Bỏ xe để né nộp phạt nồng độ cồn, có né được không?

25/04/2024 - 14:31

PNO - Một số tài xế chấp nhận bỏ xe để né nộp phạt nồng độ cồn, vậy pháp luật có xử lý được những trường hợp này không?

Thời gian qua, lực lượng CSGT trên toàn quốc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn. Hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm đã bị xử lý, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra.

Thực tế cho thấy, bên cạnh các trường hợp chấp hành, một số tỏ thái độ chống đối khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Có trường hợp bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện nhưng chấp nhận bỏ luôn xe chứ không nộp phạt, vì cho rằng mức phạt cao hơn cả giá trị chiếc xe.

Đối với những trường hợp này, pháp luật quy định xử lý ra sao, liệu người vi phạm có né nộp phạt được hay không?

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Bộ Công an cho hay, về trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người vi phạm, tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn, thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Tại Điều 86 luật này cũng quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Các biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng bao gồm: khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

Ngoài ra, còn có thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Về xử lý phương tiện hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận không có lý do chính đáng, tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai, nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trao đổi thêm về vấn đề trên, luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, dù người vi phạm có bỏ xe thì việc xử phạt vẫn có hiệu lực và cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ, khi đã hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt hành chính mà người có hành vi vi phạm vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt sẽ phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Đồng thời, người vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo Điều 86 của luật này.

Người vi phạm không chấp hành nộp phạt còn bị ảnh hưởng đến quyền lợi về đăng ký xe. Khoản 15 điều 3 Thông tư 24/2023 của Bộ Công an quy định: người vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì chưa được giải quyết đăng ký xe; sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm, mới được đăng ký xe theo quy định.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI