi nhận ra làm như vậy chỉ khiến bản thân xấu và yếu đi mà thôi, tiếp nữa người khổ là mình và gia đình mình. Tôi mong những người rơi vào trầm cảm giống như tôi hãy cố gắng đối diện với mọi chuyện, suy nghĩ thoáng và vượt qua vì cuộc đời này còn rất nhiều điều tươi đẹp và đáng để trân trọng”.

Chàng trai đã bỏ xứ ra nước ngoài để làm lại từ đầu.
Chàng trai đã bỏ xứ ra nước ngoài để làm lại từ đầu


An Bình

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 40 giây, trên thế giới lại có một người tự tử do trầm cảm. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua bệnh ung thư, tiểu đường để trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người chỉ sau tim mạch.

Theo một thống kê tại Bệnh viện Tâm thần (TPHCM), có đến 6% dân số tại TPHCM mắc bệnh trầm cảm. Hầu hết các bệnh nhân trầm cảm nặng đều từng trải qua những khoảnh khắc muốn tự tử. Khi đó, chỉ cần một cú huých nhẹ cũng có thể khiến họ rơi xuống vực. Nhưng, một cái níu nhẹ cũng có thể giúp họ dừng lại, tiếp tục sống để có cơ hội lành bệnh.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi, để thấy tình yêu thương trở thành phương thuốc diệu kỳ cho căn bệnh thời đại này, qua email: online@baophunu.org.vn hoặc bạn có thể để lại phần bình luận dưới bài viết.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI