Bộ Xây dựng lo ngại sốt giá bất động sản năm 2022

14/02/2022 - 11:25

PNO - “Năm 2021, nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản vẫn tăng. Dù đến nay cơn sốt đất đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng sốt giá bất động sản trong năm 2022” – Bộ Xây dựng lo ngại.

Theo thông cáo 06/TC-BXD của Bộ Xây dựng về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản năm 2021 cho thấy, dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5–7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí “sốt giá” đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh ( tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TPHCM; TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Dù

Dù sau các chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, tình trạng sốt đất ở các địa phương đã hạ nhiệt, tuy nhiên Bộ Xây dựng vẫn lo ngại có hiện tượng sốt giá bất động sản trong năm 2022.

Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính Phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại TP.Đà Nẵng…).

Tuy nhiên, vừa qua nhiều địa phương thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó một số trường hợp trúng đấu giá với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Đơn cử, trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm cho thấy, kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường bất động sản của khu vực Thủ Thiêm. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất này, giá bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng, tuy nhiên ghi nhận giao dịch rất ít. Sau khi có thông tin chủ đầu tư xin chấm dứt thực hiện hợp đồng trúng đấu giá, thị trường bất động sản khu vực đã cơ bản ổn định trở lại.

Trước tình trạng trên, ngày 21/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1767/CĐ-TTg gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường hiệu quả đối với công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở, đảm bảo thị trường phát triển ổn định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5370/BXD-QLN ngày 24/12/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản... đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường.

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương thì hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ “bong bóng” bất động sản là khó xảy ra. “Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng “sốt giá” bất động sản trong năm 2022. Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 – 2009)” – Bộ Xây dựng lo ngại.

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI