Bờ xanh cổ tích trong miền ấu thơ

05/08/2023 - 07:35

PNO - Cổ tích của ba là cuốn tản văn dành cho thiếu nhi của nhà văn - nhà báo Phi Tân (hiện công tác tại Đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên - Huế) vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Cuốn sách tập hợp những bài viết nhẹ nhàng, ấm áp và đầy tình thương mến của tác giả về quê nhà - xứ Huế tuyệt đẹp, trong veo như cổ tích.

Là một người con xứ Huế nên bóng dáng quê xứ luôn hiện diện trong từng trang viết thấm đẫm tình yêu quê nhà của Phi Tân. Đặc biệt, tập tản văn Về Huế ăn cơm của anh vừa được trao tặng thưởng năm 2022 của Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Sau những tập tản văn Ngoại ô thương nhớ, Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm dành được rất nhiều cảm tình của độc giả; Cổ tích của ba dù là sách cho thiếu nhi vẫn không nằm ngoài mạch văn êm đềm, da diết và đầy ắp bóng dáng Huế.
Phi Tân thổ lộ: “Tôi luôn có cảm giác hạnh phúc khi đò từ phá Tam Giang, qua cửa Lác và chạy vào sông Ô Lâu để về nhà. Những ruộng đồng, cây cối, cảnh vật, nhà cửa dâng trào trước mắt ngọt ngào và yêu thương.

Cũng trên những chuyến đò đi hết nửa ngày sông nước như thế, tôi đã kể cho các con nghe những câu chuyện ấu thơ của mình. Đó là những câu chuyện có thật phía bờ xanh cổ tích…”.

Bờ xanh cổ tích của một người cha như Phi Tân chính là tuổi thơ với không gian đẹp thanh bình và trong veo nơi làng quê. Đi cùng câu chữ của Phi Tân là đi cùng anh rong ruổi về lại miền thơ ấu xa xôi không chỉ của riêng anh, mà là trong mỗi người. 

Ở đó, có những khe nước trong vắt tuyệt đẹp như con khe Ngòi Viết: “Từng chùm hoa lộc vừng đỏ tươi rủ xuống 2 bên bờ soi bóng dưới lòng khe trong tiếng chim chóc hót vang lừng. Thỉnh thoảng từng đàn chim chao cánh xuống chừng như muốn đùa giỡn với bầy trẻ nhỏ đang ngụp lặn trong dòng nước mát”.

Ở đó, có mội (khu vực nước rỉ ra từ chân đồi cát) Ong, nơi đám trẻ trong làng mỗi ngày ra tắm 2-3 bận: “Thích nhất là lấy tay bịt mũi, lặn xuống đáy mội và mở mắt ra nhìn mấy đàn cá mặt trăng hay lia thia bơi lội tung tăng”. Một bầu trời tuổi thơ được mở rộng trước mắt với thiên nhiên kỳ thú quanh mình. Anh dẫn trẻ con về làng và chỉ ra nào là chim chàng làng, chim bói cá, chim sa sả, chim đòm đòm… 

Bất cứ làng quê nào cũng sẽ có bóng dáng những chú trâu quen thuộc. Những chú trâu làng cũng hiện lên sinh động trong tập tản văn này. “Mùa hè, niềm vui thú nhất của tôi là đi theo mấy đứa bạn chăn trâu cùng xóm ra sông Ô Lâu để được cưỡi lưng trâu bơi qua sông”. Anh đã lớn lên cùng với làng quê thân thuộc và những trò chơi lừng lẫy một thời: con vụ, đá cá lia thia hay kéo nhau chui bụi rậm, hốc cây tìm tổ chim…

Bờ xanh cổ tích của Phi Tân còn là cái bờ rào quanh nhà, nơi có những bụi cây để đám trẻ chơi trốn tìm. Bờ xanh cổ tích cũng chính là bờ ruộng đã từng in dấu chân: “Mùa xẻ bờ, cỏ hăng mùi bùn nhưng đến mùa lúa chín thì nghe như cỏ cũng có hương thơm”.

Cổ tích của ba được viết bởi những dòng hồi ức thật đẹp của tác giả. Những trang viết ấy mang đến không gian làng quê, những món ăn đầy hoài niệm, không gian bàng bạc một nỗi nhớ nhung… mà ở đó, trẻ em ngày nay cũng có thể được cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích về thiên nhiên, môi trường sinh thái... 

Đọc sách và rồi ai cũng muốn tự mình chạm vào miền cổ tích trong veo, để tâm hồn mình cũng được tưới tắm một dòng nước mát lành, thanh sạch của ấu thơ…

Trần Huyền Trang 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI