Đó có thể là tin rất vui trong “trận chiến” trường kỳ với COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận và đưa bộ sản phẩm xét nghiệm LightPower iVASARS (model: COV-2 1stRT-rPCR Kit) của Việt Nam vào danh sách đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL). Nhưng với “bộ ba” phát triển bộ kit, gồm Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (TPHCM), điều đó dường như không có gì bất ngờ.
|
Quy trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm của Việt Á đạt chuẩn ISO class 8, ISO13485 và được WHO cùng Bộ Y tế - Chăm sóc xã hội Anh chấp thuận trong tháng 4/2020 - Ảnh: Quốc Ngọc |
Ứng dụng sinh học phân tử, thế mạnh ít được biết của Việt Nam
Không chỉ vì trước cả WHO, bộ xét nghiệm đã nhận được chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy lưu hành tự do (CFS) ở tất cả các quốc gia thành viên khu vực kinh tế này bởi Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương quốc Anh (MHRA). Ngay từ những ngày đầu tháng Ba, khi Bộ Y tế Việt Nam chấp thuận đưa bộ kit vào danh mục sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2, ê-kíp sản xuất và cung cấp đã hoàn toàn tự tin về năng lực từ lúc sản phẩm còn ở giai đoạn nghiên cứu.
Và vai trò của đơn vị tư nhân trong “bộ ba” luôn bị “giáng đòn” bởi những “câu hỏi xoáy”: vì sao là Việt Á? Hay tâm lý tự ti: phải chăng Việt Nam chỉ làm được cái thế giới không thèm làm? Để trả lời, một cách giản dị, có thể cộng đồng rất “bỡ ngỡ” với thành tựu, do thiếu thông tin về trình độ ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử tại Việt Nam. Cần nhìn nhận, việc chúng ta làm được không có gì mới, nhưng chất lượng và hiệu quả sử dụng trong bối cảnh đại dịch thì vượt sức tưởng tượng.
Ngoài các sản phẩm nhập khẩu, ở nước ta hiện chỉ có một vài công ty sản xuất sinh phẩm xét nghiệm. Việt Á là cái tên quen thuộc trong giới với thị phần chi phối 70% cả nước suốt hơn 10 năm nay. Bên cạnh điều kiện pháp lý, chứng chỉ ISO hầu như được các tổ chức quốc tế công nhận, bộ kit COVID-19 do đội ngũ thế hệ 8x, 9x của công ty phát triển còn vượt trội về chất lượng và sự tiện dụng.
Bằng kiến thức chuyên môn, cộng nhạy bén trong phân tích nhu cầu, bộ kit của họ được đóng gói theo hướng “ready to use”. Nghĩa là muốn thử bao nhiêu mẫu, cứ lấy bấy nhiêu test ra sử dụng, không cần pha chế gì thêm. Sự tiện lợi này giúp hạn chế tối đa hao hụt, tránh sai sót ở yếu tố người sử dụng vì đã đơn giản hóa thao tác, tăng tốc xét nghiệm và phù hợp với đa dạng các chủng loại máy xét nghiệm hiện có. Tất cả tính năng đó mang giá trị lớn trong bối cảnh đại dịch cần số lượng mẫu xét nghiệm lớn và áp lực trả kết quả khẩn. Nỗ lực tìm tòi các công thức phối trộn, chất bảo quản, Việt Á đã tạo ra bộ kit “ready to use” duy nhất của Việt Nam có thể cạnh tranh với “đại tập đoàn” Roche (Thụy Sỹ) - với thời gian trả kết quả trong hai giờ và sai số gần như bằng 0.
Tự ti, đố kỵ kéo ghì sức cống hiến trẻ
Nhiều tháng kể từ sau Tết, Việt Á đồng lòng hứng “hòn tên, mũi đạn” giữa lúc “dầu sôi, lửa bỏng” cả nước đương đầu với virus. Họ làm việc với 300% công suất, đạt 30.000 test trong nước/ngày, 100.000 test xuất khẩu/ngày. Từ đầu mùa dịch đến nay, công ty đã cung cấp 250.000 test cho hơn 95% cơ sở thực hiện xét nghiệm trên cả nước, 20.000 test cho gần 10 nước khác. Dự kiến, trong tháng Tư, công ty cung cấp 1 triệu test, đến tháng Năm là 3 triệu test.
Tuy nhiên, sức cống hiến của những người trẻ sinh ra, lớn lên sau ngày đất nước thống nhất đã, đang và sẽ còn bị “va đập” tơi bời bởi sự đố kỵ. Đầu tiên, xuất hiện những lời đồn ác ý về việc thiếu nguyên liệu. Đang căng sức cùng cả nước chống dịch, Việt Á phải gửi công văn khẩn cho Bộ Y tế bác bỏ điều này. Thâm niên sản xuất sinh phẩm của công ty luôn nhận được ưu tiên lớn từ các nhà cung cấp với cam kết “thấy được chiến lược dài hạn từ trong quá khứ, hiện tại và tương lai của Việt Á không chỉ với bộ kit COVID-19 mà còn nhiều dịch bệnh khác”.
Chưa hết, công ty bị tung tin sai sự thật, cho rằng mua kit của Trung Quốc về dán lại nhãn mác. Thông tin này gửi trực tiếp đến lãnh đạo Bộ Y tế, các tỉnh thành. Sau đó, đơn vị chức năng lập đoàn kiểm tra vào tận cơ sở sản xuất tại TPHCM. Sự thật phơi bày với xác nhận nguyên liệu của công ty nhập từ Mỹ, Đức.
Tốt nhất hoặc không có gì
Cuộc hẹn làm việc với chúng tôi “sát nách” buổi làm việc với đại diện Tập đoàn LG đến trao đổi hợp tác đầu tư phân phối sản phẩm kit COVID-19 vào sáng 28/4 của ông Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Á. Trong những ngày khó khăn đầu dịch, để đáp ứng kịp thời, vị quản lý 40 tuổi này phải có mặt ở sân bay vào 2-3g sáng để giao hàng cho các nơi và di chuyển như con thoi trong ý thức trách nhiệm hỗ trợ những nơi thụ hưởng bộ kit. Cao điểm cuối tháng Ba, công ty cung ứng trên 10.000 test/ngày, hiện tại 2.000-3.000 test/ngày.
“Nếu chỉ có sản xuất và cung cấp kit thì quá đơn giản cho Việt Á, vì việc này chỉ chiếm chưa tới 25% năng lực của chúng tôi. Sản xuất ra mà không tổ chức triển khai xét nghiệm tốt thì kit không được sử dụng hết, coi như vô nghĩa. Chiếm hơn 75% sức lực của chúng tôi trong mùa COVID-19 chính là phối hợp, hỗ trợ 75 cơ sở trên cả nước tổ chức xét nghiệm sao cho hiệu quả nhất, thực hiện được nhiều mẫu nhất, ra kết quả tốt nhất”, ông Việt nói.
Việt Á muốn mọi thứ phải tốt nhất, hoặc không có gì. Họ tự nguyện cung cấp gần 30 hệ thống máy real-time PCR, một số thiết bị liên quan khác cùng 50 nhân sự chuyên môn hỗ trợ các cơ sở. Những thành quả có thể kể đến như góp phần giúp CDC Hà Nội tăng số mẫu thực hiện từ 300-400 mẫu/ngày lên mười lần (3.000-4.000 mẫu/ngày). Hỗ trợ Trường đại học Y Hà Nội cũng như các tỉnh không mạnh về PCR như Hà Tĩnh có thể nâng công suất 1.000 mẫu/ngày…
Quan điểm của đội ngũ Việt Á về sản phẩm y tế cũng vậy, có tất cả hoặc không có gì. “Không có chuyện kết quả 10% lấy 10 đồng, 20% lấy 20 đồng. Kết quả phải đạt độ chính xác tối thiểu 80% trở lên mới xuất xưởng. Bản lĩnh khi nắm thị phần chi phối có nghĩa chúng tôi đã không bị nước ngoài đâm chìm trên chính sân nhà của mình từ nhiều năm nay”, ông Việt tự hào.
Ông Việt hít hơi sâu như nghe chừng đâu đây còn đó những gièm pha, nói: “Chắc chắn sau kinh nghiệm COVID-19, chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống sản xuất lớn hơn, tự túc được nguyên vật liệu. Đồng thời, Việt Á sẽ xây dựng phòng thí nghiệm chuẩn quốc gia với mức độ an toàn sinh học cấp 3, nhằm để khi có dịch bệnh bùng phát, công ty có thể song hành cùng quốc tế nghiên cứu quy trình chứ không chờ nữa. Chúng tôi không những muốn đi đầu trong ứng dụng mà còn hướng tới nỗ lực nghiên cứu, phát minh trong ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử”.
Theo ông, chỉ có nỗ lực hết mình bằng chất lượng sản phẩm tầm quốc tế, chứ không phải “cãi vã”, mới có thể xóa tan tâm lý tự ti, đố kỵ của người Việt.
Hiện bộ kit COVID-19 của công ty tiếp tục nhận được lời mời hợp tác từ các tập đoàn như Quỹ CHAI (của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đàm phán mua kit để tài trợ các nước nghèo với số lượng hàng triệu test. Một công ty giấu tên muốn cung cấp độc quyền 1 triệu test/tháng của Việt Á tại bốn nước Anh, Mỹ, Mexico và Ấn Độ.
Khát vọng của những người trẻ trong một quốc gia thống nhất hẳn luôn là sự định vị cá nhân mình, dân tộc mình trên bản đồ quốc tế. Ở trường hợp Việt Á, là lĩnh vực sinh học phân tử, còn biết bao tiềm năng của đất nước toàn vẹn lãnh thổ đang đợi chờ bàn tay tuổi trẻ.
Quốc Ngọc